Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Bình, hiện tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn đạt thấp. Cụ thể, tỉ lệ giải ngân đến cuối tháng 11/2023 đạt 47% kế hoạch vốn tỉnh triển khai, bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài (đạt 61,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Một số dự án có nguồn vốn ngân sách Trung ương tại huyện Quảng Trạch như dự án xây dựng hạ tầng kết nối giao thông từ trung tâm huyện Quảng Trạch đến Quốc lộ 12A có tỉ lệ giải ngân đạt 44,98% kế hoạch; dự án đường từ trung tâm huyện Quảng Trạch kết nối Tỉnh lộ 22 có tỉ lệ giải ngân đạt 77,13%.
Theo báo cáo của UBND thị xã Ba Đồn, trong 10 tháng của năm 2023, đơn vị này thực hiện giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản đạt tỉ lệ giải ngân 58,80%. Tại huyện Minh Hóa, tính đến tháng 11/2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của huyện này đạt 48,3%, đặc biệt nguồn vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 tỉ lệ giải ngân đạt rất thấp.
Một lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho hay, nguyên nhân khách quan dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công là do các dự án phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính.
Một số thủ tục hành chính có quy định thời gian tối thiểu nên không thể rút ngắn được như: công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ, một số dự án kéo dài quá lâu dẫn đến phải điều chỉnh mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án; một số dự án thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài, nhất là thủ tục bổ sung danh mục đấu nối vào quốc lộ, đường BOT, thẩm định giá, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy...
Về khó khăn và nguyên nhân chủ quan được lý giải là do kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 của tỉnh Quảng Bình tương đối lớn. Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ (đối với nguồn ngân sách Trung ương) và HĐND tỉnh Quảng Bình (đối với nguồn ngân sách địa phương) cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 1.283 tỷ đồng. Một số chủ đầu tư tập trung vào giải ngân vốn kéo dài và các nguồn vốn chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31/12 trước, dẫn đến tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt thấp.
Cùng với đó, một số dự án vướng mắc khi thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu... Năng lực một số đơn vị tư vấn, xây lắp còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án.
Để phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các tháng cuối năm 2023, kiểm soát thanh toán vốn tạm ứng.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các văn bản đốc thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tranh thủ thời gian còn lại của năm 2023, tập trung hoàn thành tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ, nghiệm thu thanh toán khối lượng để bảo đảm đến hết ngày 31/12/2023 giải ngân 100% số vốn được phép kéo dài năm 2022 sang năm 2023, đến hết ngày 31/01/2024 đạt tỉ lệ giải ngân cao nhất kế hoạch năm 2023 đã được giao theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, các chủ đầu tư kiểm soát khối lượng nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu thi công; thực hiện nghiệm thu thanh toán theo đúng khối lượng thi công tại hiện trường; kiểm soát việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng khi thực hiện thanh toán theo hợp đồng xây dựng đã được ký kết, đảm bảo tỉ lệ tạm ứng an toàn, đúng quy định của pháp luật; tránh trường hợp nhà thầu thi công tạm ứng vốn nhưng không triển khai thi công hoặc triển khai thi công, thực hiện thanh toán nhưng không thu hồi tạm ứng, dẫn đến dư nợ tạm ứng kéo dài, ảnh hưởng đến công tác theo dõi, tổng hợp, quyết toán dự án.
Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công, rà soát việc thanh toán tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn đảm bảo đúng quy định.