Vừa qua, cơ quan an ninh đã bắt và khởi tố "nhà tâm linh" có biệt danh “cậu Thủy” (Nguyễn Văn Thúy, 54 tuổi, Bắc Ninh) về hành vi lừa đảo làm giả hài cốt liệt sĩ, di vật liệt sĩ và nơi chôn liệt sĩ...
Vì sao Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam dễ dàng chi khoản tiền khổng lồ hơn 7 tỷ đồng để “cậu Thủy” tìm hài cốt liệt sĩ? Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Công đoàn - người được lãnh đạo ngân hàng giao quyền phát ngôn đã trả lời phỏng vấn PV về sự việc này.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam.
Theo nội dung clip của chương trình Trở về từ ký ức: "Nhà ngoại cảm" Nguyễn Văn Thúy (còn gọi là “cậu Thủy", quê ở thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh) đã khai quật được 105 ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ của 3 tỉnh. Tuy nhiên, theo kết quả giám định, tất cả các ngôi mộ này đều chứa xương động vật. Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã đồng hành với Nguyễn Văn Thúy trong nhiều cuộc đi tìm hài cốt liệt sĩ. Và sau mỗi vụ tìm hài cốt liệt sĩ, ngân hàng chính sách địa phương lại chuyển ngân cho Nguyễn Văn Thúy 75 triệu đồng/hài cốt. Ngày 28/10 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Trị, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị có sự chứng kiến của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an và Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh, đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên (vợ Thúy) về hành vi làm giả hài cốt, di vật liệt sĩ. |
Thưa ông, clip chương trình Trở về từ ký ức cho thấy, trong các cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng “ngoại cảm” của Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”) có sự tham gia của các lãnh đạo cao nhất Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam như: Tổng và các Phó Tổng giám đốc... Vì sao Ngân hàng lại kết hợp với “nhà ngoại cảm” Nguyễn Văn Thúy để tìm hài cốt liệt sĩ?
Năm 2012, nhân ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), Đoàn Cựu chiến binh của Ngân hàng Chính sách Xã hội đề xuất với Công đoàn tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ. Ngân hàng Chính sách thấy đề xuất phù hợp với chủ trương của Nhà nước nên nhất trí và giao cho Công đoàn triển khai.
Thông qua một vài đơn vị và cá nhân trong và ngoài Ngân hàng Chính sách Xã hội, chúng tôi biết được “cậu Thủy” đã tìm được nhiều hài cốt chính xác. Ngân hàng cũng xác minh thấy “cậu Thủy” tìm đúng. Sau đó, Ngân hàng đến nhà “cậu Thủy” để nhờ cậu triển khai chương trình quy tập mộ liệt sĩ.
Thông tin “cậu Thủy” liên kết với Ngân hàng đã tìm được 105 hài cốt liệt sĩ với chi phí bồi dưỡng "cậu" hơn 7 tỷ đồng có chính xác không, thưa ông?
Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã quy tập được 97 hài cốt. Ngân hàng chi 75 triệu đồng/hài cốt để “cậu Thủy” làm lễ và chi phí đi lại, đến nơi tìm kiếm...
Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, mức chi của Ngân hàng cho nhà “ngoại cảm” là 75 triệu/bộ hài cốt là quá cao. Riêng một đêm ở xã Ea H’leo (Đắc Lắk), “cậu Thủy” nói rằng đã khai quật 42 hài cốt, đút túi 3 tỷ đồng?
Vấn đề tâm linh rất khó nói và khó định giá vì có những cái không thể giải thích được. Nhưng chúng tôi được biết, người dân đi tìm một ngôi mộ bình thường có giá 150 triệu/mộ.
Khi chúng tôi sang làm việc, đặt vấn đề, do tập thể cán bộ đoàn viên Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai, đề nghị cậu giảm giá nhiều nhất, giảm bớt chi phí của cậu để tìm được nhiều mộ nhất có thể. Do đó, cậu lấy 75 triệu/bộ hài cốt.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực chất là một quỹ của Nhà nước, không kinh doanh, không vì lợi nhuận... Vậy tại sao Ngân hàng lại dùng tiền ngân sách để chi hơn 7 tỷ đồng cho “cậu Thủy” tìm mộ liệt sĩ?
Tiền này từ nguồn tự nguyện của các đoàn viên công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội phát tâm. Ngân sách không chi đồng nào.
Ngân hàng chúng tôi có hơn 9.000 cán bộ, mỗi người tự nguyện góp một ngày lương. Tuy nhiên, quỹ này không chỉ dành riêng cho quy tập liệt sĩ, mà còn nhiều hoạt động từ thiện khác như xây nhà tình nghĩa.
Nhiều cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đồng hành với "cậu Thủy" tìm hài cốt liệt sĩ (Ảnh cắt từ clip chương trình Trở về từ ký ức).
