Phát biểu tại buổi họp báo quý 3 của Bộ Giao thông Vận tải chiều tối 27/9, ông Hồ Minh Tấn, trưởng phòng An toàn Cục Hàng không Việt Nam hé lộ nguyên nhân dẫn tới sự cố hạ cánh khẩn cấp của máy máy bay Hàn Quốc, VTC thông tin.
Theo đó, việc tàu bay Boeing 737 của hãng hàng không T’way (Hàn Quốc) gặp sự cố khi phát hiện tiếng động lớn ở mũi máy bay và phải xin hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất là do tác động bên ngoài. Cụ thể là do va chạm với vật thể lạ chứ không phải chim trời vì không để lại dấu vết của chim.
"Vụ việc hiện đang trong quá trình điều tra, làm rõ. Vừa rồi chúng tôi có làm việc với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà chức trách hàng không Hàn Quốc về vụ việc. Ngoài ra, có sự tham gia của Bộ Quốc phòng vì đây là cơ quan chủ trì quản lý các phương tiện bay không người lái”, ông Tấn nói.
Trước đó ngày 19/9, chiếc Boeing 737 thực hiện chuyến bay TW 123 từ Seoul (Hàn Quốc) đến TP.HCM trong quá trình tiếp cận hạ cánh đã phát hiện tiếng động lớn ở phía mũi máy bay.
Lo ngại nguy cơ uy hiếp an toàn chuyến bay, phi hành đoàn TW123 đã báo với Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất về tình hình và xin trợ giúp mặt đất lúc hạ cánh, phương án khẩn nguy đã được triển khai.
Ghi nhận của báo Tin tức, trong buổi họp, đại diện cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ ra các yếu tố xung quanh sự cố hạ cánh của máy bay Vietnam Airlines khi đáp xuống Melbourne (Australia).
Cụ thể, việc chuyến bay Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Melbourne ngày 18/9 suýt hạ cánh nhưng chưa bung càng, nguyên nhân được xác định là do tiếp cận sân bay Melbourne không ổn định.
Ngay sau khi được thông báo vụ việc của Cục Hàng không Australia, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, tải dữ liệu xuống, phân tích, phỏng vấn tổ lái để đánh giá sơ bộ. Công tác điều tra do Australia thực hiện và cử đại diện Cục Hàng không Việt Nam sang. Sơ bộ, đánh giá nguyên nhân là do có yếu tố con người trong việc tiếp cận không ổn định. Tuy nhiên, ngay sau khi có cảnh báo của cơ quan chức năng của cơ quan quản lý bay phía Australia, tổ lái đã tiếp cận hạ cánh lần 2 an toàn", ông Tấn cho hay.
Theo thông tin của Cục Hàng không Việt Nam, chuyến bay VN781 có số hiệu đăng ký quốc tịch VN-A870, ngày đăng ký quốc tịch là 22/11/2016. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của máy bay còn hiệu lực đến ngày 28/5/2020.
Cũng thông tin về sự cố nghiêm trọng của dòng máy bay mới A321neo cùng động cơ của Pratt and Whitney, ông Hồ Minh Tấn cho biết, Cục Hàng không đã làm việc với nhà chế tạo Airbus và nhà sản xuất động cơ Pratt and Whitney để khắc phục các tình trạng liên quan đến động cơ Pratt and Whitney mới.
“Chủ yếu các sự cố của chúng ta trong dòng động cơ mới này liên quan đến kỹ thuật và do vấn đề vật liệu, hãng Pratt and Whitney cũng đã thừa nhận và có các giải pháp khắc phục và trong các lô máy bay A320, A321 tiếp theo với động cơ neo từ Pratt and Whitney sẽ được thay thế hoàn toàn bằng loại vật liệu mới, đảm bảo khắc phục triệt để”, báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời ông Tấn.
Theo ông Tấn, với các động cơ đang khai thác, Airbus và Pratt and Whitney cũng cam kết sẽ khắc phục trong vòng 10-12 tháng. Các động cơ đang khai thác đều nằm trong giới hạn an toàn cho phép với xác suất hỏng hóc rất thấp.
Bá Di (T/h)