Ngày 1/7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng: Công an, Kiểm lâm, Lâm nghiệp, Quân đội tham gia các vụ chữa cháy rừng tại thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã rút khỏi hiện trường sau khi đám cháy đã được khống chế hoàn toàn.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vụ cháy đã gây thiệt hại 213 ha rừng, trong đó diện tích rừng thông tự nhiên là 165ha và 48ha còn lại là rừng keo tràm của các hộ dân ở phường Thủy Phương và Thủy Châu.
Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, nguyên nhân ban đầu vụ cháy rừng được xác định là do đạn lân tinh trong chiến tranh còn sót lại ở dưới đất phát nổ.
Quá trình lửa bốc lên gặp gió Lào cấp 6-7, nắng hanh, hơn nữa vị trí cháy trên đỉnh đồi nên đám cháy lan nhanh.
Từ trưa 28/6, hỏa hoạn bùng phát từ một khu vực trồng keo tràm của người dân ở khu vực hồ Năm Lăng (phường Thủy Phương); tại dốc Xôi (phường Thủy Châu) và khu vực gần trường bắn ở phường Phú Bài do Trung đoàn 6 thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý.
Sau đó, do thời tiết nắng nóng, các đám cháy bùng phát dữ dội và lan rộng, tạo thành vụ cháy rừng lớn.
Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế khẳng định, vụ cháy rừng này được xem là lớn nhất trong 30 năm qua (kể từ năm 1991) tại địa phương.
Khi có cháy rừng xảy ra, địa phương đã tổ chức huy động hơn 1.000 lượt người tham gia chữa cháy; tuy nhiên phương tiện chữa cháy chủ yếu là dụng cụ thủ công kết hợp với máy cưa xăng, máy thổi gió, máy cắt thực bì...
Đến 7 giờ ngày 30/6/2021 vụ cháy cơ bản được khống chế, diện tích rừng bị cháy khoảng hơn 100 ha. Trong lúc dập lửa, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng nổ của đạn còn sót lại từ thời chiến tranh quanh khu vực này.
Diệu Minh (Vietnamnet/Dân Việt/CAND)