Trong quá trình các ông và “cậu Thủy” tìm kiếm hài cốt tại Quảng Trị, có nhiều thông tin khuyến cáo về sự lừa đảo của “cậu Thủy”. Trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã cảnh báo các ông về các hố khai quật có hài cốt và di vật do “cậu Thủy” thực hiện là giả... Tại sao một cơ quan Nhà nước như Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam vẫn tin và tiếp tục chi tiền?
Cái này tôi chưa nghe, hôm nay mới nghe. Các đợt tìm kiếm của chúng tôi đều báo cáo UBND tỉnh, công an, bộ đội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội, mọi người rất đồng thuận và ký biên bản bàn giao hài cốt với Ngân hàng.
Ngoại cảm cũng có ngoại cảm đúng, ngoại cảm sai thế nọ thế kia... chưa được chứng minh trong thực tế. Chúng tôi có lòng tin và qua thực tế cho thấy “cậu Thủy” tìm mộ chính xác.
Trong cuộc họp giữa Ngân hàng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng trị, vì sao đề xuất đưa các mẫu xương hài cốt đi giám định ADN của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng trị lại không được các ông đồng ý?
Giám định ADN là trách nhiệm của gia đình liệt sĩ nếu có yêu cầu; hoặc đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, chúng tôi không có chức năng.
Một ngày sau khi “cậu Thủy” bị bắt với nghi vấn lừa đảo, chiều 29/10, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị khẳng định, 9 hài cốt chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 do “cậu Thủy” tìm và Ngân hàng Chính sách Xã hội bàn giao không phải là liệt sĩ. Ông nghĩ sao về diễn biến mới nhất trong sự việc các ông chi tiền cho “cậu” tìm mộ rởm?
Chúng tôi đã bàn giao 9 hài cốt cho Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Hiện nay, sự việc vẫn đang được công an đang xử lý.
"Ngoại cảm cũng có ngoại cảm đúng, ngoại cảm sai thế nọ thế kia... chưa được chứng minh trong thực tế. Chúng tôi có lòng tin và qua thực tế cho thấy “cậu Thủy” tìm mộ chính xác". Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam |
Cơ quan An ninh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Thuý và Mẫn Thị Duyên (vợ Thúy) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do có hành vi làm giả hài cốt liệt sĩ, di vật liệt sĩ và nơi chôn liệt sĩ... Là đơn vị chi hơn 7 tỷ đồng cho “cậu Thủy”, các ông nghĩ gì khi sự việc này diễn ra?
Ngân hàng chúng tôi sẵn lòng cung cấp đầy đủ thông tin để các cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự việc này. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng chưa làm sáng tỏ, chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra tôi nghĩ chúng ta chưa nên bàn cái việc thật, giả ở đây là cái gì cả.
Tiền đóng góp của anh em, chúng tôi tin tưởng vì qua mỗi lần quy tập, anh em trong ngân hàng đi theo đều nhìn thấy kỷ vật của bộ đội nên hoàn toàn tin tưởng. Đã tin tưởng rồi thì tiếp tục tiến hành làm. Đến giờ toàn bộ cán bộ Ngân hàng vẫn tin tưởng việc mình thiện nguyện đóng góp.
Thực tế, chúng tôi dùng tiền anh em cơ quan đóng góp đúng là để tìm mộ liệt sĩ, không có bất cứ cá nhân hay tổ chức nào trục lợi việc này. Xét về tâm, chúng tôi không có gì phải lăn tăn suy nghĩ.
Các ông ăn nói sao với cán bộ của mình khi họ đã phải trích đồng lương ít ỏi do Nhà nước trả để làm từ thiện, nhưng sau đó, số tiền này đang có nguy cơ hoài phí bởi tin vào “cậu Thủy”?
Chúng tôi đã nói rồi, phải có lòng tin. Còn vấn đề giả thật chưa bàn đến vội. Bởi khi cậu Thủy bị bắt chỉ là nghi vấn, sau này sẽ có câu trả lời chính thức bên chỗ điều tra, lúc đó đề cập lại.
Nếu “cậu Thủy” có hành vi lừa đảo, Ngân hàng xử lý thế nào với 97 bộ hài cốt được nhiều gia đình thờ cúng. Bên cạnh đó, số tiền đóng góp của hơn 9.000 cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội bị lừa đảo có được trả lại không? Những người có trách nhiệm sẽ bị xử lý thế nào?
Chúng ta đang nói đến giả thuyết “nếu”, bởi thế, chúng tôi đang chờ đợi cái “đúng” từ cậu Thủy hoặc ở thời điểm có kết luận rõ ràng từ cơ quan điều tra. Nếu trả lời về sự “nếu” ấy, suy cho cùng chúng ta đều là suy luận cả.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Khám phá