Thông tin về việc lãnh đạo TP.Hà Nội giao sở Văn hoá và Thể thao (cơ quan thường trực Hội đồng xét đặt tên đường phố) nghiên cứu đặt tên phố theo số để phù hợp cho việc áp dụng công nghệ số hoá trong quản lý, ứng dụng sau này nhận được nhiều ý kiến từ dư luận.
Xung quanh việc đề xuất nghiên cứu đặt tên đường, phố theo số của Hà Nội, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi cùng ông Phan Đăng Long – nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, người từng nhiều năm nghiên cứu về việc đặt tên đường, phố ở Thủ đô.
PV: Được biết, thời còn công tác ở ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông từng nghiên cứu, tham gia công tác đặt tên đường, phố ở Thủ đô. Ông đánh giá thế nào về việc Hà Nội đề xuất nghiên cứu đặt tên đường, phố theo số?
Ông Phan Đăng Long: Từ xưa đến nay, đường, phố hay địa danh ở Hà Nội vẫn được đặt tên theo các địa danh cổ, các danh nhân, các sự kiện lịch sử. Ví dụ như: Quảng trường Ba Đình, quảng trường Cách mạng tháng Tám, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo,…
Ở nước ta, từ thời Pháp thuộc đã lấy tên những người có công lao đóng góp trong quá trình dựng nước, giữ nước… đặt cho mỗi tên đường, phố, vì vậy cũng có những ý nghĩa nhất định.
Tôi không phản đối việc đặt tên đường, phố theo số nhưng việc đặt tên hiện nay có ảnh hưởng gì đâu. Cái cũ vẫn còn tốt, vẫn phát huy thì không nhất thiết phải bê cái mới về.
PV: Có ý kiến cho rằng tên đường, phố còn là sự tôn vinh một danh nhân, thể hiện cả một văn hóa, lịch sử của khu vực, vậy đặt tên theo số thì những con phố có vô hồn?
Ông Phan Đăng Long: Về mặt văn hóa thì tên đường phố còn thể hiện ý nghĩa, nét văn hóa, đằng sau cái tên còn là cả một câu chuyện lịch sử. Bản thân tên phố mang một cái hồn, mang điều gì sau tên đó.
Ví dụ: Ở 36 phố cổ, tên phố được đặt theo ngành nghề buôn bán như Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Ngang... Nếu tên phố ở đây được đặt theo số thì liệu người ta có biết về lịch sử ở các phố này(?).
Hay quanh khu vực ở Hồ Gươm, đường phố được đặt tên theo vua và các đại thần triều Lê, các sự kiện thời Lê… Rõ ràng, việc đặt tên đường, phố theo chữ mang ý nghĩa rất nhiều, còn việc đặt tên theo số thì vô hồn.
Nhiều cụ ngày xưa cũng có tư tưởng Tây học nhưng vẫn đặt tên đường, phố theo tên danh nhân, tên địa danh. Ngày nay, chúng ta vẫn phải học nhưng liệu có cần thiết không, trừ khi cạn kiệt, hay đặt tên nó không phù hợp.
PV: Theo ông, việc đặt tên đường, phố theo số có tác dụng gì, ảnh hưởng gì đến văn hóa Thủ đô hoặc nét sinh hoạt của người dân?
Ông Phan Đăng Long: Việc đặt tên chữ hay số cho các tuyến đường, tuyến phố mới, tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng gì, bởi số hay chữ đều mang tính phân biệt.
Nhưng rõ ràng từ thực tế, tập quán việc đặt tên theo tên các danh nhân, sự kiện, tên địa danh thì người dân sẽ cảm thấy gần gũi hơn. Ngay ở TP.HCM và Hà Nội thì việc đặt tên các quận, huyện đã có sự khác nhau. Ở TP.HCM thì tên quận đã được đặt theo số.
Việc đặt tên phố là để con người tiện sinh hoạt, giao lưu, người quản lý thì dễ kiểm soát. Trong chừng mực nào đó, kho tàng tên địa danh cổ, tên danh nhân có thể có hạn chế nên việc đặt tên theo số cũng cần nghiên cứu.
Chúng ta vẫn nói kế thừa và phát huy, tuy nhiên, hiện ở ta đang tồn tại hiện tượng nước ngoài có gì là đề xuất theo và vì vậy đặt tên ở đâu, cách đặt thế nào thì cần nghiên cứu kỹ, tránh việc có người cho rằng đây là “thập cẩm văn hóa”.
Xin cảm ơn ông!
Vẫn giữ cách đặt tên theo danh nhân Trả lời báo chí xung quanh đề xuất đặt tên đường, phố theo số, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho hay: "Thành phố vẫn giữ cách đặt tên phố theo danh nhân, đồng thời nghiên cứu thêm tên theo số để thuận tiện quản lý". Theo ông Tiến, lãnh đạo thành phố chỉ đạo nghiên cứu đổi mới đặt tên đường, phố trước yêu cầu số hoá dữ liệu trong quản lý và đáp ứng thực tế phát triển của xã hội. Việc đặt tên theo số ngắn gọn, đơn giản sẽ thuận tiện cho ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều phương án, thành phố vẫn yêu cầu đặt tên đường phố theo truyền thống, nghĩa là tên danh nhân, địa danh tiêu biểu của Thủ đô và cả nước. Những địa danh, danh nhân tiêu biểu cũng vẫn được chọn lựa đưa vào ngân hàng dữ liệu tên đường phố. Do đó, việc nghiên cứu đặt tên phố theo số không ảnh hưởng đến tuyên truyền văn hoá lịch sử như lo ngại. |
Nhất Nam