Hôm 9/2, lực lượng khộng quân Nga đã vô tình phát động một cuộc tấn công nhầm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc Syria khiến 3 người thiệt mạng và làm bị thương 11 người khác, theo tuyên bố chính thức từ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tin cho biết, vào 8:40 giờ địa phương, một máy bay chiến đấu của Nga trong chiến dịch tìm diệt mục tiêu khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã ném bom trúng một tòa nhà ở thị trấn Al-Bab, nơi đang được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện thoại cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để gửi tới lời chia buồn của mình. Cả hai nước đã bắt đầu điều tra vụ việc.
Thư ký báo chí của ông Putin, Dmitry Peskov nói với các nhà báo rằng, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng xuất phát từ việc định vị tọa độ nhầm lẫn từ phía Nga.
Trước đó, quân đội chính phủ Syria đã bắt đầu tiếp cận vòng tuyến Al-Bab từ phía đông hôm 6/2. Trong khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng lực lượng đối lập đã bị chặn lại từ bên trong thành phố.
RBTH dẫn lời Giáo sư Vladimir Isayev, tại Đại học quốc gia Moscow nhận định rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với đồng minh địa phương không muốn đối đầu chính thức với quân đội chính phủ Syria trong việc ganh đua xem ai sẽ kiểm soát Al-Bab.
Tuy nhiên, điều này cũng ẩn chứa khả năng một cuộc xung đột nghiêm trọng giữa các bên với nhau mà quên đi mục tiêu ban đầu là tiêu diệt khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Trong khi Nga-Thổ đang có hợp tác với nhau bằng một lệnh ngừng bắn mới đây, chính phủ Syria vẫn có những khác biệt về lập trường khi nhiều lần cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ trợ giúp và tiếp tay cho khủng bố, đồng thời mô tả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch Euphrates Shield là nhằm mục đích chiếm đóng lãnh thổ Syria.
Vẫn chưa có được một thỏa thuận về việc ai sẽ nắm thế chủ động Al-Bab, và cách thức nào là hợp lý nhất cho các bên. Trước đó Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus từng khẳng định hồi cuối tháng Giêng rằng Ankara sẽ không nhường lại quyền kiểm soát thành phố này cho Damascus sau khi nó được giải phóng.
Cũng từ đầu tháng 1, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các hoạt động chung bên ngoài Al-Bab, trong đó có sự phối hợp giữa các lực lượng trên không trong việc tìm diệt mục tiêu khủng bố nhà nước Hồi giáo.
Yuri Mavashev, người đứng đầu bộ phận chính trị tại Trung tâm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại nói rằng, Moscow và Ankara đã sớm đạt được thỏa thuận về Al-Bab mà cuối cùng quyền kiểm soát sẽ thuộc về tay Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Vladimir Sotnikov từ Trung tâm Đông Tây nước Nga khẳng định, vụ việc mới nhất sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ chiến lược của Moscow với Ankara, đồng thời cho biết ông không ngạc nhiên nếu như Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quyền kiểm soát Al-Bab sau khi giải phóng thành phố.
"Chúng ta hãy nhớ lại vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga hồi năm 2015", Sotnikov diễn giả. "Nga đã không ngừng nhắc nhở Ankara về vụ việc đó. Vì vậy ông Erdogan và Tổng thống Putin sẽ có kinh nghiệm trong cách quản lý các vấn đề kiểu như vậy một cách tốt hơn".
Sotnikov nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ rất cần Nga vào lúc này. Ankara đang gặp vấn đề nghiêm trọng với các đối tác NATO của mình, gánh nặng bất ổn của chính trị trong nước vẫn chồng chất từng ngày, trong khi đất nước đang cần sự hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Nga không kích nhầm do lỗi kỹ thuật?
Theo cây viết Tom Demerly của The Aviationist,việc lực lượng mặt đất hoạt động ở gần các mục tiêu không kích luôn ẩn chứa những nguy hiểm khó lường.
Chỉ một tính toán sai lầm trong xác định tọa độ điểm rơi, trục trặc bất ngờ của thiết bị phóng vũ khí hay hệ thống dẫn đường chính xác, các điều kiện thời tiết như gió và tầm nhìn kém, hoặc sự phối hợp lạc nhịp giữa lực lượng mặt đất và đơn vị không kích đều có thể là nguyên nhân khiến cảnh “huynh đệ tương tàn” xảy ra.
Trong khi đó, các trận giao tranh dữ dội ở Syria phần lớn nằm sát khu vực đô thị. Các tòa nhà cao hay đường phố chật hẹp với hình dáng giống nhau thường dễ gây nhầm lẫn, khiến cho tầm nhìn trên không trở nên khó khăn. Mặc dù các phương tiện truyền thông chưa công bố chi tiết và hình ảnh của vụ việc, nhiều nguồn tin cho rằng chiếc máy bay gây sai sót không đáng có có thể là một chiếc Su-25.
Một yếu tố khác có thể kể đến là do vấn đề thông tin liên lạc không tốt giữa các lực lượng Nga-Thổ. Phía Nga có thể đã phân công nhân viên điều phối các cuộc không kích hỗ trợ bộ binh không am hiểu địa hình khu vực.
Nga vẫn bị chê trách khi thường xuyên sử dụng những vũ khí có khả năng chính xác kém trong các cuộc tấn công chiến thuật ở Syria. Đây cũng được coi là nguyên nhân chính gây ra tai nạn đáng tiếc ở Al-Bab.
Nga thường trang bị hệ thống dẫn đường chính xác cho các loại bom lớn, trong khi các loại có khối lượng nhỏ vào khoảng 100kg và 250kg chưa được hỗ trợ. Điều này trái ngược với định hướng của Mỹ khi các các lại bom nhỏ như GBU-53/B (khoảng 113kg) thường được sử dụng bởi chiến đấu cơ F-22 trong các cuộc không kích tại Syria vẫn được nước này tích hợp đầy đủ.
Hệ thống dẫn đường chính xác của Nga chỉ xuất hiện trên các loại bom lớn hơn 500kg, bao gồm bom FAB-500 có sức công phá lớn nhắm các mục tiêu hầm kiên cố, hay bom AB-500 được sử dụng đối với mục tiêu bê tông cốt thép.
Ngoài ra, sự chính xác của hệ thống dẫn đường cũng phụ thuộc vào hướng dẫn dữ liệu từ hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS. Theo Russia Insider, về cơ bản độ chính xác của GLONASS là kém hơn so với GPS của phương Tây.
Chuyên viên phân tích của tờ Japan Times, Robert Burns cho rằng: "Bầu trời Syria đang ngày càng đông đúc cũng như nguy hiểm ngày một gia tăng. Các lực lượng không quân của nhiều quốc gia đang tấn công thường xuyên ở Syria với các mục đích khác nhau nhưng lại không có sự phối hợp. Điều này nguy cơ gây ra các xung đột không chủ ý”.
Quốc Vinh