Nguyên nhân chưa tỏ đã ló điểm … “vênh”

Nguyên nhân chưa tỏ đã ló điểm … “vênh”

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Mặc dù nguyên nhân xuất hiện “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương chưa được làm rõ, nhưng đã bắt đầu lộ diện những điểm vênh giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà khoa học.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, không thể đổ lỗi cho mưa bão khi chất lượng công trình vẫn còn là một dấu hỏi. Thậm chí, lúc này, trách nhiệm còn được “tìm đến” cả những “ông lớn” như Sở Xây dựng và Sở GTVT Hà Nội chứ không chỉ riêng Tập đoàn Nam Cường và Công ty CP Sông Đà Thăng Long.

Bất động sản - Nguyên nhân chưa tỏ đã ló điểm … “vênh”

Hố tử thần trên đường Lê Văn Lương xuất hiện sau cơn bão tố số 5

Trách nhiệm thuộc về ai

Trao đổi với báo chí sáng 21/8, ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương là do mưa lớn ảnh hưởng của bão số 5 gây trượt sụt nền dẫn đến gãy đường ống, tạo ra sự cố hố sụt đường.

Tuy nhiên, chiều cùng ngày, trong cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Linh, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, “hố tử thần” xuất hiện trên đường Lê Văn Lương là sự việc bất khả kháng. Dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, hiện nay, Sở GTVT đang phối hợp với đơn vị có liên quan xác định nguyên nhân xảy ra sự cố. “Không thể một sớm, một chiều có thể xác định được nguyên nhân dẫn đến sự cố trên đường Lê Văn Lương. Hiện chúng tôi đang tích cực khắc phục sự cố và tìm nguyên nhân sụt đường. Chúng tôi sẽ sớm lựa chọn đơn vị độc lập vào giám định nguyên nhân”, ông Linh nói.

Liên quan đến trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội trong vấn đề này, ông Tuấn cho hay, kết luận nguyên nhân phải dựa trên kết luận kiểm định công trình, những ảnh hưởng gây ra sự cố. Các cơ quan liên quan cần mời một đơn vị tư vấn đủ năng lực kiểm định, đánh giá toàn bộ hiện trạng, theo hồ sơ thi công tại vị trí đó. “Sở Xây dựng sẽ mời các chuyên gia của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT thẩm định, xác định nguyên nhân sụt lún”, ông Tuấn nói.

Khi nguyên nhân chưa được sáng tỏ, hai bên liên quan trực tiếp là Tập đoàn Nam Cường và Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long vẫn đá quả bóng trách nhiệm cho nhau. Đại diện Tập đoàn Nam Cường (chủ đầu tư tuyến đường) khẳng định, tuyến đường trục phía bắc Hà Đông đảm bảo an toàn chịu lực và chất lượng công trình theo đúng quy định, đã đưa vào sử dụng đã 3 năm. “Hố sụt lún trên mặt đường không thể xảy ra nếu không có tác nhân bên ngoài là mưa bão và việc thi công tòa nhà gần đó với 3 tầng hầm của Công ty Sông Đà Thăng Long”, vị này nhấn mạnh.

Phản bác lại ý kiến trên, đại diện Công ty CP Sông Đà Thăng Long (chủ công trình sát hố sụt) nói: “Chúng tôi không rút cừ tại chân công trình vì còn tiếp tục thi công một số tòa nhà. Do vậy, thông tin gây ra sự cố do chúng tôi rút cừ là không đúng. Chúng ta cần phải chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng”. Vị này cũng cho rằng, về hiện tượng nước phụt lên từ dưới mặt đường là do hệ thống cống ngầm bị phá hủy. Nước tràn qua đường và tràn vào các hố móng của công trình nên Sông Đà Thăng Long muốn tìm nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sự cố vì để lâu dài sẽ ảnh hưởng tới công trình đang thi công.

Nhiều “ông lớn” bị liên đới trách nhiệm

Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Tống Trần Tùng, phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện tượng sụt lún xuất hiện trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) xảy ra cách đây vài ngày không giống như những vụ “hố tử thần” từng xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh. Theo nhận định của cá nhân tôi, hiện tượng sụt lún rất có thể do tác động của công trình xây dựng bên cạnh, chứ không phải do thiên nhiên như hố sụt dưới lòng đất. Căn cứ theo ảnh chụp mắt cắt “hố tử thần”, có thể dự đoán đây không phải lỗi của đơn vị thi công đường. Tuy nhiên, lỗi cụ thể thế nào, trách nhiệm thuộc về ai, cần do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS Tống Trần Tùng nhận định, sự việc này sẽ trở lên phức tạp bởi nó liên quan đến khá nhiều bên. Không chỉ riêng đơn vị đầu tư, thi công là Tập đoàn Nam Cường mà Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long (chủ dự án Usilk City sát hố sụt) cũng phải chịu trách nhiệm. Không những thế, các cơ quan quản lý nhà nước mà trước tiên là Sở Giao thông Vận tải, thậm chí Sở Xây dựng – đơn vị cấp phép xây dựng cho dự án Usilk City cũng phải chịu liên đới.

