“Mưa rào sau nắng hạn”
Ngay sau khi báo chí đăng tải thông tin từ 3/3 đất mua bán bằng giấy viết tay trước năm 2008 sẽ được cấp sổ đỏ theo Nghị định 01/2017, nhiều người dân tại huyện Bình Chánh, TP.HCM đã rất vui mừng. Anh Nguyễn Văn Dương (35 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A) chia sẻ: "Nghị định như “cơn mưa rào sau ngày dài nắng hạn”. Tôi đã đợi ngày này hơn 9 năm rồi”.
Ông Bùi Công Quốc (50 tuổi, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cho rằng, Nghị định trên đã “giải cứu” những căn nhà giấy tay. Ông cho biết, suốt 5 năm nay, ông tìm mọi cách để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng cho căn nhà ông mua bằng giấy tay mà vẫn chưa được. Nay, Nghị định 01 có hiệu lực, ông sẽ được giải thoát khỏi những muộn phiền, lo toan.
Anh Nguyễn Thanh Hải (30 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) thậm chí còn kỹ lưỡng chuẩn bị các giấy tờ cần thiết đợi sau ngày Nghị định có hiệu lực sẽ đến cơ quan chức năng làm thủ tục xin cấp sổ đỏ. Anh Hải cho biết, việc cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà đất bằng giấy tay thì nhà nước và người dân đều có lợi.
Đặc biệt hơn, thông tin trên cũng giúp nhiều gia đình phải xây nhà không phép bởi mua đất bằng giấy tay thoát khỏi “ác mộng” bị tháo, dỡ. Bà Lưu Tuyết Mai (49 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa B, huyện Bình Chánh) phấn khởi: “Khu này nhiều người mua nhà tạm, giấy tờ chủ quyền chỉ là tờ giấy tay có công chứng. Đặc biệt, ở Bình Chánh này nhiều nhà bị đập, tháo dỡ nhà không phép. Nhà tôi cũng xây không phép vì trước đây mua đất giấy tay. Mấy năm nay, tôi mất ăn mất ngủ, lo có ngày nhà mình bị tháo bỏ. Nay nghe tin nhà giấy tay được cấp sổ đỏ, gia đình tôi mừng như bắt được vàng”.
Vẫn còn những nỗi lo
Tại UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM), ngay ngày đầu Nghị định có hiệu lực, nhiều người dân đã đến đây gửi hồ sơ xin xét duyệt. Tuy nhiên, nhiều người buộc phải buồn bã ra về khi hồ sơ chưa đủ điều kiện hoặc có những vướng mắc về nhiều mặt.
Ông Võ Chung (50 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) cho biết: “Tôi là một trong những người gửi hồ sơ sớm nhất. Nhưng khi cán bộ địa chính kiểm tra, xem xong hồ sơ, họ trả về nói là hồ sơ không đủ điều kiện. Do tôi chưa nắm bắt tốt nội dung, thành ra hồ sơ giấy tờ căn nhà tôi không trùng với khung thời gian ghi trong nghị định”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Cư (48 tuổi, xã Vĩnh Lộc B) cũng bị trả hồ sơ. Anh cho biết, sau khi xem xét hồ sơ, cán bộ địa chính cho biết, hồ sơ, giấy tờ mua nhà của anh không “vững chắc” về tính pháp lý. “Họ nói trước khi bán cho tôi, chủ cũ căn nhà đã mua lại từ nhiều người khác. Để đủ điều kiện xét duyệt cấp sổ đỏ, tôi phải tìm những người chủ trước đó để họ ký xác nhận. Khổ nỗi, chủ cũ đã chuyển nhà đi, ông chủ đất tôi cũng chỉ biết được địa chỉ ghi trên giấy chứ chưa gặp bao giờ”, anh Cư thở dài.
Trao đổi với PV, ông Võ Trường Thành, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cho biết: “Sau ngày Nghị định có hiệu lực, cũng có nhiều bà con đến văn phòng địa chính hỏi về thủ tục xin cấp quyền sử dụng đất cho các trường hợp mua nhà đất bằng giấy tay. Tuy nhiên, ngoài việc hồ sơ của người dân mua nhà bằng giấy tay vấp phải trở ngại không trùng khung thời gian còn vướng việc nhà xây trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xây lấn chiếm… Để người dân hiểu rõ xem mình có nằm trong diện được xem xét, xét duyệt hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất hay không, xã sẽ yêu cầu cán bộ địa chính hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho người dân”.
Đáng nói hơn, chỉ khi đem hồ sơ giấy tay đi đăng ký xét duyệt cấp sổ đỏ, nhiều gia đình mới phát hiện nhà xây trên đất chưa chuyển đổi mục đích, xây lấn chiếm… Đối với các trường hợp này, người dân không chỉ phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà còn bị phạt tiền.
Khẳng định thông tin trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết: “Khi tiếp nhận hồ sơ, UBND xã, phường sẽ xác nhận lý lịch mảnh đất đó có được chuyển nhượng hoặc có tranh chấp với ai không. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra bản trích đo địa chính hoặc thực hiện việc trích lục, trích đo thửa đất; kiểm tra nghĩa vụ tài chính. Đối với những trường hợp nhà đất lấn chiếm muốn được cấp sổ đỏ, người dân phải đóng phạt và khắc phục hậu quả vi phạm rồi mới được làm. Những căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp phải thực hiện quyền, nghĩa vụ chuyển đổi mục đích sử dụng, đóng tiền đất và xem xét các vấn đề tranh chấp, có vướng quy hoạch hay không mới làm các bước thủ tục tiếp theo”.
“Sổ đỏ giấy tay” giống sổ đỏ của các trường hợp bình thường Ông Nguyễn Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cho biết: “Sổ đỏ của những trường hợp giấy tay giống mẫu sổ đỏ của các trường hợp bình thường. Với trường hợp tranh chấp giấy tay, xây dựng nhà không đúng mục đích sử dụng sẽ không được xét cấp quyền sử dụng dất. Văn phòng chỉ cấp sổ đỏ cho những bộ hồ sơ vướng một thủ tục là nhà mua giấy tờ tay”. |
Hà Nguyễn