Nhà có người cách ly: Cần lắm sự đồng cảm, sẻ chia chân thành

Nhà có người cách ly: Cần lắm sự đồng cảm, sẻ chia chân thành

Lê Công Thành

Lê Công Thành

Chủ nhật, 22/08/2021 07:00

Trong đại dịch, với những người bị cách ly tại nhà, họ và gia đình rất cần sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia từ chính quyền và những người xung quanh.

Nhà tôi có đứa cháu từ Tây Nguyên ra Huế theo học nhiều năm nay, sau đợt về quê nghỉ hè vừa rồi, khi trở lại Cố đô để khai giảng năm học thì đúng ngay lúc đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Địa phương nơi cháu ở đang thực hiện giãn cách nên khi trở lại Huế thuộc diện phải cách ly y tế giám sát sức khỏe tại nhà.

Dân sinh - Nhà có người cách ly: Cần lắm sự đồng cảm, sẻ chia chân thành

Lực lượng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 phường Phú Thượng (TP.Huế) hướng dẫn biện pháp bảo đảm an toàn cho một gia đình có người cách ly y tế tại nhà.

Là một nhà báo, đã từng gặp nhiều trường hợp như thế này, nhưng dù đã chuẩn bị tâm lý trước khi đưa cháu về khai báo y tế tại trạm y tế nơi cư trú là phường Phú Thượng, TP.Huế, bản thân vẫn cảm thấy lo lắng, e ngại. Lo lắng vì chưa nắm hết các quy trình cụ thể cách ly tại nhà và e ngại vì không biết bà con hàng xóm sẽ nghĩ gì khi đang yên đang lành tự dưng có người về khu phố cách ly.

Đứa cháu có lẽ lần đầu tiên được trải nghiệm cái cảm giác được “quan tâm đặc biệt” này nên cũng không giấu nổi sự hồi hộp.

Hồi hộp để rồi lắp bắp dẫn đến kê khai nhầm địa chỉ thôn mình ở trong Tây Nguyên. Sự nhầm lẫn này đã không qua được mắt nhân viên trạm y tế nhanh nhạy và nhanh chóng bị đặt vào nghi vấn có dấu hiệu khai báo gian dối nơi xuất phát trước khi đến Huế để tránh cách ly tập trung.

Ngay lập tức, sự việc được ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Phú Thượng nắm bắt và cử ngay 2 cán bộ trong ban về trạm y tế xử lý. Thời điểm ấy đã hơn 12h trưa, càng khiến đứa cháu và bản thân thêm phần lo lắng.

Tuy nhiên, khi 2 cán bộ trong ban chỉ đạo phường Phú Thượng có mặt, sự lo lắng ấy lại mất dần đi bởi thái độ nhẹ nhàng và cảm giác an toàn với một phong cách làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc.

"Cháu cứ bình tĩnh, sự có mặt của 2 chú chỉ là để xác minh việc kê khai thông tin của cháu có đúng không nhằm đảm bảo kiểm soát tốt trong công tác phòng chống dịch. Việc này trên hết là vì sức khỏe của cháu, rồi đến sức khỏe của gia đình chú cháu và cuối cùng là sức khỏe của cộng đồng nơi cháu đang sinh sống và học tập", Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng Nguyễn Duy Sơn nhẹ nhàng giải thích.

Sau khi tiến hành các bước xác minh địa phương nơi cư trú trước khi xuất phát về Huế, cùng lời dặn dò các biện pháp cách ly tại nhà để đảm bảo an toàn của nhân viên trạm y tế, tôi đưa cháu về gia đình bố trí cách ly theo hướng dẫn.

Một tấm bảng thông báo về gia đình có người cách ly y tế được treo trước cửa nhà cùng đó là các quy định trong quá trình tiến hành cách ly được các cán bộ trong Ban phòng chống dịch bệnh Covid-19 phường nhiệt thành hướng dẫn.

Dân sinh - Nhà có người cách ly: Cần lắm sự đồng cảm, sẻ chia chân thành (Hình 2).

Lực lượng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thông báo với người dân về trường hợp gia đình có người cách ly để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng.

