Ngày 12/4, TAND TP.Hà Nội xét xử các bị cáo trong vụ án thất thoát 830 tỷ đồng xảy ra tại ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Để thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư đã ký với tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng EPC số 01#, là hợp đồng trọn gói, không được phép điều chỉnh giá trong suốt quá trình thực hiện.
Hợp đồng EPC số 01# ký ngày 12/7/2009 có hiệu lực ngày 3/9/2007. Ngày 24/8/2007 MCC đã được TISCO cho tạm ứng gần 36 nghìn đô để thực hiện hợp đồng.
Đến ngày 29/9/2007, TISCO cùng MCC đã khởi công thực hiện hợp đồng, nhưng quá trình thực hiện, MCC đã có các vi phạm: Sau hơn 11 tháng kể từ khi hợp đồng EPC số 01# có hiệu lực thực hiện, MCC chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ; chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục; không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị, không triển khai thi công các hạng mục của gói thầu, mà rút hết người về nước và nhiều lần có văn bản đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng thêm hơn 138 nghìn USD (bao gồm chi phí xây lắp, thiết bị, thiết kế, dịch vụ kỹ thuật và biến động tỷ giá) với lý do giá cả thị trường thế giới biến động tăng giá bất thường không có căn cứ, không đúng nguyên tắc hợp đồng theo hình thức trọn gói đã ký (hợp đồng EPC).
Mặc dù biết rõ MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị gia hạn thời hạn thực hiện hợp đồng và tăng giá hợp đồng không có căn cứ, không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng nội dung thỏa thuận trong hợp đồng EPC số 01# như đã nêu trên; nhưng lãnh đạo, cán bộ có trách nhiệm thuộc TISCO và VNS đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật và hợp đồng EPC số 01# để xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại theo quy định mà thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng EPC số 01# và thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cơ quan chức năng cáo buộc, hành vi của bị cáo Trần Trọng Mừng chính là nguyên nhân dẫn đến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư; không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng, làm dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, với vai trò chính, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội.
Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Trần Trọng Mừng phủ nhận cáo buộc của cơ quan công tố khi xác định bị cáo giữ vai trò chính, chủ mưu trong vụ án, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội.
“Trong cáo trạng có nhiều nội dung chưa chính xác, cả về hành vi và tội danh, bị cáo mong HĐXX xem xét lại”, bị cáo Mừng đề nghị.
Bị cáo Mừng thừa nhận MCC có vi phạm. Bản thân bị cáo với vai trò là Tổng giám đốc TISCO, khi biết MCC có vi phạm về hợp đồng và tiến độ, ngay từ đầu TISCO đã lập văn bản nhắc nhở nghiêm túc và có báo cáo lên tổng công ty Thép Việt Nam (VNS).
“Chúng tôi cũng đã xem xét hết sức thận trọng về việc dừng hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng. Báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi luôn nhận được chỉ đạo của VNS và Chính phủ về việc tìm mọi cách tháo gỡ”, bị cáo Mừng khai.
Bị cáo Mừng nhận trách nhiệm trong việc giới thiệu Vinaincon làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#. Lý do bị cáo Mừng đề xuất vì tin tưởng sự giới thiệu từ cấp trên và tin tưởng vào việc Vinaincon đã thực hiện được nhiều dự án trước đó.
Bị cáo Trần Trọng Mừng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015; có thể bị phạt tù từ 10 – 20 năm tù.