Ngày 20/3, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử lại vụ án Cố ý gây thương tích (thuộc trường hợp dẫn đến chết người) do cựu Thượng úy CSGT Phạm Sỹ Hoài Như (SN 1980, cựu Thượng úy CSGT thuộc Công an quận Tân Bình, TP.HCM) là chủ mưu.
Ngoài bị cáo Như, 4 đối tượng được xác định vai trò đồng phạm gồm: Nguyễn Minh Chung (SN 1991, quê tỉnh Quảng Ngãi), Phạm Thanh Kim Hạnh (SN 1997, quê tỉnh Đắk Nông), Ngô Thành Vương (SN 1996, quê tỉnh Hải Dương) và Trần Đức Vững (SN 1996, quê tỉnh Quảng Ngãi) cũng bị đưa ra xét xử về cùng hành vi với Hoài Như.
Theo cáo trạng, khoảng 21h30 ngày 25/6/2014, tổ công tác của đội CSGT Công an quận Tân Bình gồm Phạm Sỹ Hoài Như và 6 người khác làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên một số tuyến đường thuộc quận Tân Bình.
Đến 22h cùng ngày, tổ CSGT đứng chốt chặn tại Đài tưởng niệm liệt sĩ ở giao lộ Tân Kỳ Tân Quý – Trường Chinh.
Cùng thời điểm này, anh Nguyễn Văn C. điều khiển xe máy trong tình trạng có sử dụng rượu, bia. Khi đến giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, anh C. bị một tổ CSGT (do Như làm Tổ trưởng) yêu cầu dừng xe, đo nồng độ cồn.
Tuy nhiên, anh C. không chấp hành, cự cãi và không ký vào biên bản do CSGT lập. Như đã gọi điện cho Nguyễn Minh Chung đến nơi mình đang làm nhiệm vụ. Chung gọi thêm đàn em của mình gồm: Ngô Thành Vương, Trần Đức Vững và Phạm Thanh Kim Hạnh cùng đi.
Khi nhóm Chung đến nơi, Như nói anh C. không ký biên bản và cự cãi nên kêu Chung đánh dằn mặt anh C.. Nhận “lệnh” từ Như, Chung cùng đồng phạm đã dụ anh C. ra chỗ vắng người đánh đập khiến nạn nhân gục xuống đường.
Anh C. sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong do vỡ ruột non, thức ăn tràn vào đường thở.
Khai tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Như cho rằng cáo trạng truy tố không đúng sự thật. Như khẳng định bị cáo điện thoại nhờ Chung đến đưa ông C. về nhà, chứ không nhờ Chung đánh dằn mặt.
“Lúc đó, ông C. trong trạng thái say, thiếu tự chủ. Vì không liên lạc được với người nhà ông C. nên bị cáo mới nhờ Chung. Bị cáo chỉ gọi cho Chung chứ không biết Chung gọi thêm nhiều người khác. Sau đó, Chung có báo với bị cáo rằng ông C. đã đi về rồi”, bị cáo Như trình bày.
Từ đó, Như cho rằng cơ quan công tố truy tố tội danh Cố ý gây thương tích là đúng. Nhưng bị cáo chỉ đóng vai trò đồng phạm chứ không là chủ mưu như kết luận từ cơ quan pháp luật. Như cũng không thừa nhận việc hứa hẹn đưa tiền, nhận chăm sóc người thân cho những đồng phạm khác sau khi vụ án xảy ra.
Tương tự, những bị cáo còn lại đều khai nhận Như không yêu cầu đánh nạn nhân, không hứa hẹn sẽ chu cấp tiền bạc. Lời khai của các bị cáo trong phiên tòa này khác với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra trước đó.
Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi. Dự kiến kéo dài trong 3 ngày.
Với hành vi gọi giang hồ đến đánh người vi phạm, cơ quan chức năng xác định, Như có sai phạm cực kỳ nghiêm trọng. Ngày 11/9/2014, Công an TP.HCM quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với Phạm Sỹ Hoài Như.
Đến ngày 7/11/2014, cơ quan điều tra bắt tạm giam Như để điều tra về tội Cố ý gây thương tích, nhưng sau đó Như được cho tại ngoại.
Ngày 23/9/2016, Phạm Sỹ Hoài Như cùng các đồng phạm bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử cùng về tội Cố ý gây thương tích, tuyên phạt bị cáo Chung và Như cùng 12 năm tù. Tuyên phạt bị cáo Vững 11 năm tù; Bị cáo Vương 9 năm tù và bị cáo Hạnh 5 năm tù cùng về tội Cố ý gây thương tích.
Sau bản án, các bị cáo kháng cáo, đại diện gia đình nạn nhân cũng kháng cáo theo hướng thay đổi tội danh, tăng hình phạt đối với các bị cáo.
Đến ngày 29/9/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và nhận định bản án sơ thẩm có nhiều sai sót nên đã tuyên hủy án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu.
Đến tháng 6/2018, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã quyết định tạm giam bị can Phạm Sỹ Hoài Như để phục vụ công tác điều tra.