Báo cáo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy Chỉ số giá lương thực của FAO tháng 10/2021 đạt 133,2 điểm, tăng 3% so với tháng 9. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 7/2011 và đã tăng hơn 30 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số giá lương thực của FAO đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của 5 loại thực phẩm chính trên thị trường quốc tế: ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vật và đường.
Theo CNN, nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy mức chỉ số cao hiện nay là bởi giá lúa mì và dầu thực vật tăng mạnh.
Giá lúa mì, loại cây được trồng chiếm nhiều diện tích đất trên toàn cầu hơn bất kỳ loại cây nào khác, đã tăng 5% trong tháng 10 do sản lượng thu hoạch giảm từ các quốc gia xuất khẩu lớn bao gồm Canada, Nga và Mỹ. Hạn hán và nắng nóng đã ảnh hưởng đến lúa mì tại Canada và Mỹ, trong khi thời tiết khắc nghiệt cũng ập đến với vụ mùa của Nga. FAO dự báo, sản lượng ngũ cốc trên toàn thế giới là 2.812 triệu tấn vào năm 2021. Dự báo tổng mức tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới trong năm 2021 sẽ tăng 1,7% so với năm 2020. Nguyên nhân bởi nhu cầu tiêu thụ lúa mì của người dân toàn cầu tăng, đồng thời phản ánh xu hướng sử dụng lúa mì và ngô trong thức ăn chăn nuôi gia tăng.
Giá dầu cọ, đậu nành, hướng dương và dầu hạt cải đã đẩy chỉ số giá lương thực FAO tăng lên đáng kể. Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã tăng 9,6% trong tháng 10, đạt mức cao nhất trong số các mặt hàng thực phẩm. Giá dầu cọ tăng vọt do lo ngại về sản lượng giảm ở Malaysia, trong bối cảnh những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy bị đình trệ và việc tuyển dụng lao động nước ngoài bị đóng băng nhiều tháng tại quốc gia Đông Nam Á này. Hơn 70% lực lượng trồng cọ ở Malaysia là lao động nhập cư và nước này sản xuất khoảng 26% lượng dầu cọ của thế giới.
Cũng trong báo cáo trên, chỉ số giá sữa FAO tăng 2,6 % so với tháng 9 do nhu cầu nhập khẩu bơ, sữa bột tăng mạnh trên toàn cầu trong bối cảnh các nhà cung cấp nỗ lực đảm bảo nguồn cung.
Chỉ số giá thịt của FAO giảm 0,7% so với tháng 9, đánh dấu lần giảm thứ ba theo tháng. Nguyên nhân giá các loại thịt lợn và bò giảm là do nhu cầu nhập khẩu thấp từ Trung Quốc giảm, giá thịt được cung cấp từ Brazil cũng giảm mạnh.
Chỉ số giá đường của FAO giảm 1,8% so với tháng 9, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 6 tháng tăng liên tiếp. FAO cho biết sự sụt giảm này chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu đường toàn cầu thấp, trong khi nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan dồi dào.
Phạm Thu Thanh (theo CNN, FAO)