Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Về hoạt động chào bán chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu) riêng lẻ của công ty đại chúng, dự thảo sửa đổi một số điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trong đó, một nội dung đáng chú ý là việc sửa đổi một số điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cụ thể, đối với nhà đầu tư tổ chức, bổ sung yêu cầu đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm.
Đối với cá nhân, bổ sung quy định phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất, có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng mỗi năm trong 2 năm gần nhất.
Trước đó, theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 (Điều 11) và Nghị định 65, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.
Nhà đầu tư tổ chức bao gồm: Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan; công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch.
Nhà đầu tư cá nhân gồm: Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận; Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng (năm liền trước năm mua trái phiếu).
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất thay đổi hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên thành 3 năm, tương ứng với nhà đầu tư chiến lược.
Về điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, sửa đổi, bổ sung, quy định đối tượng tham gia đợt chào bán và chuyển nhượng trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ bao gồm nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức.
Đối tượng chào bán và chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng chỉ bao gồm nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức, đồng thời có điều khoản quy định chuyển tiếp liên quan đến nội dung sửa đổi này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 15 (chào bán chứng khoán ra công chúng).
Tại khoản 2, các đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động vốn thực hiện dự án của tổ chức phát hành không phải đạt tỉ lệ tối thiểu 70% số cổ phiếu được chào bán ngoại trừ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ sở hữu.
Tại khoản 3, bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ.