Nghề báo đến với tôi như một cái duyên, bởi chuyên ngành tôi được đào tạo là Chính trị chứ không phải báo chí. Bởi vậy, đồng nghiệp vẫn quen với đồng nghiệp vẫn thường gọi tôi là dân “sang ngang”.
Tôi còn nhớ như in, khi bước chân vào tòa soạn, tôi chẳng khác nào một chú chim bay lạc đàn. Sự bỡ ngỡ, lo lắng khiến tôi lúng túng. Tôi từng băn khoăn, trăn trở cho một bài viết mà không biết bắt đầu từ đâu... Những cuộc họp đề tài vào sáng sớm khiến tôi lo lắng, trăn trở. Nếu hôm nào lỡ dậy muộn tôi thường phóng xe thật nhanh đến tòa soạn rồi cắm đầu lao thục mạng lên phòng họp để làm sao “không chậm quá 5 phút”.
Sự khắt khe của nghề có nhiều lúc tôi cảm thấy áp lực. Đã không ít lần tôi thầm kêu khổ, nhưng sau này tôi nhận ra chính những cuộc họp đề tài đó đã giúp tôi trưởng thành với nghề lên rất nhiều. Các anh chị đồng nghiệp đã chỉ bảo, uốn nắn cho tôi rất nhiều từ kỹ năng làm báo, nắm bắt và xử lý thông tin cho đến những kiến thức dù là nhỏ nhất.
Trong quá trình làm nghề, tôi nhận thấy giữa kiến thức được học và trải nghiệm trong mỗi chuyến đi xa là một khoảng cách rất xa. Có muôn vàn kiến thức tuyệt vời về nghề báo mà tôi đã được lĩnh hội trong mỗi chuyến đi. Chính vì vậy điều tôi tâm đắc nhất của nghề báo là được trưởng thành trong mỗi chuyến đi. Mỗi hành trình, vốn sống được bồi đắp và chúng tôi lại có những kỉ niệm khó quên.
Đặc biệt, lần cùng đồng nghiệp vượt chặng đường dài, lên xã vùng sâu, vùng xa xã Trung Hà (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) vào năm 2015 khiến tôi nhớ mãi. Trên chiếc xe Wave, chúng tôi từ Thủ đô về thôn Nà Dầu, xã Trung Hà. Quãng đường xa xôi cộng địa hình đồi núi khiến chúng tôi mất 9 tiếng mới có thể đến được hiện trường vụ án chồng sát hại vợ.
Thôn Nà Dầu là thôn nghèo nhất trong xã nghèo Trung Hà. Ở đây, người dân chưa có điện để sử dụng. Những đứa trẻ ngây thơ chưa từng nhìn thấy bóng điện, phải tập nhận mặt con chữ qua ánh lửa hắt hiu. Ngôn ngữ gây khó khăn cho chúng tôi khi trò chuyện cùng bà con. Cái nghèo đói, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của gia đình đối tượng gây án khiến tôi và đồng nghiệp đẫm buồn và nhớ mãi.
Xong công việc, chúng tôi được lãnh đạo UBND xã Trung Hà bố trí nghỉ ngơi tại trụ sở xã. Khi được hỏi về khu vực vệ sinh cá nhân, lãnh đạo xã chỉ cho chúng tôi đường ra một con suối và nói bà con nơi đây đều tắm và vệ sinh tại khu vực này khiến chúng tôi bật cười thú vị. Một chuyến đi mang cho chúng tôi quá nhiều cảm xúc và sự trải nghiệm.
Dù công tác trong nghề được 5 năm, tôi vẫn thấy rằng thật khó để nói hết đặc thù công việc của mình. Nhiều anh chị đồng nghiệp của tôi thường nói rằng, vinh quang đến với họ không phải là những giải thưởng, mà chính là ngọn lửa cháy với nghề. Những chuyến đi thực tế luôn là trải nghiệm tuyệt vời.
Dẫu biết rằng phía trước mình là một chặng đường dài, nhưng mỗi phóng viên, nhà báo của tạp chí Đời sống & Pháp luật luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết, để trải nghiệm những điều mới mẻ, để có những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ bạn đọc.
Đỗ Chang