Pháp đã đặt cả nước trong tình trạng báo động cao về dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết hôm 5/11.
Châu Âu đã chứng kiến hơn 100 đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trong những tháng gần đây, theo DW.
Trước đó một tuần, các trang trại chăn nuôi thương mại của Hà Lan ở gần biên giới với Pháp đã phải thực hiện yêu cầu tương tự.
Biện pháp nuôi nhốt gia cầm đã được áp dụng ở một số khu vực của Pháp kể từ tháng 9.
Nguyên nhân dẫn đến nâng cấp độ cảnh báo là do "tỉ lệ lây nhiễm đang gia tăng trong các đàn chim di trú".
"Kể từ đầu tháng 8, 130 trường hợp hoặc cụm cúm gia cầm đã được phát hiện ở các loài hoang dã hoặc tại các trang trại ở châu Âu", Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết trong một tuyên bố.
Ba trường hợp đã được xác định trong số các loài chim tự nhiên ở Đông Bắc nước Pháp. Trong khi đó, cho đến nay, chưa có trường hợp cúm gia cầm nào được phát hiện ở các trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp trên khắp đất nước.
Biện pháp nuôi nhốt gia cầm là để bảo vệ các trang trại chăn nuôi khỏi nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết.
Pháp hy vọng rằng sự cảnh giác cao độ sẽ giúp tránh lặp lại tình trạng năm ngoái, khi dịch cúm gia cầm được phát hiện ở gần 500 địa điểm. Điều này đã làm gián đoạn nghiêm trọng việc sản xuất gan ngỗng ở Tây Nam nước Pháp.
Mùa đông năm ngoái, các nhà chức trách Pháp đã buộc phải tiêu hủy khoảng 700.000 con vịt để ngăn chặn sự lây lan của virus cúm, theo Politico.
Hôm 4/11, Hà Lan báo cáo một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5 độc lực cao trên đàn vịt tại một trang trại gia cầm ở tỉnh Flevoland, miền Trung nước này. Bộ Nông nghiệp Hà Lan cho biết, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, khoảng 36.000 con vịt đã bị tiêu hủy tại trang trại.
Nước Anh hôm 3/11 đã ban bố các biện pháp phòng chống cúm gia cầm trên toàn quốc, yêu cầu các trang trại chăn nuôi gia cầm và người nuôi chim phải tăng cường các biện pháp an toàn sinh học sau khi phát hiện một số trường hợp cúm gia cầm ở chim hoang dã.
Minh Đức (Theo DW, Politico)