Nhà đài Việt Nam và cuộc chiến bản quyền "triệu đô"

Nhà đài Việt Nam và cuộc chiến bản quyền "triệu đô"

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Không chỉ MP&Silva, thông tin hậu trường những ngày qua đang râm ran chuyện một tập đoàn kinh tế lớn cũng cân nhắc khả năng tham gia đấu giá bản quyền Premier League.

Ngày hôm qua, Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh (Premier League) chính thức gửi văn bản mời thầu gói bản quyền trong 3 mùa giải (từ 2014 - 2016). Điều đáng nói, văn bản này không chỉ giới hạn trong các Đài truyền hình và theo nguồn tin không chính thức, cả MP&Silva (đơn vị giành được bản quyền 3 mùa từ 2011 - 2013) và một vài doanh nghiệp khác cũng sẽ "nhảy vào". Nguy cơ về một cuộc chiến bản quyền, trong đó các nhà đài Việt Nam phải chịu thiệt nếu không bắt tay vào cùng một "trận chiến" với nhau, như thế đã hiển hiện.

Công nghệ - Nhà đài Việt Nam và cuộc chiến bản quyền 'triệu đô'

Các Đài truyền hình Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị kéo vào cuộc đấu giá bản quyền đắt đỏ.

Nhà đài Việt Nam tự biến mình thành... "gà béo"

Lần đầu tiên phát sóng trên hệ thống truyền hình quảng bá của VTV cách đây 17 năm, bản quyền Premier League lúc đó vẫn còn là khái niệm rất xa vời, không chỉ với phần đông người hâm mộ Việt Nam mà với ngay cả chính các đài truyền hình trong nước. Giai đoạn đó, công ty Dunhil, một nhà tài trợ của Premier League, trong nỗ lực quảng bá giải đấu này đã miễn phí tiền bản quyền cho VTV và chỉ yêu cầu đổi lại bằng các shot quảng cáo trước, trong và sau trận đấu.

Nhưng khi giải Ngoại hạng Anh đã "ăn sâu bám rễ" và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng chục triệu người dân Việt Nam vào những ngày cuối tuần, thì mọi chuyện bắt đầu có sự thay đổi chóng mặt.

Các đối tác nắm bản quyền nước ngoài không miễn phí như Dunhil thuở ban đầu nữa. Họ đã yêu cầu VTV phải trả tiền và tròn 10 năm trước, những người có trí nhớ tốt hẳn chưa quên "một cuộc chiến" khác khi VTV phải cử đại diện đến đàm phán cùng ESPN Star Sports. Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, VTV phải chấp nhận sự thất thế khi trả 900.000 USD để mua sóng có chèn logo của ESPN Starsports.

Nhưng giá bản quyền Premier League chỉ thực sự bước vào giai đoạn tăng phi mã, khi Đài truyền hình VTC xuất hiện. Việc các đài truyền hình lớn nhất cả nước là VTV, VTC cạnh tranh gay gắt khán giả với nhau đã dẫn đến thương vụ trị giá gần 4 triệu USD cho bản quyền 3 mùa giải từ 2008 đến 2010 mà VTC đơn phương thực hiện với ESPN Stars Sports.

Thời điểm đó, dư luận đã nóng lên với những phát biểu ầm ĩ xung quanh cuộc chiến bản quyền giữa hai nhà đài này. Song đáng tiếc, không một ý kiến nào nói về chuyện chúng ta đã bị lãng phí ngoại tệ, phải trả đối tác nước ngoài khoản tiền mua một sản phẩm đắt hơn nhiều lần giá trị thực. Một chuyên gia kinh tế khi đó đã nhận định, chính sự thiếu đoàn kết, mạnh ai nấy đàm phán của các nhà đài Việt Nam dẫn đến tình trạng bị đối tác nước ngoài ép giá.

Công nghệ - Nhà đài Việt Nam và cuộc chiến bản quyền 'triệu đô' (Hình 2).

Trước một trận chiến lớn

Trao đổi qua điện thoại cùng PV Người đưa tin trong sáng qua, ông Vũ Quang Huy (PGĐ Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) cho biết: "Đến thời điểm này thì tôi chưa trực tiếp nhận được văn bản từ BTC Premier League. Nhưng tinh thần, thì tôi nghĩ là không chỉ VTC mà tất cả các Đài khác đều phải chuẩn bị sẵn sàng. Nếu không liên kết với nhau ngay từ lúc này để kìm hãm giá bản quyền đội lên phi mã, thì tất cả có thể vỡ trận".

