Chưa bao giờ, nông dân ở Hà Tĩnh phải hứng chịu cảnh mất mùa như năm nay. Chỉ còn gần 20 ngày nữa là bước vào vụ thu hoạch, nhưng họ lại đang điêu đứng trước nguy cơ mất trắng vụ lúa đông xuân, do bệnh đạo ôn.
Ông Nguyễn Văn Tình, trú xóm Đông Sơn, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà xót xa: “Gia đình tôi có 8 sào (ở Trung Bộ 1 sào = 490,7m2) ruộng, thì đã mất trắng 6 sào rồi. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đó cả, giờ chúng tôi không biết phải làm sao nữa”.
Theo ghi nhận, ngoài 2 huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà, ở các huyện khác như: Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê… cũng đều xảy ra tình trạng tương tự. Đáng nói, tại các địa phương này, diện tích gieo trồng những giống lúa khác chỉ bị rất nhẹ, hầu như không đáng kể, riêng diện tích trồng giống lúa Thiên ưu 8 thì thiệt hại rất nặng nề.
“Chúng tôi đã trồng giống lúa Thiên ưu 8 mấy năm nay. Những năm trước không sao nhưng vụ mùa này lại bị bệnh, lúa có bông nhưng lại bị lép hết, tôi đành phải gặt về cho bò ăn. 5 sào ruộng coi như mất trắng rồi”, bà Trần Thị Thanh, trú xã Cẩm Vĩnh, huyện Cẩm Xuyên buồn bã nói.
Theo tìm hiểu, Thiên ưu 8 là giống lúa được bà con nông dân mua, một số được cấp miễn phí theo chương trình hỗ trợ vùng bị bão lụt của Trung ương, do chi nhánh công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương tại miền Trung cung cấp.
Theo số liệu thống kê, tại Cẩm Xuyên, toàn huyện có 9.500 ha diện tích gieo trồng thì có đến 3.200 ha triển khai giống lúa Thiên ưu 8; bình quân mất 40% diện tích. Tương tự, tại huyện Thạch Hà, có 3.298 ha gieo trồng giống lúa Thiên ưu thì có hơn 1.285 ha đã bị mắc bệnh.
Ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Khi lúa bắt đầu trổ bông, phát hiện sự việc, huyện đã khuyến cáo người dân phun thuốc kịp thời nên đã phần nào giảm thiểu được thiệt hại. Những giống lúa khác cũng bị nhưng nhẹ hơn rất nhiều so với giống lúa Thiên ưu 8. Hiện, huyện đã giao các ngành chuyên môn phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với trung tâm cấp giống, để tìm ra nguyên nhân lúa bị bệnh”.
Bàn về nguyên nhân hàng ngàn ha diện tích lúa Thiên ưu 8 bị nhiễm bệnh đạo ôn, nông dân điêu đứng trước nguy cơ mất trắng vụ mùa đông xuân, ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Hà cho biết, trên toàn huyện, các giống lúa khác cũng bị nhưng rất nhẹ, không đáng kể, chỉ riêng giống lúa Thiên ưu 8 là thiệt hại nặng nề.
Theo ông Sáu, nguyên nhân do giống lúa thì cũng không hoàn toàn đúng, bởi Thiên ưu 8 đã triển khai trồng từ những năm trước và không xảy ra tình trạng như vụ mùa năm nay. Còn nguyên nhân vì thời tiết thì cũng chưa chính xác vì các giống khác không hề bị, nhưng riêng giống Thiên ưu 8 lại nhiễm nặng.
“Theo nhận định của chúng tôi, nguyên nhân lúa bị bệnh đạo ôn trên diện rộng như thế là do nhiều yếu tố cộng hưởng, cả về giống và thời tiết. Đặc biệt, thời điểm trổ bông từ ngày 22/4 đến 25/4 trùng lúc mưa ẩm, đã khiến loại nấm này phát triển mạnh”, ông Sáu cho biết thêm.
“Hiện, chúng tôi đã có thống kê về con số thiệt hại. Sắp tới, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản đề nghị công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, chi nhánh miền Trung, có thể hỗ trợ, chia sẻ phần nào khó khăn với bà con nông dân. Có thể là hỗ trợ cấp giống miễn phí cho vụ mùa tiếp theo”, ông Sáu nói.
Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, trên cổ bông hoặc trên hạt. Trên lá: Bệnh hại chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, cổ bông và hạt. Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, màu xám xanh giống như bị nước sôi, sau chuyển sang màu nâu, rồi lan rộng dần ra thành hình thoi, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng. Nếu nặng, nhiều vết liên kết lại với nhau tạo thành mảng lớn, có thể làm lá bị khô cháy, cây lúa lụi tàn, gây thất thu năng suất nghiêm trọng. Trên cổ bông: Nấm bệnh tấn công trên cổ bông làm cản trở việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi bông, nuôi hạt, hạt lúa sẽ bị lép lửng. Nếu bệnh tấn công sớm có thể làm cho hạt lúa bị lép hoàn toàn. Vết bị bệnh lúc đầu có màu xám xanh, sau chuyển dần sang màu nâu, nâu đậm. Nếu độ ẩm không khí cao, chỗ vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc màu xám xanh, dễ bị gãy, làm ruộng llúa trở nên xơ xác. Trên hạt: Vết bệnh có hình tròn, viền nâu, tâm màu xám trắng, đường kính khoảng 1 – 2 mm, làm hạt lúa bị lép; nếu bị bệnh sớm, hạt lúa có thể bị lép hoàn toàn |
Ngân Hà