Các tay súng sẽ bắt đầu loại bỏ đàn lạc đà hoang từ ngày 8/1 theo lệnh từ hội đồng lãnh đạo thổ dân ở vùng Anangu Pitjantjatjara Yankunytjatjara (AYP).
Người dân địa phương đã phàn nàn rằng lạc đà hoang dã xâm chiếm đất đai của họ để tìm nguồn nước. "Chúng tôi phải đối mặt với điều kiện ngột ngạt khó chịu vì lạc đà liên tục mò tới, phá đổ hàng rào, lang thang quanh nhà và tìm cách tiếp cận nguồn nước qua điều hòa", Marita Baker, ủy viên hội đồng chấp hành APY, cho biết.
Đàn lạc đà cũng gây ra lo ngại về khí thải nhà kính vì chúng thải ra khí mê-tan tương đương với một tấn carbon dioxide mỗi năm, tờ báo The Australian cho biết.
Người phát ngôn của Cơ quan Môi trường và Nước sạch Nam Úc cho biết, số lượng lạc đà ngày càng tăng đã gây ra một số vấn đề trong khu vực.
Điều này đã dẫn đến thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng, nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng, tăng áp lực chăn thả trên vùng đất APY và các vấn đề phúc lợi động vật quan trọng khi một số con lạc đà chết khát hoặc giẫm đạp lên nhau để tiếp cận với nước, phát ngôn viên nói với news.com.au. Trong một số trường hợp, động vật chết đã làm ô nhiễm các nguồn nước và địa điểm văn hóa quan trọng.
Nhiều cư dân ở phía tây APY tập trung lạc đà để bán, nhưng cách này không giúp kiểm soát số lượng lạc đà đông đúc trong thời tiết khô hạn. Các chuyên gia cho biết con lạc đà hoang dã ở Australia sẽ bị tiêu diệt trong 5 ngày. Xác của chúng sẽ được để khô trước khi chúng bị đốt cháy hoặc chôn cất, ABC News đưa tin .
Lạc đà được giới thiệu đến Úc từ Ấn Độ và Afghanistan trong thế kỷ 19, và được sử dụng để vận chuyển và xây dựng. Nếu việc tiêu hủy không diễn ra, quần thể lạc đà sẽ tăng gấp đôi cứ sau 8 đến 10 năm.
Hoạt động này được đưa ra trong bối cảnh ước tính rằng hơn một tỷ động vật đã chết trong các vụ cháy rừng đang hoành hành trên khắp nước Úc.
Các nhà bảo tồn và chuyên gia động vật hoang dã lo ngại vụ cháy rừng có thể đã quét sạch toàn bộ các loài động vật. Các quần thể thú có túi nhỏ gọi là dunnarts, cùng với những con vẹt đen bóng, có thể đã biến mất hoàn toàn sau khi đám cháy thiêu rụi một phần ba đảo Kangaroo.
Phong Linh