Theo thông báo hôm thứ Tư ngày 13/10 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cảng Los Angeles sẽ mở cửa hoạt động liên tục 24/7, sau sự chuyển đổi tương tự của Cảng Long Beach vào tháng 9 năm nay. Thông báo được phát đi sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Chính quyền và nhà chức trách bang California, công đoàn, đại diện các hãng vận tải và hiệp hội các nhà bán lẻ.
Cảng Los Angeles và cảng Long Beach - hai trong số những cảng bận rộn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% lượng container vận chuyển vào Mỹ, thường hoạt động 5 ngày một tuần, đóng cửa vào ban đêm và dịp cuối tuần. Theo ông Seroka, Giám đốc điều hành cảng Los Angeles, những tàu này chủ yếu vận chuyển bộ phận và linh kiện cho sản xuất cũng như hàng hóa có tính mùa vụ cho các nhà bán lẻ nước này.
Nguyên nhân tăng cường hoạt động
Đây là một phần trong những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã đẩy lạm phát tại lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, gây ra nhiều sức ép lên tiêu dùng của người dân, cũng như cản trở đà phục hồi kinh tế. Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng càng trở nên đáng quan ngại trong bối cảnh Black Friday và Giáng Sinh – hai dịp mua sắm lớn nhất trong năm của Mỹ, đang đến cận kề.
Đối với Chính quyền Tổng thống Joe Biden, việc tăng cường hoạt động vào ban đêm ngoài giờ tại cảng bờ Tây cũng như dọc theo tuyến đường sắt vận chuyển, tại các kho hàng, trung tâm vận chuyển là giải pháp nhanh chóng nhất để lưu thông hàng hóa ra khỏi các tàu container đang tồn đọng và giảm bớt áp lực lên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Trọng tâm kế hoạch này là một số hãng vận tải và nhà bán lẻ hàng đầu quốc gia cam kết tăng cường hoạt động qua đêm ngoài giờ tại cảng Long Beach và Los Angeles. Các nỗ lực của Nhà Trắng công bố mới đây dự kiến sẽ lưu thông được thêm 3.500 container/tuần, con số còn khá khiêm tốn so với trung bình 120.000 container/tuần cần chuyển đi. Trong khi đó, còn khoảng 62 tàu chở hàng tồn đọng 500.000 container đang chờ bốc dỡ nằm ngoài khơi bờ Tây và 25 tàu khác dự kiến sẽ đến trong ba ngày tới.
Các chuyên gia cho rằng sự tắc nghẽn “nút thắt giao thông” quan trọng tại khu liên hợp cảng California là kết quả tác động của nhiều yếu tố kết hợp, cả do vấn đề trong nước và toàn cầu. Các yếu tố có thể kể đến như sự gia tăng nhu cầu hàng hóa lâu bền liên quan đến đại dịch, hệ thống đường sắt và vận tải hàng hóa nội địa không đáp ứng đủ, các nhà máy ngừng hoạt động ở một số thị trường châu Á- nơi sản xuất nhiều sản phẩm tiêu dùng, và tình trạng thiếu hụt công nhân bốc xếp ở bến tàu bờ Tây.
Chi phí tăng cao cũng là một phần của vấn đề. Chi phí vận chuyển một container bằng tàu vận tải từ Trung Quốc đến bờ Tây nước Mỹ đã tăng từ khoảng 3.000 USD từ tháng 8/2020 lên hơn 20.000 USD vào tháng 9 năm nay. Ảnh hưởng của đại dịch được dự báo sẽ còn liên tiếp lặp lại đối với chuỗi cung ứng tại Mỹ cũng như các khu vực khác.
Kế hoạch hàn gắn chuỗi cung ứng
Theo Tổng thống Biden, các hãng vận chuyển và các bên liên quan đã cam kết hoạt động 24/7, các nhà khai thác cảng sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp việc vận chuyển hàng hóa.
Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất quốc gia, đã cam kết tăng 50% lượng hàng hóa di chuyển trong giờ thấp điểm trong khi các hãng chuyển phát nhanh FedEx và UPS sẽ tăng cường hoạt động ban đêm. Các hãng Target, Samsung, Home Depot cũng sẽ chuyển sang chế độ làm việc 24/7 để tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa trên khắp đất nước. Công đoàn ILAU – đại diện cho nhân viên ngành kho bãi các cảng bờ Tây ở Mỹ, Hawaii và British Columbia ở Canada – cũng cho biết các thành viên sẵn sàng tăng ca. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden thông báo chính quyền đang có kế hoạch cải cách đối với hệ thống giao vận toàn quốc.
Sự tắc nghẽn tại các cảng đã tạo ra hiệu ứng domino trong nền kinh tế Mỹ. Người tiêu dùng đang được khuyến khích nên mua sắm Giáng sinh từ tháng 10 để chắc chắn chọn được một món đồ ưng ý.
Theo CBRE Group, một công ty dịch vụ bất động sản thương mại, khu vực cảng Los Angeles ghi nhận tỷ lệ trống ở mức thấp kỷ lục 1% tại các nhà kho và khu công nghiệp khác trong quý III. Ông Douglas Kent, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng, nhận định rằng “Nếu tăng công suất tại bến cảng, thì chúng tôi vẫn phải tìm kiếm không gian kho để lưu trữ hàng hóa tạm thời”.
Phạm Thu Thanh (theo CNBC, Reuters)