"Tiếu lâm đời thực khóc òa chiêm bao"
Bài thơ nào miêu tả đúng nhất về ông?
Nhiều bài thơ người ta đóng đinh các giai đoạn, nhưng nói cho cùng thì bài thơ tôi "Tự họa" mình vẫn đúng với tôi nhất. Trong đó có hai câu thơ "Vẽ tôi mực rượu giấy trời" và "Tiếu lâm đời thực khóc òa chiêm bao" là đáng lưu ý. Câu thơ "Vẽ tôi rượu mực giấy trời" là hình ảnh ẩn dụ, vì không ai có thể lấy rượu mà viết lên trên trời. Tôi muốn nói trong mực để viết dường như là có rượu, có men, người ta hay bảo "rượu nói". Cũng như vậy, giấy trời không phải là một tờ giấy thật mà là tờ giấy của không gian, của ông trời ban cho. Đó là hai thần sắc không bình thường, ở ngoài câu chuyện của người thật, giấy thật, mực thật. Ẩn dụ đó muốn nói rằng những câu thơ mình làm ra không phải là khi mình đang bình thường. Nó có sự chưng cất của cuộc đời, của sự xuất thần, của trời cho. Bài thơ này tôi viết khoảng năm 1995, đến bây giờ nó vẫn đúng với tôi, nếu có khác thì chỉ khác ở câu: "Vẽ tôi xê dịch ba đào/Bốn mươi chín ký thấp cao thân mình". Giờ, tôi sáu mươi ký rồi.
"Khi đi ra ngoài, tôi đã “nhốt” hết buồn đau ở trong nhà mà khóa lại, chỉ mang đi một "bộ mặt vui" (Nguyễn Trọng Tạo).
Người ta nói Nguyễn Trọng Tạo lúc nào cũng vui và ông tự nhận mình là vai tếu trong một vở kịch?
Đúng thế. Khi đi ra ngoài, tôi đã “nhốt” hết buồn đau ở trong nhà mà khóa lại, chỉ mang đi một "bộ mặt vui". Tôi không muốn ai buồn lây, không muốn nỗi buồn của mình ảnh hưởng đến người khác mà chỉ muốn mọi người được vui vẻ. Cuộc đời có quá nhiều nỗi buồn và mỗi người ai cũng có nỗi buồn của riêng mình, nếu mình mang đến cho người khác một nỗi buồn thì chỉ làm người ta thêm mệt. Khi về đến nhà, mở cửa ra tôi lại đối diện với nỗi buồn ngồi đầy trong nhà mình. Trong cuộc sống, tôi tiếp xúc với một số người cứ gặp lúc nào là thấy họ kêu khổ, kêu đói, kêu rét... kêu đủ thứ. Nghe xong tôi chỉ bảo: "Nhưng lương ông lại cao hơn lương tôi". Không ít người có tính thích kêu ca, họ làm mệt người khác. Tôi chẳng bao giờ đi kêu khổ vì kêu cũng chẳng để làm gì. Người ta vẫn nói "ôn nghèo kể khổ" mãi cũng nhàm. Nếu một con người không có ý chí để nghiến răng đi qua những nỗi buồn thì con người đó sẽ hèn đi.
Ông nói không muốn lây buồn cho người khác nhưng tại sao thơ ông vẫn buồn?
Trong mỗi con người đều có một bí mật buồn, bản thân tôi cũng vậy. Có lẽ cũng nhờ đó mà nỗi buồn trong thơ được đẩy đến tận cùng. Khi nỗi buồn của mỗi cá thể được đẩy đến tận cùng thì nó sẽ chia sẻ được với người khác và sẽ chạm được đến nỗi buồn của họ. Trong văn chương, sự chia sẻ vô cùng quan trọng. Nếu người ta đọc một tác phẩm mà thấy không chia sẻ được gì thì tác phẩm ấy trở thành vô nghĩa.
Gói những tâm trạng cuộc đời đưa vào văn học có ích hơn nhiều việc đi bêu riếu nó ở bên ngoài. Nỗi buồn trong văn chương có một chiều sâu lắng. Tôi thích được người khác chia sẻ nỗi buồn nhưng tôi lại không thích chia sẻ nỗi buồn với người khác vì tôi buồn nhiều quá. Nỗi buồn được diễn đạt trong văn chương có một vẻ đẹp, trở thành một nỗi buồn nghệ thuật, có chiều sâu và được chia sẻ.
Thơ của ông cũng có những câu vui đấy chứ? Ví dụ như "Bạn bè ở Huế thương nhau thật/ Một đứa vợ la chục đứa kinh"?
Thực ra ở Huế thường nói "thương nhau thiệt". Tôi thích diễn tả cô đơn bằng ngôn ngữ bông đùa. Dùng giọng bông đùa để nói những điều nghiêm trọng, ấy là tôi học từ cách nói dân gian: Dùng giọng nghiêm trang để nói những điều bông đùa và ngược lại... Cách này thường tạo được hiệu quả đáng kể. Nhiều người thích hai câu thơ này của tôi, có lẽ vì thế chăng? Người ta đọc lên thấy buồn cười nhưng thực chất đó là một câu thơ buồn. Cuộc đời mà phải kinh sợ thay cho bạn mình suốt ngày bị vợ la mắng. Điều đó buồn lắm chứ, nhưng lại viết theo một giọng tưng tửng để lấy cái đàm tiếu che đi nỗi buồn.
