Vào khoảng 13h ngày 24/4, một ngôi nhà ở thị trấn Simpang Ampat, bang Penang, Malaysia đã bị 2 tên trộm đột nhập tuy nhiên chúng đã rời khỏi nhà ngay sau đó mà không lấy đi bất cứ vật gì.
Nguyên nhân là do chúng thấy ngôi nhà quá bừa bộn nên nghĩ rằng ngôi nhà này đã bị đột nhập trước đó và bị lấy đi hết các đồ vật có giá trị.
Theo Sin Chew, thậm chí một trong số chúng còn hỏi trực tiếp chủ nhà rằng: "Đây có phải là nhà của ông không?" khi gặp ông ngay trước cửa.
Ông Ang, 77 tuổi, chủ sở hữu ngôi nhà cho biết, khi thấy một chiếc xe ô tô màu trắng đậu trước cửa nhà, ông linh cảm có chuyện nên đã vào nhà để kiểm tra. Khi đó, ông đối mặt với 2 tên trộm đang đi ra. Chúng đã phi lên xe rất nhanh sau đó.
Ông Ang cho biết hai tên trộm này có ý định ăn cắp tivi của ông nhưng chúng đã đặt nó xuống và ra về vì nghĩ rằng có một tên trộm khác trong nhà.
Nhớ biển số xe của 2 tên trộm nên ông Ang sau đó nộp đơn báo cáo với cảnh sát về vụ việc. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, cảnh sát nói chúng đã sử dụng biển số giả nên không có manh mối truy lùng.
Bên cạnh đó, ông Ang cho biết, nhà của ông từng bị trộm đột nhập rất nhiều lần.
Ngôi nhà của ông Ang nằm ở góc khuất, không gần mặt đường nên những tên trộm lẻn vào qua đường cửa sổ. Vì vậy, sau nhiều lần bị mất trộm, ông Ang quyết định không giữ các đồ vật có giá trị trong nhà nữa.
Được biết, tại Malaysia, tỷ lệ tội phạm đang gia tăng và các vụ trộm cướp vào ban ngày ngày càng phổ biến tại đất nước này.
Cảnh sát cho rằng làn sóng tội phạm bạo lực ngày càng gia tăng ở Malaysia bởi quyết định hủy bỏ luật có từ thời thuộc địa gọi là "Sắc lệnh Khẩn cấp" (EO) - luật cho phép giam giữ không truy tố những nghi can phạm tội trong thời gian dài.
Số liệu mới nhất do cảnh sát Malaysia cung cấp cho thấy số vụ án mạng vẫn tương đối không thay đổi nhiều trong 12 năm qua - tức khoảng 600 vụ/năm.
Mặc dù vậy, dữ liệu cũng tiết lộ sự giảm bớt đáng kể trong một số loại tội phạm, bao gồm nạn cướp giật sử dụng vũ khí giảm còn 17 vụ năm 2012 (so với 722 vụ năm 2000); cướp có băng nhóm giảm còn 110 vụ năm 2012 (so với cao điểm 1.809 vụ năm 2010).
Bạo lực khiến giới doanh nhân nước ngoài ngại đầu tư vào Malaysia và thậm chí người dân trong nước cũng không dám ra đường vào ban đêm bởi vì súng nổ ở mọi nơi.
Đường phố Kuala Lumpur không hề an toàn. Ngày nay, không khó tìm một người nào đó ở Kuala Lumpur để nghe kể câu chuyện về nạn trộm cắp, móc túi hay thậm chí giết người.
Do đó, cư dân sống trong các khu vực trung lưu và giàu có bắt đầu tìm cách kiểm soát cộng đồng của mình mà thường là không được sự cho phép của chính quyền.
Minh Anh