Nữ nhà báo trong vai tình nhân cảnh sát
Cuối năm 2010, một vụ án bắt cóc tống tiền rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Nạn nhân trong vụ án này là anh L.V.V, một kỹ sư xây dựng, khi đó đang làm việc tại công trường Keangnam. Do mâu thuẫn làm ăn kinh tế với gia đình nạn nhân, các đối tượng đã bắt cóc anh V. và yêu cầu người nhà phải nộp ba tỷ đồng cho chúng, nếu không chúng sẽ "không chịu trách nhiệm về tính mạng của V.".
Cháu Sồng Thị G. được trao trả cho người thân nhờ sự giải cứu của lực lượng cảnh sát
Ổ nhóm tội phạm này hoạt động rất chuyên nghiệp, có phân công nhiệm vụ cụ thể của từng tên, sau khi bắt anh V., chúng liên tiếp thay đổi nhà nghỉ và tìm cách đánh lạc hướng để tránh bị công an phát hiện. Tuy nhiên, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", với tinh thần trách nhiệm, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm hình sự (công an TP.Hà Nội) đã phối hợp với công an các quận, huyện trên địa bàn để rà soát. Cuối cùng, các anh đã xác minh được vị trí chúng đang giam giữ anh V. là tại một nhà nghỉ ở thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội). Rất nhanh, phương án giải cứu con tin đã được lực lượng công an vạch ra.
Lần đó, cánh nhà báo chúng tôi cũng đề nghị lãnh đạo phòng Cảnh sát Hình sự (CA TP.Hà Nội) cho "thâm nhập thực tế", được theo chân lính hình sự đi "đánh án". Quả thực mà nói, dù đã viết rất nhiều, được nghe trinh sát kể chuyện hậu trường phá án cũng rất nhiều, nhưng khi bước chân lên xe ô tô, theo những người lính đặc nhiệm và lính điều tra trọng án "xông trận", tôi và một nữ đồng nghiệp vẫn cảm thấy rất hồi hộp. Như hiểu được những gì chúng tôi đang suy nghĩ, mấy trinh sát trẻ dí dỏm bảo: "Các chị cứ bình tĩnh, hít thở thật sâu, rồi diễn cho thật chuẩn nhé!". Chúng tôi chỉ cười đáp lại và vẫn không ngừng tưởng tượng các tình huống phía trước. Hơn 10h sáng, xe dừng lại ở thị trấn Xuân Mai, trước mặt chúng tôi là một nhà nghỉ năm tầng.
Theo phân công, hai nữ phóng viên sẽ cùng hai trinh sát đóng giả là những đôi tình nhân vào thuê hai phòng 201 và 301. Ngay khi vào phòng, bằng các thao tác rất nhanh, trinh sát đi cùng tôi kiểm tra lại súng đạn và dặn dò nhà báo một số việc cần lưu ý khi cuộc đột kích diễn ra. Nhiệm vụ của chúng tôi là nắm bắt tình hình bên trong nhà nghỉ và xác định chính xác nơi các đối tượng đang giam giữ anh V.. Trong thời gian ngắn, các trinh sát nhận định, nơi nhóm đối tượng đang giam giữ anh V. là căn phòng 304 nằm ngay gần phòng của tôi. Nghe có tiếng lạch cạch phát ra từ phòng 304, cậu trinh sát bảo tôi: "Nhiều khả năng chúng có súng. Chị cẩn thận nhé!".
Chà! Một cuộc vây bắt nghẹt thở sắp diễn ra đây! "Chuyến này về tha hồ mà viết, mà tả như… trong phim", tôi nghĩ vậy rồi khẽ gật đầu.
CSHS công an TP. Hà Nội đọc lệnh khởi tố bắt tạm giam nhiều nhân vật đứng đầu MB24
Hơn nửa tiếng đồng hồ trôi qua, không khí trong phòng dần trở nên căng thẳng. Mọi diễn biến tại hiện trường đều được báo cáo đầy đủ về trung tâm chỉ huy. Mệnh lệnh của cấp trên là phải tạo mọi yếu tố bí mật, bất ngờ, chọn đúng thời điểm đột phá, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con tin, lực lượng phá án và những người xung quanh. Đúng là, phải có mặt trong những khoảnh khắc "trước giờ G" ấy thì mới có thể thấu hiểu được tâm trạng của những chiến sĩ hình sự khi lâm trận. Sự căng thẳng thể hiện rõ trên từng gương mặt, họ đang tập trung cho trận đánh phía trước. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, nếu mình chỉ sơ sẩy một chút thì rất có thể chuyên án sẽ bị ảnh hưởng lớn, công sức của đồng đội cũng có thể vì thế mà đổ xuống sông xuống bể.
Theo sự phân công của phó phòng Cảnh sát Hình sự Đào Thanh Hải, một tổ trinh sát áp sát cửa căn phòng 304, một tổ khác ém quân ngay dưới tầng một của nhà nghỉ, đề phòng các đối tượng khác trong nhóm bắt cóc quay lại giải cứu đồng bọn. Khi các phương án đã chuẩn bị kỹ càng, một trinh sát gõ cửa phòng 304. Một thanh niên cởi trần, ló cái đầu bù xù ra ngoài, đó chính là một tên trong nhóm bắt cóc đang được giao nhiệm vụ trông giữ anh V. để đồng bọn của hắn đi thăm dò địa bàn, chuẩn bị đưa nạn nhân chuyển sang địa điểm khác. Rất nhanh, hắn đã bị khống chế bởi một thế võ điêu luyện của trinh sát đặc nhiệm hình sự.