Thông tin nhà có người đang cách ly theo dõi y tế tại gia được lan truyền nhanh chóng trong khu phố tôi ở. Chỉ mất chưa hết một buổi chiều, hầu như toàn bộ khu 4, tổ dân phố Ngọc Anh đã nắm được thông tin trên địa bàn có người đang theo dõi cách ly tại nhà. Nhiều anh em, bạn bè sống cạnh đó nhắn tin hỏi thăm, dò la. Tuy nhiên, điều mà gia đình tôi lo lắng nhất vẫn là sợ cảm giác bị bà con hàng xóm, những người sống xung quanh dị nghị và xa cách.

Lo lắng này không phải không có cơ sở vì mới cách đó 1 ngày, tại địa bàn xã Thượng Long, huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) đã có trường hợp nam thanh niên sau khi từ khu cách ly tập trung về nhà theo dõi sức khoẻ đã dương tính với Covid-19 khiến cả xã phải giãn cách, hay trường hợp cô gái ở xã Lộc Thuỷ (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) cũng dương tính sau khi trở về cách ly tại nhà đã đi nhiều nơi dẫn đến chùm ca lây nhiễm trong cộng đồng… Vì vậy, việc bà con hàng xóm sẽ dè chừng, xa lánh là có thể xảy ra. Bởi thế, chiều tối hôm ấy, sau khi đón cháu về cách ly giám sát y tế tại nhà, tôi và vợ trên đường đi làm trở về nhà với một tâm trạng nặng trĩu, bồn chồn.

Thế nhưng, những lo lắng ấy dường như dư thừa, chúng tôi trở về nhà, vẫn được bà con hàng xóm ra đường quan tâm, hỏi thăm tình hình và trên hết là sự động viên, chia sẻ một cách chân thành. Lũ trẻ láng giềng vẫn hồn nhiên nô đùa cùng đứa con nhỏ. Con phố có khu sinh hoạt thể thao riêng, sợ tôi e ngại, mấy anh hàng xóm còn chủ động gọi ra tham gia trận cầu lông. Mấy chị vợ ngại bà xã suy nghĩ cũng rủ ra ngồi nói chuyện.

Tâm trạng lo lắng dần không còn, khiến bản thân gia đình an tâm, tập trung hơn việc thực hiện các quy định, đảm bảo an toàn cho người thân cũng như bà con hàng xóm xung quanh trong thời gian có người cách ly y tế tại nhà như: Hạn chế cho người được cách ly tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác…

Dân sinh - Nhà có người cách ly: Cần lắm sự đồng cảm, sẻ chia chân thành (Hình 3).

Để  người cách ly tại nhà đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, lực lượng cảnh sát khu vực, công an các phường xã trên địa bàn TP.Huế đã phối hợp với bộ phận y tế địa phương siết chặt công tác quản lý, giám sát cách ly. Đây là số trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung hoặc tiếp xúc với các trường hợp nguy cơ nhiễm Covid-19.

Có thể nói, nếu như không có sự hướng dẫn nhiệt thành của lực lượng cán bộ chống dịch của phường, sự động viên, chia sẻ của những người xung quanh như hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp… thì những gia đình có người cách ly y tế tại nhà như tôi rất dễ bị stress, suy sụp tinh thần. Sự suy sụp này có thể dẫn đến tổn thương, khủng hoảng tâm lý nếu những người xung quanh có hành vi dè bỉu, xa lánh đến kỳ thị. Và một khi những người này tổn thương, bị khủng hoảng thì thay vì tập trung đảm bảo việc phòng chống dịch, họ có thể sẽ che giấu các triệu chứng của dịch bệnh, không đi khám sức khỏe, “gồng mình” chống đối việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người xung quanh. 

Trong hoàn cảnh này, chỉ có sự đồng cảm, đoàn kết, sẻ chia chân thành mới có thể giúp nhau trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương, hướng đến chiến thắng đại dịch. Xin đừng chỉ một lời nói, ánh mắt, cử chỉ thái quá đến mức vô tâm mà vô tình biến mình thành một loại vi-rút mang tên “vô cảm”, loại vi-rút này một khi đã “dương tính” thì cũng khiến người ta đớn đau về mặt tinh thần giống như sự đau đớn về mặt thể xác khi nhiễm vi-rút SARS-Cov-2 vậy!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.