Ông Tùng lấy ví dụ, không ít trường hợp, kể cả công trình dân sinh bị lún, nứt do ảnh hưởng của các công trình bên cạnh. Điều quan trọng, đơn vị cấp phép xây dựng phải tính toán đến những sự cố này và có phương án đảm bảo an toàn của công trình lân cận. Không những thế, trong suốt quá trình thi công, họ phải kiểm tra, kiểm soát để tính đến những tai biến.

“Lý thuyết là thế, nhưng thực tế, khâu cấp phép xây dựng, thẩm định dự án, kiểm soát thi công của chúng ta còn tồn tại quá nhiều vấn đề. Cơ quan quản lý chỉ cấp phép xong và gần như để đấy, khi xảy ra sự cố mới quay ra cãi nhau, đổ trách nhiệm cho nhau. Đó là tình trạng xảy ra khá nhiều hiện nay và dường như vẫn chưa có thuốc đặc trị. Theo tôi, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thẩm tra thẩm định cho dự án xây dựng phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, PGS Tùng nói.

TS Khuất Việt Hùng, phó viện trưởng Viện quy hoạch quản lý GTVT cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa của sự cố này là vấn đề kỹ thuật. Cần phải xem xét lại việc làm nền móng đúng hay chưa. Bên cạnh đó, là vấn đề thiết kế, thi công đường ống thoát nước đã đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hay không?. Theo tôi được biết, rất nhiều công trình làm việc này không tốt. Cũng có thể không loại trừ khả năng do sụt móng của công trình bên cạnh. Đó là những nguyên nhân hoàn toàn mang tính kỹ thuật”.

Ông Bùi Trung Dung, phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Về sự cố “hố tử thần”, nguyên nhân ban đầu có thể xác định là do rò rỉ nước gây sụt lún. Tuy nhiên vẫn phải kiểm định kích thước đường ống cống, khả năng chịu lực của cống. Để xác định chính xác nguyên nhân sự cố, cơ quan chức năng cần kiểm tra số liệu quan trắc của công trình thi công thuộc Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long như độ lún, độ nghiêng của cừ bảo vệ đã ảnh hưởng đến khu vực lân cận như thế nào. Nếu công trình này tạo dịch chuyển đất thì có thể gây rò rỉ nước trong cống ngầm, kéo cát từ trên xuống và gây vỡ đường ống”.

Trao đổi với PV Người đưa tin, TS Trần Tân Văn, viện trưởng Viện Khoa học Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho rằng, nền địa chất tại khu vực đường Lê Văn Lương, nơi xảy ra hiện tượng “hố tử thần” hoàn toàn bình thường. Rất có thể, nguyên nhân gây sụt lở đường là do khâu thi công lắp đặt đường ống thoát nước có vấn đề.

TS Văn phân tích, nước luôn luôn là thủ phạm trong các vụ sụt sập, sụt lún nền đất, tạo nên các khoảng trống ngầm trong nền đất. Điều này cũng đúng cả trong trường hợp các “hố tử thần” ở một số đô thị lớn nằm trên nền đất yếu như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nước rò rỉ từ từ các ống cống cũ bị vỡ hoặc từ các mối nối cống, các hố ga, thậm chí từ các hộp dây điện, điện thoại ngầm mới đặt… Đối với “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương, không loại trừ khả năng công trình xây dựng bên cạnh đào móng quá sâu khiến đất cát dưới lòng đường bị xói lở, chảy xuống gây sụt lún.

Trả lời câu hỏi của PV về trách nhiệm của các bên liên quan khi để xảy ra sự cố này, TS Khuất Việt Hùng, phó viện trưởng Viện quy hoạch quản lý GTVT bày tỏ: “Điều cần nhất lúc này chính là cần sớm công bố nguyên nhân, làm rõ ai đúng ai sai, trấn an dư luận. Từ đây, gióng lên một hồi chuông về chất lượng các công trình hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông”.

Điểm hạn chế đã bộc lộ từ hệ thống đường ống cống

Cũng liên quan đến sự cố hy hữu giữa Thủ đô này, PGS. TS Trần Chủng, nguyên cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) phân tích: “Hệ thống đường ống cống ở tuyến đường huyết mạch Lê Văn Lương có đường kính khoảng 1m thì quá nhỏ, đây như là đường cống nhánh chứ không phải là cống chính. Do vậy, khả năng tiêu thoát nước cho khu vực này hạn chế. Khi mưa lớn, áp lực nước trong cống ngầm tăng cao cũng có thể gây sự cố. Không những thế, nhiều khả năng như khảo sát địa chất chưa kỹ, sự đầm nén khi thi công đường không tốt, cũng có thể là nguyên nhân gây ra sự cố”.

Anh Đức – Vương Trần


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.