Ngày 28/12, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển – RED Communication (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – VUSTA) phối hợp Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí (Cục Báo chí) tổ chức hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng: “Truyền thông chính sách là một quy trình truyền tải thông điệp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, của cơ quan hành chính các cấp đến người dân, để người dân hiểu rõ, tham gia hợp tác vào sự đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách vì lợi ích của nhà nước, nhân dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác truyền thông của các cơ quan quản lý nhà nước, là khâu không thể thiếu được trong quá trình tổ chức, thực thi chính sách trong giai đoạn hiện nay...
Các cơ quan thông tấn báo chí đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông, là phương tiện truyền thông, giúp cho cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân kịp thời, hiệu quả thông qua các loại hình và hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo sự phát triển ổn định của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, thì vai trò và truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước càng trở nên quan trọng và cấp thiết”.
Từ thực tiễn mà ông Nguyễn Văn Hiếu nêu ra, tại hội thảo, nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, bộ TT&TT cũng đã chỉ ra một số khó khăn mà phóng viên gặp phải khi đi tác nghiệp tại các cơ quan nhà nước.
“Phóng viên gặp khó khăn khi liên hệ làm việc, tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, người phát ngôn của cơ quan nhà nước còn né tránh phóng viên, dè dặt, ngần ngại, lúng túng khi tiếp nhận giải quyết yêu cầu của phóng viên. Khi thông tin với báo chí thì còn bị động, phát ngôn chậm. Phát ngôn tùy hứng, ngẫu hứng, thiếu chuẩn xác và thậm chí phát ngôn gây sốc”, nhà báo Lê Văn Nghiêm nêu.
Nhà báo Lê Văn Nghiêm cũng cho rằng, có một số cơ quan nhà nước khi ban hành chính sách mới bị người dân phản ứng, nhưng khi thông tin lại cho dân, cho báo chí thì lại lúng túng, chậm, không kịp thời dẫn đến khủng hoảng truyền thông.
Từ những phân tích trên, nhà báo Đỗ Quý Doãn, Nguyên Thứ trưởng bộ TT&TT cho rằng để xử lý khủng hoảng truyền thông tại các cơ quan nhà nước trong việc truyền thông chính sách, những người đứng đầu các cơ quan nhà nước cần trang bị những kỹ năng trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhà báo Đỗ Quý Doãn cho biết: “Trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông, các cơ quan cần tránh việc bưng bít thông tin vì càng bưng bít thì người dân càng tò mò, tìm hiểu và lan truyền những thông tin không chính xác. Tiếp nữa, tránh việc dùng tiền để xử lý khủng hoảng truyền thông.
Tránh dùng mọi biện pháp tiêu hủy thông tin, tài liệu. Sau khi giải quyết xong khủng hoảng truyền thông thì các cơ quan đó cần phải có kế hoạch xây dựng uy tín thương hiệu sau khủng hoảng.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan cũng cần phát ngôn cung cấp thông tin kịp thời, đúng trọng tâm mà báo chí đang cần, xã hội đang cần, đang quan tâm”.
Từ những thực trạng, hạn chế vừa nêu, các đại biểu tham dự hội thảo cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy việc đào tạo kỹ năng truyền thông, phát ngôn cho cán bộ đang công tác trong cơ quan hành chính nhà nước, địa phương. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia và những cán bộ có kinh nghiệm trong cơ quan quản lý báo chí và truyền thông.