Sáng 28/8, Nhà Xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức ra mắt tập thơ "Viễn ca".
Sau thành công của hai tập thơ được xuất bản cùng lúc là: "Loạn bút hành" và "Chiều không tên như vết mực giữa đời", nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục ra mắt công chúng tập thơ thứ 3 trong sự nghiệp của mình mang tên "Viễn ca".
Tập thơ "Viễn ca" của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh gồm 39 bài thơ được ông viết trong giai đoạn gần đây. Tuy cái chất tinh nghịch, ào ạt, phóng khoáng đã bớt đi, nhưng bù lại, tập thơ mới của ông thêm sự giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh.
Bằng liên tưởng và tưởng tượng, nhà thơ đã kết nối những sự vật, sự việc, tâm trạng đời thường mang tính chất cá nhân hóa với tất thảy những gì thuộc về phạm trù xa xôi, ảo diệu để làm nên thi ảnh lạ.
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội khi là gương mặt thơ nổi bật của phong trào thơ sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 1980. Thơ của ông được sinh viên chép tay, truyền nhau đọc.
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ: "Tôi học Khoa Ngữ văn Trường Đại học tổng hợp. Ra trường được giữ lại giảng dạy thời gian ngắn. Sau đó tôi đi làm báo. Đi làm báo, cái nghề liên quan tới chính nghĩa, vì thế tôi bị quăng quật với đời nhiều quá nên cũng không có thời gian sáng tạo thơ ca.
"Viễn ca" là chặng đường con người phải đi qua trong hành trình số phận của mình. Trên hành trình đó bắt gặp nhiều phong cảnh, tôi chỉ ghi lại những cảnh đó bằng ngôn từ và cảm xúc.
Trong hành trình cuộc sống, mỗi bước đi đều là sự đổi mới, thơ cũng vậy, mỗi bài thơ là sự tiếp nối của cảm xúc và liên tưởng khác nhau. Sau 30 năm làm báo, bước sang làm công việc khác thì cũng phải tự thay đổi".
Tại buổi lễ ra mắt, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo đều nhấn mạnh, "Viễn ca" là bước ngoặt trên con đường sáng tạo thi ca của Nguyễn Tiến Thanh. Vẫn còn đó phảng phất chất hào hoa trong cấu tứ, ngôn từ, giọng điệu để những đề tài cũ đọc lên vẫn thấy thú vị. Nhưng sự tỉnh táo, giàu lý trí, ý thức về bản thân đã nhiều hơn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, ở thời buổi văn học nói chung và thơ ca nói riêng, không có giữ vị thế trung tâm của đời sống văn hóa như trước đây, những người yêu thơ, biết làm thơ, không bao giờ từ bỏ thơ ca như Nguyễn Tiến Thanh là rất quý.
Sự ra mắt tập thơ "Viễn ca" hôm nay giúp kết nối những người yêu thi ca lại với nhau, tạo nên bầu không khí thân tình hiếm có, rất thơ ca.
Viết về tập thơ "Viễn ca", nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam, Báo Nhân Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ: "Tập thơ mới của anh thêm sự giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh. Nguyễn Tiến Thanh không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ anh còn nghiêng nhiều về phía cổ điển. Thế nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thơ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình. Và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng".