Đập Dâng bị “bức tử”
Thời gian gần đây, nước tại khu vực Đập Dâng thuộc công trình Thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang (đóng trên địa bàn huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) bất ngờ chuyển màu đỏ đục bất thường. Tình trạng chưa từng xảy ra tại công trình thủy lợi quốc gia với nguồn nước đa mục tiêu vừa phục vụ tưới tiêu vừa sinh hoạt cho 6 huyện bắc Hà Tĩnh khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Để xác định chính xác nguyên nhân, UBND huyện Vũ Quang đã khẩn trương phối hợp với Trung tâm Quan trắc sở TNMT tỉnh, tiến hành lấy mẫu nước quan trắc tại 5 điểm là nguồn xả trực tiếp vào Đập Dâng gồm: Tại vị trí tràn Đập Dâng; Sông Ngàn Trươi; Cống xả hồ Ngàn Trươi và 2 điểm trên và dưới Nhà máy sản xuất gỗ của Công ty CP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt (tại cụm Công nghiệp xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang)
Kết quả quan trắc, 2 mẫu nước tại vị trí tràn Đập Dâng và dưới Nhà máy gỗ MDF có thông số COD vượt ngưỡng cho phép 1,07 lần. Ngoài ra, 3 mẫu nước tại vị trí tràn Đập Dâng, trước nhà máy nước Vũ Quang và cống xả hồ Ngàn Trươi cũng đều có thông số Amoni (NH4) và Sắt vượt ngưỡng.
Theo báo cáo số 115/BC-UBND/31/5/2019 của UBND huyện Vũ Quang, nước Đập Dâng bắt nguồn từ 2 nguồn chính là từ Hồ Ngàn Trươi của dự án Ngàn Trươi Cẩm Trang và Khe Trươi bắt nguồn từ xã Hương Điền (huyện Hương Khê), Sơn Thọ (huyện Hương Sơn) đổ vào hòa chung tại vị trí tổ dân số 1, thị trấn Vũ Quang. Có 5 cơ sở sản xuất xả trực tiếp hoặc gián tiếp vào Đập Dâng gồm: 1 trang trại lợn của một hộ dân trú tại xã Sơn Thọ; Nước thải sinh hoạt của 175 hộ dân tại thị trấn Vũ Quang; Bệnh viện Huyện Vũ Quang; Nhà máy nước Vũ Quang và nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF, gỗ ván thanh và formadehyde của Công ty CP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt (Công ty Thanh Thành Đạt)
Không để xảy ra sự cố môi trường lần thứ 2
Một cán bộ chuyên môn lĩnh vực môi trường cho biết, COD là chất mùn từ thực vật. COD (Chemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy hóa học) là lượng oxy cần để oxy hoá toàn bộ các chất hoá học trong nước, trong khi đó BOD là lượng oxy cần thiết để oxy hoá một phần các hợp chất hữu cơ dễ phân huỷ bởi vi sinh vật. Toàn bộ lượng oxy sử dụng cho các phản ứng trên được lấy từ oxy hoà tan trong nước (DO). Do vậy nhu cầu oxy hoá học và oxy sinh học cao sẽ làm giảm nồng độ DO của nước, có hại cho sinh vật nước và hệ sinh thái nước nói chung. Nước thải hữu cơ, nước thải sinh hoạt và nước thải hoá chất là các tác nhân tạo ra các giá trị BOD và COD cao của môi trường nước.
“Thông số Sắt và Amoni, trong 3/5 mẫu nước vượt ngưỡng. Tuy nhiên 2 chất này không liên quan đến vấn đề xả thải. Đặc thù, tại các mỏ sắt, vỉa sắt ở Vũ Quang mỗi khi mưa rửa trôi đều khiến lượng sắt trong nước tăng. Thông số COD vượt ngưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh vật nước và hệ sinh thái”, vị cán bộ này nói.
Trước sự việc, sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phát đi văn bản số 1075/SNN-TL/14/6/2019 gửi UBND tỉnh nêu rõ, rút kinh nghiệm từ sự cố môi trường biển xảy ra vào đầu tháng 4/2016 tại 4 tỉnh miền Trung, sở đề nghị UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân để có giải pháp xử lý triệt để.
Theo tìm hiểu, đánh giá tác động môi trường tại dự án Nhà máy gỗ của Công ty Thanh Thành Đạt thì tất cả nước thải sinh hoạt của nhà máy gồm: bãi gỗ, nước mưa... đều phải qua hệ thống xử lý mới được thải ra môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, dù chưa hoàn thành nhưng Công ty Thanh Thành Đạt đã cho vận hành chạy thử nghiệm. Xung quanh nhà máy này có khoảng 10 ống xả bán kính từ 70 – 80cm, xả thải trực tiếp ra Khe Trươi. Liên quan việc xả thải trái quy định này, trước đó, thanh tra sở TNMT cũng đã lập biên bản, xử phạt hành chính Công ty CP Thanh Thành Đạt 70 triệu đồng.
Đáng nói, tại Quyết định Số 1335 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2008 về đánh giá tác động môi trường của dự án Ngàn Trươi Cẩm Trang đã nêu rõ: Nước của dự án là đa mục tiêu, trong đó, ngoài thủy lợi còn là nước sinh hoạt, phục vụ nước cho 6 huyện bắc Hà Tĩnh. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn mà nguồn nước thải ra dự án nếu không xử lý đảm bảo thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cả 6 huyện bắc Hà Tĩnh. Trong đó, hiện nay, có nhà máy nước Vũ Quang đang hoạt động, phục vụ nước ăn, sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn.
Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, nước tại Đập Dâng vẫn đang tiếp tục xảy ra hiện tượng đỏ đục bất thường. Vậy mà, đã gần 20 ngày sau khi có kết quả quan trắc, đến nay, các sở ban ngành chuyên trách tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân để đưa ra phương án xử lý kịp thời.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!