Đầu tư theo chủ trương của Nhà nước
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tháng 2/2005 Công ty Dược vật tư y tế Quảng Nam (được thành lập từ năm 1997) đã chuyển đổi thành doanh nghiệp cổ phần với 51% vốn nhà nước và 49% còn lại thuộc về các cổ đông là cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên sau quá trình cổ phần hóa, công ty tiếp tục làm ăn không hiệu quả, nên đến tháng 2/2013 nhà nước đã thoái toàn bộ phần vốn của mình cho nhà đầu tư chiến lược.
Thời điểm trước khi nhà nước thoái vốn, Công ty Dược vật tư y tế Quảng Nam tuy làm ăn trì trệ nhưng đã có công rất lớn trong việc bảo tồn, xây dựng Trạm nuôi trồng và phát triển dược liệu Quảng Nam (được gọi tắt là: Trạm dược liệu Trà Linh). Công ty đã đầu tư nhiều công sức tiền bạc để biến trạm dược liệu này thành một mũi nhọn không thể tách rời trong dự án chiến lược phát triển dài hạn của mình.
Thực tế cho thấy từ khi Trạm dược liệu Trà Linh được UBND tỉnh Quảng Nam cho sáp nhập vào Công ty Dược vật tư y tế Quảng Nam (theo quyết định số 46/2001/QĐ-UB ngày 13/9/2001), trạm đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ con số 124.125 cây nhận kiểm kê lúc đầu, đến năm 2012 công ty đã gieo ươm được 1.165.951 cây giống. Về diện tích trại Sâm đã phát triển từ 02ha năm 2001 lên gần 10ha hiện nay (tăng gấp 05 lần). Tuy nhiên, do năng lực kinh doanh và nguồn tài chính hạn chế, Công ty Dược vật tư y tế Quảng Nam đã không thể phát huy hết tiềm năng của Trạm dược liệu Trà Linh.
Công nhân công ty CP-TM Dược Sâm Ngọc Linh Quảng Nam đang chăm sóc Trại dược liệu Trà Linh
Nắm bắt được chủ trương của nhà nước khi thực hiện thoái vốn cho Nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh doanh và tài chính đủ mạnh nhằm góp phần giữ vững ổn định và củng cố phát triển Công ty, từ tháng 2/2013 công ty TNHH dược phẩm Khương Duy đã mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước (51%) tại công ty dược vật tư y tế Quảng Nam.
Tại thời điểm tiếp nhận, ban lãnh đạo mới của công ty đã gặp phải rất nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề từ quá trình làm ăn trì trệ thời gian trước để lại. Chỉ đơn cử như chuyện vốn, công nợ, trong khi công ty chỉ có vốn điều lệ 6,7 tỷ đồng thì số công nợ thuộc diện khó có khả năng thu hồi đã lên đến gần 10 tỷ đồng.
Nhìn thẳng vào những khó khăn đang tồn tại, ban lãnh đạo mới của công ty đã từng bước đề ra các kế hoạch để xốc lại tình hình, từ đó phát triển công ty, ổn định đời sống cho cán bộ công nhân viên, ban lãnh đạo mới đã quyết định đổi tên Công ty CP vật tư y tế Quảng Nam thành Công ty CP-TM Dược Sâm Ngọc Linh Quảng Nam. Việc đổi tên này nhằm cụ thể hóa mục tiêu đầu tư thực hiện dự án bảo tồn, phát triển cây sâm trên địa bàn Huyện Nam Trà My theo chủ trương của công văn số 2079/UBND-KHTH ngày 15/7/2007 của UBND tỉnh, đồng thời cũng là để xây dựng bổ sung dự án đầu tư nuôi trồng phát triển thương hiệu, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa từ nguyên liệu Sâm Ngọc Linh và cây thuốc quý.
Khó hiểu
Trong quá trình từng bước vượt qua khó khăn, công ty cũng luôn ý thức việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thuốc cho toàn tỉnh, góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 290 con người (trong đó có một bộ phận là dân tộc ít người) góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thế nhưng một diễn biến bất ngờ đã xảy ra. Ngày 29/10/2013, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định số 3337/QĐ-UBND về việc: giao cho “Trung tâm phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam” quản lý Trạm dược liệu Trà Linh (Trung tâm này vừa mới được “thành lập một cách vội vã” vào tháng 10/2013).
Quyết định trên đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP-TM Dược Sâm Ngọc Linh Quảng Nam gần như đảo lộn, bởi hầu như toàn bộ các dự án để hồi phục, phát triển trong thời gian tới của công ty đều gắn liền với Trạm dược liệu Trà Linh. Việc UBND tỉnh ra quyết định thu hồi Trạm dược liệu khiến sự đầu tư, cố gắng của công ty trong thời gian qua bị vỡ vụn hoàn toàn.
Trao đổi với PV, nhiều cán bộ công nhân viên (đồng thời là cổ đông) của Công ty CP-TM Dược Sâm Ngọc Linh Quảng Nam không giấu được sự lo lắng và bức xúc, những cán bộ này cho biết: ai cũng thừa hiểu, khi bước chân vào đầu tư, làm nghĩa vụ thay nhà nước, chúng tôi cũng phải “gánh” luôn vô vàn khó khăn cũng như các khoản nợ do cơ chế quản lý trước đây để lại. Lẽ ra chúng tôi phải được sự quan tâm, khuyến khích, giúp đỡ của tỉnh nhà. Thế nhưng, chỉ với một quyết định không theo trình tự và không đúng luật của UBND tỉnh đã khiến mọi lối đi để thoát khỏi khó khăn của công ty đã bị bịt kín. Kể cả khi chưa xét đến những điểm trái với quy định của pháp luật, đi ngược lại chủ trương chính sách của Đảng và chính phủ thì quyết định thu hồi trạm dược liệu cũng đã tạo ra một tiền lệ xấu, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư khi muốn đầu tư tại tỉnh Quảng Nam.
Nhóm PV