Năm 1993, người dân đã phát hiện được ngôi mộ thuyền, bên trong có bộ tùy táng là bộ vũ khí bằng đồng rất phong phú. Các nhà khảo cổ học xác định, chủ nhân của một ngôi mộ là một chiến binh thuộc tầng lớp trên của xã hội cách đây hơn 2000 năm. Làng thờ Công Ba đại vương, theo thần phả là em thứ 3 của vua Hùng Vương thứ nhất, có công giúp dân mở mang làng xóm.
Lễ hội hàng năm được tổ chức vào 2 dịp chính: 12 tháng 2 (ngày hóa của thần) và 15 tháng 5 là ngày kỳ phúc. Lệ tháng 2 có rước bánh dày. Kỳ lạ là ở một ngôi làng nhỏ và nghèo, nhưng thời phong kiến, Nguyệt Áng nổi danh là làng khoa bảng với 11 người đỗ đại khoa, gồm 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 9 Tiến sĩ. Theo phần Đăng khoa thực lục trên bia Từ Vũ còn giữ được trên nền văn chỉ xưa của làng thì người hiển đạt đầu tiên của Nguyệt Áng là Nguyễn Danh Thọ. Năm 29 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Tân Mùi, đời Lê Thần Tông (1631).
Sau đó, ông giữ chức Giám sát Ngự sử hai đạo Kinh Bắc, Nghệ An. Sau được thăng Hồng lô tự khanh, tước Diễn lộc hầu. Điều hiếm thấy ở dòng họ Nguyễn làng Nguyệt Áng là một nhà có nhiều anh em ruột và cha con đều thi đỗ, làm quan cùng triều Lê. Điều đáng chú ý là tất cả những vị khoa bảng thuộc dòng họ Nguyễn của Nguyệt Áng đều thành đạt ở độ tuổi còn rất trẻ.
Ngoài Nguyễn Đinh Bách đỗ Sinh đồ năm 17 tuổi, những người khác trung bình khoảng 20-25 tuổi đã làm quan với nhiều chức, tước, phẩm ngạch khác nhau. Họ Nguyễn Đình có 5 người đỗ đạt là Nguyễn Đình Trụ (năm 1656), anh ruột là Nguyễn Quốc Trinh (Trạng nguyên, 1659) và 2 con là Nguyễn Đình Bách (1683), Nguyễn Đình Úc (Thám hoa, 1700) cùng cháu tằng tôn của Nguyễn Quốc Trinh là Nguyễn Đình Quỹ (1715). Họ Lưu có 3 người là Lưu Tiệp (1772) và em ruột (Lưu Định - 1775) cùng cháu nội là Lưu Quỹ (1835). Làng còn có 29 người đỗ trung khoa (hương cống, cử nhân), gồm 17 người họ Nguyễn Đình, 8 người họ Lưu và 4 người họ Nguyễn Danh.
Trong những người đỗ đạt của làng, nhiều người thật sự có tài, đem hết tài năng phụng sự đất nước. Tiêu biểu nhất là Nguyễn Quốc Trinh (1625 - 1674). Năm 1667, ông cầm đầu đoàn sứ bộ nhà Lê sang đàm phán thành công với nhà Thanh cho gộp hai kỳ tiến cống (3 năm một kỳ) làm một, giảm được phần lớn sự tốn kém cho triều đình và nỗi vất vả cho các đoàn sứ bộ. Sau ông làm quan đến Bồi tụng (Phó Tể tướng), là người tin cẩn của chúa Trịnh Tạc.
Tuy vậy ông là người khẳng khái, dám chỉ ra điều phải trái của chúa trước triều thần. Người thứ hai là Nguyễn Đình Trụ (1627 - 1703). Sau khi về hưu, ông về mở trường dạy học, học trò đông tới hàng nghìn. Hơn 70 người sau đó đỗ tiến sĩ và hương cống, thành đạt trên đường hoạn lộ. Thời bấy giờ coi ông là một “công phái thầy học”. Người thứ ba là Lưu Quỹ (1811 - ?). Ông nổi tiếng là người thẳng thắn, dám tâu việc can ngăn vua nên bị giáng chức.
Tháng 2 năm Tân Sửu (1841), Thiệu Trị lên ngôi, Lưu Quỹ đã cùng Khoa đạo Nguyễn Bỉnh Đức dâng sớ khuyên vua lưu ý đến 10 điều sách lược trị nước, trong đó, 2 điều được vua tâm đắc nhất là“thận trọng trong sự ham chuộng và cẩn thận trong dùng người”. Hiện Nguyệt Áng vẫn giữ được hệ thống đình, chùa, văn chỉ. Tại đây còn 2 tấm bia đá quý (dựng năm 1667, 1876), ghi tên những người đỗ đạt của làng.
Nguyễn Ngọc Tiến