Nguyên Sa và những bài thơ không dành cho âm nhạc

Nguyên Sa và những bài thơ không dành cho âm nhạc

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Những bài thơ sau chót của Nguyên Sa hầu như không dành cho âm nhạc, chỉ dành cho những chột dạ. Và cuối cùng, khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn thao thức, chờ đợi mãi một bài thơ mới được cất lên thành ý nhạc.

Một nhà thơ tài năng

Xuất hiện không ồn ào như Nguyễn Tất Nhiên hay Mai Thảo nhưng thơ ca của Nguyên Sa là một thảo nguyên nhỏ với dòng nước mát lành, tinh khiết ru tình, ru người vào những giấc mơ đời.

Xã hội - Nguyên Sa và những bài thơ không dành cho âm nhạc

Nhà thơ Nguyên Sa (ngồi thứ 2 từ trái sang) cùng các nhà thơ khác.

"Không có anh lấy ai đưa em đi học về/ Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp/ Ai lau mắt cho em ngồi khóc/ Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa".

Nguyên Sa được đánh giá là một tên tuổi gắn bó sâu sắc với những trầm lụy của văn học miền Nam 1954 -1975. Nguyên Sa là bút hiệu lừng lẫy trên thi đàn mà có lần chính nhà thơ đã khiêm tốn cắt nghĩa: "Vốn dĩ chỉ là hạt cát". Tên thật của ông là Trần Bích Lan, sinh ngày 1/3/1932 tại Hà Nội, mất ngày 18/4/1998 tại Mỹ.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: "Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt"

Cũng giống như Xuân Diệu thời kỳ tiền chiến đã biết chọn cho mình một chỗ đứng riêng rẽ, đó là tình yêu. Và chính sự lựa chọn này đã đẩy tên tuổi của Xuân Diệu vượt thoát ra khỏi giới hạn không gian - thời gian và ở trong tâm hồn nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, Nguyên Sa, một tài năng đa dạng và phong phú với sức sáng tạo dồi dào, nổi lên trong địa đàng thơ ca tiền chiến không phải như một hiện tượng tương tự Xuân Diệu, mà thơ ca của ông là một sự hội tụ của những luồng ánh sáng hiếm hoi trong tư duy và sáng tác.

Những bài thơ không dành cho âm nhạc

"Tôi không rõ nhà thơ Nguyên Sa từ Pháp trở về Việt Nam từ năm nào, chỉ biết cùng với nhà thơ Cung Trầm Tưởng, ông đã đem Paris về cho bọn trẻ chúng tôi. Một Paris với hè phố Saint Michel, với sông Seine, tháp Eiffel, những cặp tình nhân, giáo đường mù sương.

Cùng một lúc ông đã mang nắng Sài Gòn, lụa Hà Đông và đâu đó bóng dáng Hà Nội vào thi ca Việt Nam của chúng ta một cách thân thiết, nhẹ nhàng. Một lần nào đó tôi đã nói trong nhạc Ngô Thụy Miên, thơ Nguyên Sa có một vị trí rất đặc biệt. Ý thơ của ông bàng bạc khắp nơi, đâu đó thấp thoáng chút nắng Sài Gòn, một chút lụa Hà Đông, đường phố Paris với người tình bé nhỏ Định mệnh đã cho tôi được đọc thơ Nguyên Sa", nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chia sẻ

Có lẽ bởi tình duyên không trọn đẹp mà dở dang như những câu thơ buồn vạn kiếp mà sau này khi đã đi qua những đỉnh cao của "Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...". Nguyên Sa đã trở thành một thi nhân cực đoan, chán nản với tình yêu. Thậm chí có những thời điểm ông buông bút, thở than và cảm thấy bất lực vì sức sáng tạo đã ngày càng trở nên bế tắc.

Ban đầu, Nguyên Sa sang định cư tại Pháp, nhưng rồi Paris cũng hết cái lạ nên đã chẳng thể níu giữ được chân ông. Ông đi tìm cuộc đời tại California (Mỹ). Ông trở lại sáng tác nhưng không còn được người đọc đón nhận nồng nhiệt nữa, có thể vì người trẻ tuổi hết cảm nhận vì hết cùng tần số. Dù phải đối mặt với căn bệnh ung thư với những đau đớn giày vò và những cuộc hóa trị khủng khiếp, nhưng Nguyên Sa vẫn giãi bày lòng mình bằng những dòng thơ chan chứa hi vọng.

Không thể nói khác hơn rằng, 22 bài thơ viết từ đầu năm 1998 đến lúc chia tay vĩnh viễn với Nàng thơ, đã cho hậu thế thấy được một dòng chảy khác của thơ Nguyên Sa. Những câu thơ ngổn ngang và giàu chất trí tuệ, không phải đến bất chợt, mà có mạch nguồn trong thao thức Nguyên Sa.

Trên giường bệnh, có lẽ hơn một lần ông ưu tư về những bài thơ mình viết đã được phổ nhạc truyền tụng khắp nơi: "Tôi đã làm xong bài thơ để phổ nhạc. Nhưng bài nhạc chưa tới. Đến khi nó tới. Bài thơ nhất định bỏ đi". Thật vậy, những bài thơ sau chót của Nguyên Sa hầu như không dành cho âm nhạc, chỉ dành cho những chột dạ. Và cuối cùng, khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn thao thức, chờ đợi mãi một bài thơ mới được cất lên thành ý nhạc.

Nguyên Sa đã yên nghỉ mười năm ở California. Mọi vui buồn và được mất cũng đã lắng dịu đi, đủ để những người bây giờ bình tâm phác thảo một chân dung thơ Nguyên Sa. Gần nửa thế kỷ miệt mài với thơ, Nguyên Sa canh cánh "luôn luôn làm sao để không giống mình, để trở thành một người khác mình, thì đó chính là cách thức, cách thế để trở thành chính mình".

Hương Giang


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.