Trong phòng, anh V. đang ngồi run rẩy ở đầu giường. Khi biết những người lính hình sự có mặt để giải cứu mình, anh V. mới thở phào và bày tỏ niềm vui sướng. Cũng chỉ trong ít ngày sau đó, công an Hà Nội đã bắt gọn thêm 10 đối tượng khác có liên quan đến vụ án trên. Sau này, những lần sang tác nghiệp tại ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang (trụ sở của phòng Cảnh sát Hình sự - công an TP.Hà Nội), thỉnh thoảng chúng tôi lại ngồi ôn lại kỷ niệm lần đầu được đi "đánh án".
Lực lượng cảnh sát phản ứng rất nhanh bắt đối tượng phạm tội
"Nhỡ nhà báo mà bị làm sao thì công an lấy gì mà... đền!"
Lần khác, khoảng 4h sáng, chuông điện thoại của tôi đổ liên hồi, khiến cả nhà thức giấc. Ở đầu dây bên kia, giọng nữ đồng nghiệp của tôi thông báo, tối hôm trước vừa có một vụ bắt cóc trẻ em vô cùng táo tợn xảy ra tại Sơn La, do các đối tượng trong một đường dây ma túy gây ra. Nữ đồng nghiệp cho biết, hiện bộ Công an đang phối hợp với công an các địa phương tiến hành giải cứu con tin và truy bắt các đối tượng gây án. Cô bạn rủ tôi cùng bắt taxi lên Hòa Bình để theo dõi cuộc giải cứu nghẹt thở tại một nhà nghỉ, nơi các đối tượng đang giam giữ Sồng Thị G. là nạn nhân trong vụ án. Vậy là, "máu nghề nghiệp" nổi lên, tôi và cô bạn bắt xe lên thẳng Hòa Bình. Khi chúng tôi lên đến nơi, cũng là lúc các chiến sĩ công an giải cứu thành công bé gái sáu tuổi. Tất cả những người chứng kiến đều vô cùng xúc động trước hình ảnh người cha giàn giụa nước mắt đón nhận cô con gái cưng được giải cứu sau một đêm mất ăn mất ngủ lo cho con.
Trong trận chiến đó, thiếu tướng Trần Trọng Lượng (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an) và đại tá Hồ Sỹ Tiến (cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự) đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị địa phương và quyết định các biện pháp nghiệp vụ để điều tra phá án. Khi tìm hiểu hậu trường vụ án, tôi mới biết, đêm 3/3/2012, khi đại tá Hồ Sỹ Tiến vừa kết thúc chuyến công tác ở Nhật Bản, về đến sân bay Nội Bài thì tiếng chuông điện thoại di động đổ dồn. Ở đầu dây bên kia, lãnh đạo Tổng cục thông báo, tại địa bàn tỉnh Sơn La vừa xảy ra một cuộc bắt cóc vô cùng liều lĩnh, các đối tượng đều nghiện ma tuý, sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả quyết liệt nếu bị truy bắt. Nhận được thông tin, ngay lập tức đại tá Tiến cùng với một số cán bộ chiến sĩ của cục đi thẳng lên Sơn La mà không kịp về qua đơn vị cất tư trang. Vậy là, với sự phối hợp rất chặt chẽ của tất cả các lực lượng tham gia, các anh đã nhanh chóng giải cứu cháu bé thành công và bắt gọn ổ nhóm đối tượng lưu manh.
Lại nhớ, có lần được theo cảnh sát hình sự Hà Nội đi phá án, lần đó, hai nữ phóng viên cũng được đóng vai là những cặp tình nhân với các trinh sát vào thuê phòng nghỉ. Phòng của chúng tôi ở ngay sát bên cạnh phòng của các đối tượng. Đến "giờ G", chúng tôi đang hồi hộp để chờ đợi giây phút "nóng" nhất của chuyên án thì một cậu trinh sát trẻ bảo với chúng tôi: "Hai chị chạy xuống tầng một mượn giúp em cái bật lửa ở chỗ quầy lễ tân". Vậy là chúng tôi "răm rắp làm theo nhiệm vụ", nào ngờ khi quay trở lại đã thấy lính hình sự khóa gọn mấy tên đồ tể xăm trổ đầy mình. Thấy chúng tôi tròn mắt, cậu trinh sát trẻ lúc nãy cười hòa: "Các chị thông cảm, nhiều khi tình thế bắt buộc. Nhỡ chẳng may nhà báo có làm sao thì công an lấy gì mà… đền!".
Cho đến giờ, tôi vẫn chưa thể quên kỷ niệm một lần theo trinh sát hình sự vùng cao đi bắt bạc. Thời điểm đó là sau vụ gặt, nhiều lão nông thu hoạch được ít tiền liền bị đám cờ bạc chuyên nghiệp rủ rê lên quả đồi phía sau bản chơi sóc đĩa. Nơi các đối tượng chọn địa điểm sát phạt nhau là một khoảng rộng nằm giữa những rặng tre, nứa ngút xanh. Sẩm tối, chúng tôi được "lệnh" cùng lính hình sự công an huyện đi bắt ổ bạc. Khi công an ập vào bắt quả tang, các con bạc còn đang say sưa sát phạt mới bất ngờ nhận ra, liền nháo nhào bỏ chạy tán loạn. Có người cứ thế lao thẳng vào giữa bụi tre, rồi mắc luôn ở trong đấy không ra được. Đến nước này, con bạc mới gọi to: "Cán bộ ơi! Cứu em với!"…
Chí Công