Phát biểu đầy quan ngại này của ông Huy là có cơ sở, khi thông tin hậu trường những ngày qua đã râm ran chuyện một tập đoàn kinh tế lớn cũng đang quan tâm đến khả năng mua lại gói bản quyền từ cuộc đấu giá của BTC Premier League. Nếu thông tin này được chứng thực, cộng thêm sự tham gia sẵn có của MP&Silva (sau thương vụ lãi lớn cách đây hai năm) và chưa biết còn đối tác giấu mặt nào khác nữa, thì mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ phức tạp. Bởi với phương thức đấu giá, thì BTC Premier League sẽ chỉ căn cứ vào lượng tiền thu lại được từ đối tác, ai trả cao nhất người đó được.

Thế nên, giá bản quyền Premier League mua tại gốc có thể sẽ đội lên rất cao, hơn hẳn con số từ 11 đến 13 triệu USD mà MP&Silva từng chiến thắng ở giai đoạn trước. Mà khi giá mua tận gốc được dự báo cao đến thế, thì viễn cảnh có thể tưởng tượng là mức giá chào bán khủng khiếp khi đối tác giành được bản quyền phân phối lại cho các Đài truyền hình trong nước.

Nguy cơ hiển hiện ấy là lý do cuối tuần trước, ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty nghe nhìn Toàn cầu AVG) đã phải gửi công văn đến các Đài truyền hình VTV, VTC, Đài truyền hình TP.HCM, VCTV, Truyền hình Cáp Saigontourist và nhiều đơn vị liên quan khác, đề nghị cùng hợp tác để mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh từ năm 2013 đến 2016.

Chưa trả lời chính thức đề nghị này, nhưng theo ông Vũ Quang Huy: "Quan điểm của VTC lúc này là các Đài phải cùng hợp tác và chia sẻ. Chuyện BTC Premier League mời cả các đối tác không có chức năng phát sóng truyền hình vào tham gia thầu là chuyện của họ. Còn các Đài truyền hình Việt Nam sẽ phải cùng nhau ngăn chặn giá bản quyền tiếp tục đội lên".

Một cuộc chiến, như thế đã bắt đầu ngay từ hôm qua khi BTC Premier League chính thức gửi văn bản mời đấu giá. Kết quả cuối cùng sẽ chỉ có sau đây 45 ngày. Nhưng ngay từ lúc này, dư luận sẽ cùng chờ xem các Đài truyền hình trong nước phản ứng như thế nào. VTC, AVG đã lên tiếng bày tỏ quan điểm. Song liệu sẽ có một K+ hay chính VTC như những giai đoạn trước xuất hiện, hoặc các Đài thực sự liên kết với nhau để tạo ra một liên minh cùng hợp tác đàm phán? Câu hỏi ấy, hẳn sẽ còn làm câu chuyện thời sự này trở nên rất nóng.

Bài học xương máu

Khi BTC Premier League đấu giá gói bản quyền cho 3 mùa từ 2011 đến 2013, bài học xương máu về chuyện tự ý thương lượng của VTC 3 năm trước không những không được rút kinh nghiệm mà còn diễn tiến trầm trọng hơn. Lần này, đối tác nước ngoài đấu giá thành công bản quyền không phải là ESPN Stars Sports nữa mà là MP&Silva. Mọi chuyện trở nên đặc biệt rối rắm, khi MP&Silva mang gói độc quyền của mình về phân phối tại Việt Nam. K+, một thương hiệu truyền hình mới nổi khi đó đã âm thầm nhảy vào. Con số trên báo Tuổi trẻ cho biết K+ đã chi ra 9 triệu USD cho gói độc quyền ngày Chủ nhật, một con số không tưởng.

Với các trận đấu không độc quyền còn lại, MP&Silva tiếp tục xé lẻ và bán cho hàng loạt đài truyền hình như VTC, VCTV, HTV (Đài truyền hình Hà Nội)… và thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Những con số chưa được khẳng định thời điểm đó cho thấy MP&Silva đã đạt doanh số nằm trong khoảng 16 đến 19 triệu USD. Trong khi đó, K+, với việc đơn phương đội giá bản quyền bị chính các đài truyền hình (đặc biệt là VTC) công kích, bị người hâm mộ tẩy chay dữ dội suốt một thời gian dài.

Mạnh Cường


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.