Trời đày làm thơ
Ông từng nói mình bị "trời đày" làm thơ?
Bất kể ai làm thơ cũng bị trời đày. Nhà thơ Nguyễn Bính đã nói: "Mình tôi trời bắt làm thi sĩ", có thể bản thân Nguyễn Bính không muốn làm thơ nhưng trời bắt thì ông ấy thành thi sĩ. Đó cũng là một cách nói về năng khiếu của mỗi người. Nhiều khi không phải cứ muốn là được. Nếu 1000 người mà ai cũng là nhà thơ thì thơ không còn đáng quý, nhưng có khi cả triệu người chưa chắc đã có một nhà thơ. Đầy rẫy những con người ngộ nhận mình là thi sĩ, ở trong họ có chút hão huyền nên cứ tưởng thơ mình hay lắm. Những người là thi sĩ thực sự thì họ biết thơ họ là gì, hay hay dở.
Làm sao để biết thơ mình hay hay dở, thưa ông?
Để có được điều đó, ngoài năng khiếu trời cho còn cần thêm sự học. Học bằng nhiều cách, bằng sách vở, kinh nghiệm sống và sự mẫn cảm của bản thân để tạo ra một tầng văn hóa. Khi nghe một tác phẩm, bất kể ai cũng có thể thấy hay nhưng những người có học biết tại sao nó hay, cảm thụ của người có học bao giờ cũng sâu sắc hơn. Với tôi, thơ là điều cao siêu được thể hiện bằng ngôn ngữ của chính nó, kể cả những điều trần tục thì nghệ thuật ngôn ngữ của nó vẫn cao siêu. Giáo sư Phan Ngọc đã nói: "Ngôn ngữ thơ là một thứ ngôn ngữ quái đản".
Với Nguyễn Trọng Tạo, thế nào là hay?
Bất kể ai khi cầm bút đều muốn viết thật hay để thứ nhất là mình thích, sau đó là nhiều người thích, ai cũng mong muốn cái sự tốt đẹp ấy. Yếu tố quyết định sự thành bại của tác phẩm cũng do quan niệm của mỗi người và đẳng cấp khác nhau của những người sáng tạo. Một tác phẩm hay là một tác phẩm không những hấp dẫn mà còn mang lại một vẻ đẹp của cuộc đời và mở ra một tư tưởng mới mẻ. Tác phẩm sẽ "sống lâu" nếu nó có thể tiếp cận được tính vĩnh hằng của vấn đề ví dụ như phát hiện ra được một chân lý. Đã là chân lý thì không bao giờ cũ.
Vào trang blog của ông, thấy câu thơ "Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa" được đặt ở vị trí trang trọng, ông coi đó là slogan của mình?
Đúng thế. Tôi tin theo quy luật của cuộc đời mỗi người cũng giống như thiên nhiên, dù có bị vùi dập thế nào cũng sẽ vẫn vươn lên để sống. Tôi là một người đau buồn lạc quan. Với những xô bồ và khó khăn của cuộc sống, nếu mình không lạc quan thì không thể sống được. Đứng trước khó khăn, mình coi đó là chuyện nhỏ thì mình sẽ vượt qua dễ dàng hơn nếu mình coi đó là chuyện lớn. Tinh thần là một yếu tố quan trọng giúp người ta thoát khỏi những trở lực nặng nề bình thường. Nếu không có tinh thần thì làm sao cô Tuyển có thể vác hòm đạn pháo nặng cả tạ ở cầu Hàm Rồng chạy băng băng lên núi được? Tinh thần đem đến cho con người ta một khả năng ngoài sức tưởng tượng để vượt qua nhiều điều khó khăn trong cuộc sống. Vì thế có người đọc xong một bài thơ mà không chết nữa vì họ còn chút hy vọng nhờ những an ủi tropng thi ca, một quyển sách hoặc một bài hát. Nghệ thuật chính vì thế mà quý giá với đời người, nó còn giá trị hơn một viên thuốc, nó là một viên thuốc thần.
Tiềm năng đa tình có trong mỗi người Nghe nói Nguyễn Trọng Tạo đa tài và đa tình, đa tài thì đã rõ, hỏi ông chuyện đa tình, ông nói: "Tôi thấy ai cũng đa tình, chỉ những anh dở hơi mới không đa tình, chỉ có người này đa tình kiểu này, người khác đa tình kiểu khác. Vì thế mới có câu chuyện trong một buổi kiểm điểm, người ta nói rằng: "Thưa đồng chí bị lộ và thưa các đồng chí chưa bị lộ". Nói vậy để thấy ai cũng đa tình, các nhà khoa học trong "tủ kính" cũng thế nhưng vì họ ít tiếp xúc với bên ngoài nên ít có "điều kiện đa tình" hơn, còn văn nghệ sĩ thì nay đây mai đó, thường sống phóng túng. Người ta có thể yêu nhiều người và chọn một người, đó là chuyện bình thường. Hai nữa là đời tư của người nổi tiếng hay được quan tâm hơn nên tự dưng người ta thấy là nhiều nhưng so với người khác thì chưa chắc đã nhiều. Cuộc sống là thế, tôi nhìn vào tiềm năng của mỗi người đều có sự đa tình, chỉ có điều thể hiện nó thế nào và hoàn cảnh của họ ra sao mà thôi. Nếu một con người quá khô cứng thì cũng hơi... không bình thường" |
> Đọc thêm: Cuộc đời cay đắng của diễn viên điện ảnh Việt Trinh
Thanh Xuân