Nhà báo Giang Quân: Cuốn từ điển sống về Hà Nội

Nhà báo Giang Quân: Cuốn từ điển sống về Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Ông yêu Hà Nội theo cách riêng mình, không ồn ào, náo nhiệt mà lặng lẽ, âm thầm. Có lẽ vì thế mà công chúng còn lạ lẫm với cái tên Giang Quân. Nhưng những người làm văn hóa, đặc biệt là ở Hà Nội thì coi ông là một cuốn từ điển sống...

Ông dành gần 70 năm để đi vào mọi con hẻm của Hà Nội và tìm hiểu mọi ngóc ngách của đời sống người Tràng An. Cả một đời quan sát, cóp nhặt và ghi chép, "gia tài" về Hà Nội của ông lên đến 30 đầu sách riêng và hàng trăm đầu sách ký tên đồng tác giả. Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương nhưng lại có cả trăm đầu sách viết về Hà Nội nên có thể khẳng định, Giang Quân am hiểu Hà Nội hơn rất nhiều người con Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Xã hội - Nhà báo Giang Quân: Cuốn từ điển sống về Hà Nội

Chân dung nhà báo, nhà nghiên cứu Giang Quân

Chàng trai Hải Dương "phải lòng" Hà Nội

Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân mở đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng câu nói vui của bạn bè ông: "Anh em cứ đùa tôi rằng chẳng biết gọi tôi là "nhà" gì, viết văn, làm thơ, làm báo, viết kịch, nghiên cứu văn hóa... tôi đều tham gia cả. 16 tuổi tôi bắt đầu làm thơ, 18 tuổi viết kịch, 23 tuổi làm phóng viên. Đến năm 28 tuổi tôi khởi sự công tác nghiên cứu văn hóa tại Sở Văn hóa Hà Nội, làm việc ở đó cho đến khi về hưu và hiện giờ tôi vẫn tiếp tục cộng tác".

Nhắc đến Hà Nội, nét mặt ông trở nên rạng rỡ như xua đi những nếp nhăn của tuổi 86. "Bén duyên" với Hà Nội khi còn là cậu thanh niên 23 tuổi, Giang Quân lấy ngòi bút làm vũ khí chiến đấu. Trở thành phóng viên chiến trường trong suốt thời gian Hà Nội bị tạm chiếm (1950 - 1954), chàng thanh niên được tiếp xúc với những người con tiêu biểu của Thủ đô như gia đình cụ Hoàng Đạo Thúy, gia đình ông Nguyễn Lân...

Cũng chính thời gian này, phóng viên Giang Quân đã dùng ngòi bút năng nổ để phản đối chiến tranh và ca ngợi tinh thần yêu nước của người dân Thủ đô. Điều này đã khiến Giang Quân được "lọt vào mắt xanh" của lãnh đạo sở Văn Hóa Hà Nội. Trở thành viên chức Nhà nước cũng là một cơ hội tình cờ để Giang Quân tiếp tục say đắm với tình yêu Hà Nội.

Năm 1956, ông vinh dự được "cầm" tờ báo Tiếng hát quê ta, tờ báo văn nghệ đầu tiên của Hà Nội. Đây chính là nơi ươm mầm cho nhiều nhà thơ, nhà văn tên tuổi như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phan Thị Thanh Nhàn...

Và cũng chính thời gian này, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ đội trưởng đội tuyên truyền văn hóa xung kích của sở Văn hóa Hà Nội. Đội hơn chục thành viên, đến bất kỳ đâu của Hà Nội để tuyên truyền cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Ông tuyên truyền cho dân còn dân kể chuyện ông nghe, Giang Quân tỉ mẩn ghi chép và từ đó ông có một vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử và phong tục tập quán của mọi ngõ ngách của Thủ đô. Đây chính là cơ sở tiền đề cho những quyển sách nghiên cứu về Hà Nội được ký bằng bút danh Giang Quân sau này.

Xã hội - Nhà báo Giang Quân: Cuốn từ điển sống về Hà Nội (Hình 2).

Giang Quân có một tủ sách đồ sộ về Hà Nội với 30 đầu sách riêng và hàng trăm cuốn sách viết chung

"Bực mình với những người nói xấu Hà Nội"

67 năm sống ở Hà Nội và cũng ngần ấy năm cóp nhặt để rồi đến khi về hưu, Giang Quân "bung" mọi vốn liếng của mình viết một lèo 30 cuốn sách về đất và người Hà Nội (bên cạnh hàng trăm cuốn in chung khác).

Ông chia sẻ: "Tôi không bao giờ ngồi ở nhà để viết về một nơi tôi chưa từng đến, nếu không đích thân khảo sát thì tôi không yên tâm, kể cả có sẵn tài liệu. Để viết về một con phố, tôi cần đến tận nơi để xem người ta đặt tên phố có phù hợp không, vị trí của phố có xứng đáng với nhân vật được đặt tên hay không. Bên cạnh đó, để có một bài viết chuẩn xác, tôi cần tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của con phố và nguồn gốc lai lịch về địa dư của nó".

Ông nói thế mới hiểu tại sao ông viết quyển Từ điển đường phố Hà Nội mất tận 4 năm, ông quá cẩn thận và chỉn chu trong công việc. Ông luôn tâm niệm: "Phải luôn giữ tư cách của một cán bộ văn hóa. Mình là người có văn hóa, làm về văn hóa, lại công tác ở Sở Văn hóa thì đừng để cho ai phải nhắc nhở mình về công việc". Ông bảo đây là điều ông cảm thấy tự hào nhất trong cả đời làm công chức. Lần đầu tiên trong suốt buổi nói chuyện, ông dễ tính với chính mình.

Xã hội - Nhà báo Giang Quân: Cuốn từ điển sống về Hà Nội (Hình 3).

Nhà Nghiên cứu Giang Quân hồi trẻ và vợ

Giang Quân có tình cảm đặc biệt với Hà Nội, ông coi Hà Nội như một thực thể sống động và hết mình vì tình yêu đó: "Tôi bực mình với những người nói xấu Hà Nội. Có người thắc mắc sao tôi lại yêu Hà Nội đến thế? Tôi xin trả lời rằng, văn hóa, văn minh và văn hiến của Hà Nội nghìn năm là kết tinh nét đẹp của nhiều vùng miền. 36 phố phường cổ và các làng nghề đều từ tứ trấn các làng xung quanh Hà Nội mà thành. Nét đẹp của Hà Nội là tổng hòa của mọi nét đẹp dân tộc. Vì thế tôi không đồng ý khi người ta cho rằng những người ở tỉnh khác đã làm xấu Hà Nội.

Tôi cho rằng, chính họ là người đem những nét tinh túy của quê hương đến góp cho Hà Nội. Ở đâu cũng có người tốt và người xấu, Hà Nội gốc cũng có người này người khác, các nơi về đây cũng vậy. Có thể người tỉnh khác vẫn quen lối sống tự do, tùy tiện mà chưa bắt nhịp được với lối sống văn minh đô thị gọn ghẽ, theo luật lệ. Nhưng "nhập gia tùy tục", và để họ hòa nhập được cần phải có thời gian. Những gì không Hà Nội sẽ dần dần tự đào thải".

Nói về những cống hiến của mình, ông nở nụ cười hiền: "Những cống hiến của tôi chỉ là một phần nhất định, nhưng cuộc đời con người được đóng góp cho Hà Nội, đối với tôi là một niềm hạnh phúc".

Thanh xuân

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.