Trong nhiều năm qua, ùn tắc giao thông vẫn là chủ đề nóng của Hà Nội. Mặc dù thành phố đã có những sự đầu tư mạnh mẽ để phát triển hạ tầng giao thông, song “ùn vẫn cứ ùn, tắc vẫn cứ tắc”.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô là do không ít dự án, công trình thực hiện không theo quy hoạch, sai mật độ xây dựng.
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương sáng 29/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, cần chấn chỉnh lại công tác quản lý đô thị.
“Có điều rất lạ là tất cả các cơ sở di dời ra khỏi nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ rất cao. Nhiều khu chung cư cao 40-50 tầng dày đặc, từ đó gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng giao thông, cấp thoát nước, môi trường. Trong khi từng chúng ta, con em, gia đình đang cần các công viên, công trình công cộng và góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội cần nghiêm túc rà soát lại nhằm chấn chỉnh kịp thời trước khi quá muộn. "Tôi nói các đồng chí phải hiểu rằng không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tháng 4/2016, UBND TP.Hà Nội đã ra Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND “Ban hanh Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội”
Quyết định này được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.
Vị trí cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng bao gồm các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị.
Vị trí cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng bao gồm các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị.
Theo đó, việc quản lý, kiểm soát về quy hoạch kiến trúc đối với các công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, TP.Hà Nội được thực hiện trên cơ sở đảm bảo đúng định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Vị trí cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng bao gồm các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị, tuân thủ theo các quy định tại điều 6,7,8,9 của quy chế, chiều cao tối đa tùy từng tuyến phố từ 9 -13- 21- 24 -27- 39 tầng.
Các dự án tái thiết khu đô thị bao gồm việc đầu tư xây dựng tại các khu chung cư cũ và quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tưởng Chính phủ và các dự án tái thiết khu đô thị khách theo quy định của pháp luật; tuân thủ theo các quy định tại điều 10 quy chế này. Đồng thời cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng trong trường hợp xây dựng lại các khu chung cư, tập thể cũ khác tuân thủ theo quy định tại điều 11 thuộc quy chế.
Trong trường hợp khác với các quy định này (ngoài vị trí, vượt quá quy mô cho phép) sẽ do UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Khu vực nội đô lịch sử TP.Hà Nội được chia thành 07 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình như sau: Khu Trung tâm chính trị Ba Đình có quy mô diện tích khoảng 134,4ha; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long có quy mô diện tích khoảng 18,358ha; Khu phố cổ có quy mô diện tích khoảng 82ha; Khu phố cũ có quy mô diện tích khoảng 507,88ha; Khu vực hồ Gươm và phụ cận có quy mô diện tích khoảng 63,72ha; Khu vực hồ Tây và phụ cận có diện tích khoảng 1.009m02ha; Khu vực hạn chế phát triển gồm Khu vực Văn Miếu và phụ cận có quy mô diện tích khoảng 39,48ha và Khu vực hạn chế phát triển có quy mô diện tích khoảng 2.030,23ha.
Theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND của TP.Hà Nội thì tuyến phố Chùa Bộc - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng - Pháo Đài Láng kéo dài chỉ được xây dựng công trình cao tối đa 13 tầng và chiều cao tối đa 46m.
Tuy nhiên trong thời gian qua, thông tin một dự án gồm 2 tòa nhà, văn phòng và căn hộ cao cấp ở Huỳnh Thúc Kháng cao 30 tầng nổi và 3 tầng hầm sắp được thi công khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Đường Huỳnh Thúc Kháng vốn là điểm nóng về giao thông, nếu ở đây mọc thêm một công trình nhà ở cao hàng chục tầng, hàng nghìn người tới sinh sống thì giao thông trên tuyến đường này sẽ ra sao? Chắc chắn tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng nhỏ bé sẽ phải “oằn mình” trước cảnh ùn tắc hàng ngày.
Không những vậy, Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND của TP.Hà Nội thì đường Huỳnh Thúc Kháng chỉ được xây dựng công trình cao tối đa 13 tầng. Vậy thông tin một dự án cao 30 tầng sắp được xây dựng có chính xác? Và công trình này có phù hợp với quy hoạch của TP. Hà Nội?
PV đã liên hệ đến số điện thoại đường dây nóng được đăng trên website của chủ đầu tư. Theo trả lời của số điện thoại đường dây nóng này cuối năm 2017 dự án trên sẽ mở bán với mức giá từ 60-65 triệu đồng/m2.
Theo một số thông tin thì dự án trên của một đại gia BĐS Thái Bình, sau khi thành công với dự án khu đô thị ở TP.Thái Bình tỉnh Thái Bình, đại gia này quyết định “lấn sân” sang BĐS tại Thủ đô.
Nghi Điền - Thủy Tiên