Nghiên cứu đáng chú ý này vừa công bố trên tạp chí PLOS One. Các nhà khoa học đưa ra nhận định trên sau khi phân tích nhóm máu của 3 người Neanderthals và phát hiện ra họ rất dễ mắc bệnh tan máu bẩm sinh ở bào thai và trẻ sơ sinh (HDFN- Haemolytic disease of the fetus and newborn), vì mang một bộ biến thể về gien. Tình trạng này ngày nay rất hiếm, cứ 100.000 thai nhi chỉ có khoảng 3 trường hợp bị ảnh hưởng.
Theo tiến sĩ Stephane Mazieres từ đại học Aix-Marseille (Pháp), tác giả chính của nghiên cứu, dù việc một thai nhi mắc HDFN là khá phổ biến khi người Neanderthal quan hệ tình dục với nhau nhưng nguy cơ mắc bệnh này cao đáng kể khi Neanderthal giao cấu với người Homo sapinens (tổ tiên của chúng ta) và Denisovan (một loài khác trong chi Người đã tuyệt chủng).
“Những yếu tố này có lẽ đã góp phần làm suy yếu thế hệ con cháu của Neanderthal đến mức tuyệt chủng, đặc biệt kết hợp với sự cạnh tranh về khu vực địa lý với loài người hiện nay”, các nhà khoa học nhận định.
Nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy khi Homo sapiens xuất hiện trên thế giới chi Người (Homo) có ítnhất 9 loài. Nhưng các loài anh em này đều đã bị tuyệt chủng, bao gồm 2 loài được chứng minh là có giao phối với tổ tiên chúng ta - Neanderthals và Denisovans.
Các nhà khoa học biết người Neanderthal và loài người hiện nay đã quan hệ với nhau vì có 2% ADN được tìm thấy ở những người châu Âu hiện đại, tập trung ở vùng Bắc Âu, và một số dân tộc châu Á đến từ Neanderthal.
Những cuộc hôn phối khác loài Homo sapiens - Neanderthals đã cho ra đời những đứa trẻ Homo sapiens mang một phần gene Neanderthals và những đứa trẻ Neanderthals mang một phần gene Homo sapiens.
Những Homo sapiens mang gene Neanderthals đã thừa hưởng món quà kỳ diệu, giúp họ chống chọi lại nhiều loại bệnh, việc sinh sản cũng “nhẹ nhàng” hơn những người Homo sapiens thuần chủng. Trong khi đó những đứa trẻ Neanderthals mang gene Homo sapiens lại có nguy cơ cao mắc HDFN. Người Neanderthals có vài đặc điểm bất lợi trên bộ gien, mầm mống của HDFN nhanh chóng lẫn vào cộng đồng của họ thông qua hôn phối dị chủng.
Chứng bệnh nói trên có thể gây ra bệnh thiếu máu chết người, thường trở nên nghiêm trọng hơn ở bào thai thứ 2 và sau đó, đồng nghĩa tỷ lệ sinh thành công ở con cháu của Neanderthal ngày càng thấp. Hơn nữa, một số căn bệnh nhiệt đới từ Homo sapiens cũng được cho là quá sức chịu đựng đối với người Neanderthals.
Phát hiện mới có thể cung cấp manh mối giúp giới nghiên cứu tìm ra nguyên nhân thực sự dẫn tới việc người Neanderthal tuyệt chủng cách đây 40.000 năm. Từ trước đến nay, đa số các nhà khoa học vẫn tin rằng loài người hiện nay đã hủy diệt người Neanderthal trong cuộc cạnh tranh thức ăn và môi trường sống.
Được biết người Neanderthal có bộ não còn lớn hơn chúng ta, trí thông minh không kém cạnh và sức mạnh vượt trội nhưng khả năng chịu đựng và thích nghi lại kém hơn.
Minh Hoa (t/h)