Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội đang nghiên cứu để đề xuất mở lại làn đường dành riêng cho xe buýt thường trên đường Nguyễn Trãi. Điều này gây ra tranh cãi với những ý kiến trái chiều.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Đề xuất dành làn đường riêng cho xe buýt thường sẽ có cái được và không được. Cái được của nó là sẽ tạo ra hành lang riêng cho xe buýt chạy không bị các phương tiện khác chen lấn ngăn cản mỗi khi di chuyển nên sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển trong nội đô.
Tuy nhiên, mặt chưa được là sẽ gây ùn tắc trên tuyến đường này, đây là tuyến trục chính từ nội đô đi ra ngoại thành và đi Hoà Bình, hàng ngày các phương tiện đã đang phải chen lấn nhau. Nếu để buýt đi đường riêng thì các phương tiện khác sẽ di chuyển khó khăn hơn”, ông Liên nhìn nhận.
Cũng theo ông Liên chia sẻ, xe buýt Hà Nội là đơn vị được Hà Nội tài trợ 1 năm 1 nghìn tỷ đồng. Bây giờ lại đầu tư vào hạ tầng mà không hiệu quả thì sẽ phá sản kế hoạch này. Quan trọng nhất là chúng ta có phân chia được làn riêng cho buýt thường không hay ùn tắc giao thông lại tăng cao, hơn nữa lại phải đầu tư thêm tiền để làm biển báo, vạch kẻ đường,... sẽ rất tốn kém.
Ông Liên nhận định: “Tôi cho rằng ý tưởng này cũng tốt, theo Giám đốc sở GTVT Hà Nội trong buổi hội thảo hạn chế phương tiện cá nhân có xem xét đến đề xuất này, nhưng chúng ta phải tính toán chi tiết để xem hiệu quả như nào thì mới triển khai. Vì tuyến đường Nguyễn Trãi sắp tới sẽ khai thông tuyến đường sắt trên cao, nên lượng hành khách đi xe buýt sẽ giảm đi, nhưng mật độ phương tiện có giảm không?”.
“Do đó, cần phải tính làm sao khi đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông hoạt động, lượng hành khách của xe buýt sẽ duy trì được bao nhiêu, lúc đó xe buýt có cần phải có đường riêng nữa hay không?. Về chủ trương thì tốt nhưng cần phải thực hiện như thế nào?”, ông Liên đặt câu hỏi.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) lại lo lắng rằng, việc mở làn riêng cho buýt thường sẽ gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng vì mở lại làn riêng cho xe buýt thường sẽ chiếm trọn 1/3 diện tích mặt đường Nguyễn Trãi. Đây là nguyên nhân khiến các phương tiện hỗn hợp khác di chuyển trên các làn đường còn lại dễ gây ùn tắc nghiêm trọng hơn.
TS. Thuỷ nhận định, Hà Nội đã từng dành làn riêng cho buýt trên tuyến này, nhưng sau đó tồn tại nhiều bất cập, ùn tắc thường xuyên. Đặc biệt, các phương tiện khác thường xuyên đi vào làn riêng của xe buýt tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bây giờ tuyến này lại có thêm đường sắt trên cao, không gian bị thu hẹp lại nên cần nghiên cứu kỹ trước khi chấp thuận.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: “Hiện nay, đơn vị đang nghiên cứu phương án cho xe buýt thường đi làn đường riêng trên đường Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Sở tới cầu Trắng (Hà Đông). Đây là kế hoạch của năm nay, khi nào phương án xây dựng xong sẽ được gửi tới sở GTVT Hà Nội”.
Giải đáp về vấn đề này, ông Hải cho rằng, để thu hút người dân tham gia phương tiện công cộng xe buýt cần phải có làn dành riêng cho xe buýt. Sau khi đường sắt trên cao hoàn thành sẽ kết nối ngang giữa các tuyến xe buýt với các nhà chờ.
Ông Hải cho hay: “Trước đây, Hà Nội đã tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt thường trên đường Nguyễn Trãi. Nguyên nhân bỏ làn ưu tiên không phải do bất cập hay ùn tắc mà để đảm bảo thi công đường sắt trên cao. Đường Nguyễn Trãi có đủ các điều kiện mở làn ưu tiên cho xe buýt như: Hai bên làn đường mỗi bên đều có chiều rộng hơn chục mét; trước đây đã có làn ưu tiên cho xe buýt, giờ phục hồi trở lại; Tuyến đường có thể tổ chức tốt cho hệ thống xe buýt gom kết nối với tuyến đường sắt trên cao để thuận tiện và thu hút lượng khách hơn".
Đây chính là nguyên nhân sâu xa của việc mở lại làn ưu tiên dành cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi?
Minh Hiếu