Tuy nhiên, đối nghịch với cảnh "tháo chạy" của các chủ đầu tư trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài lại ồ ạt "đổ bộ" vào thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam. Họ sẵn sàng vung tiền mua lại các dự án BĐS "khủng" dang dở để đầu tư. Đây được coi là một hành động khó hiểu trong thời điểm BĐS đang "chìm" dưới đáy.
Có lợi thì “ôm”, không có lợi thì “nhả”
Về vấn đề này, phát biểu trên tờ báo điện tử Vnexpress, ông Trần Oanh, tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường Hà Nội cho biết, KĐT Quốc Oai được Tập đoàn nhận làm chủ đầu tư nhưng sau khi xem xét thấy rằng KĐT này thuộc quy hoạch vành đai xanh của Thủ đô trong tương lai nên không phù hợp để phát triển đô thị. Hơn nữa, việc giao lại dự án KĐT Quốc Oai không ảnh hưởng đến tài chính nhà đầu tư bởi kinh phí chuẩn bị đầu tư thành phố sẽ xem xét để thanh toán. Trước đó, ông Trần Oanh cũng khẳng định, việc trả lại dự án KĐT Thạch Thất cho TP.Hà Nội do dự án không còn phù hợp với quy hoạch mới của Thủ đô.
Khu đô thị Quốc Oai vừa bị tập đoàn Nam Cường trả lại cho TP. Hà Nội.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: Việc các chủ đầu tư trả lại dự án đang làm dở không phải là chuyện hiếm gặp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Thứ nhất, có thể họ không còn vốn để tiếp tục đầu tư. Thứ hai, nhà đầu tư không nhìn thấy những cái lợi khi công trình hoàn thành. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, trong việc này, tôi thấy chủ đầu tư có cái nhìn chưa tốt. Họ phải tiên đoán được trước những khó khăn và sự hạn chế của dự án mà có quyết định đầu tư hay không. "Vẫn biết Tập đoàn Nam Cường bất đắc dĩ mới phải trả lại dự án, nhưng các cơ quan chức năng cần phải phạt nhà đầu tư vì đã ôm đất của người dân nhiều năm. Đến thời điểm này, tôi cũng chưa biết Hà Nội sẽ trả lại bao nhiêu tiền cho Tập đoàn Nam Cường và số tiền ấy lấy từ đâu. Hơn nữa, khi nhà đầu tư trả lại dự án thì số đất ấy sẽ dùng cho việc gì? Chắc chắn khi Nam Cường "bỏ chạy" sẽ không có nhà đầu tư nào dám "bén mảng" đến dự án này nữa. Nếu làm khu công nghiệp cũng không được. Vì cạnh đó là khu công nghiệp Thạch Thất -Quốc Oai vẫn đang thừa rất nhiều chỗ", ông Liêm nhận định.
Lý giải về việc nhà đầu tư "bỏ rơi" dự án, vị phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, trước đây khi chưa sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, KĐT Quốc Oai và Thạch Thất là hai trong bốn dự án đô thị của Tập đoàn Nam Cường dọc trục kinh tế - xã hội Bắc - Nam. Năm 2008, Tập đoàn đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao làm chủ đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) tuyến đường trục kinh tế xã hội Bắc - Nam dài 63km, mặt cắt ngang 42m, với kinh phí dự toán gần 7.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2008, khi sáp nhập, hàng loạt dự án nằm trên địa bàn Hà Tây (cũ) phải dừng triển khai để xem xét có phù hợp với quy hoạch tổng thể về xây dựng Hà Nội sau khi mở rộng hay không. Sau này, theo quy hoạch chung của Thủ đô, không còn tuyến đường trục Bắc - Nam nữa. Nhìn ra điều này, Tập đoàn Nam Cường biết dự án trên sẽ không có lợi nhiều như họ dự tính nên quyết định trả lại dự án.
"Trong việc Hà Nội trả tiền đầu tư cho Tập đoàn Nam Cường, tôi cho rằng cần phải minh bạch tất cả mọi khoản. Đầu tiên, phải có cơ quan giám sát nhà đầu tư đã đổ vào đó bao nhiêu tiền. Sau đó, khi Hà Nội trả tiền cũng cần phải thông tin cho báo chí và người dân biết số tiền đó là bao nhiêu, lấy tiền ở đâu ra để trả", ông Liêm thẳng thắn.
Ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào “săn” những dự án “khủng”.
Đằng sau việc DN nước ngoài "săn" dự án bỏ dở
Trong khi các nhà đầu tư trong nước đang tiến hành những cuộc "tháo chạy" khỏi thị trường BĐS thì mới đây, báo chí trong nước rầm rộ đưa tin về việc công ty Malaysia đã nắm trọn KĐT Park City Hanoi 77ha. Như vậy, với việc mua lại 40% từ Vinaconex Hoàng Thành, Công ty Perdana ParkCity (thuộc Tập đoàn Samling, tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia) đã "nắm trọn" KĐT Park City Hanoi. Sau đó, lại rộ lên thông tin một dự án khá nổi tiếng khác tại Hà Nội đang rục rịch chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án là KĐT Splendora tại Hoài Đức có quy mô 264,3ha, do Vinaconex và Posco E&C (Hàn Quốc) liên doanh đầu tư...
Được biết, hiện tại, rất nhiều doanh nhân đến từ các nước Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc... đang rất muốn làm chủ các dự án BĐS Việt Nam. Bên cạnh đó, không ít các công ty từ Trung Đông và Nga cũng muốn góp vốn vào thị trường BĐS ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Điều này khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Bởi trước đó, những "ông lớn" của Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Quốc Cường Gia Lai quyết định "thu gọn" vốn từ thị trường BĐS...
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: "Đúng là thời gian gần đây, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào "săn" những dự án "khủng" đang xây dựng dở dang ở Việt Nam. Việc BĐS trong nước thời gian qua đang "đóng băng", khốn đốn đủ bề mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài thi nhau mua là điều khiến nhiều người cảm thấy rất bất ngờ. Theo tôi, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án trong nước cũng là một tín hiệu tốt, tuy nhiên, trong vấn đề này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Thứ nhất, các nhà thầu Việt Nam sẽ làm gì khi tất cả các dự án lớn là của nước ngoài. Thứ hai, thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tranh chấp quyền lợi giữa chủ đầu tư nước ngoài và người mua nhà Việt Nam. Những sự việc này kéo dài dai dẳng khiến nhiều người cảm thấy bức xúc. Thứ ba, báo chí cũng đưa tin về rất nhiều các vụ nhà đầu tư BĐS nước ngoài ôm tiền của người dân bỏ trốn. Họ lấy uy tín của công ty nước ngoài, huy động vốn trong dân hoặc bán nhà trên giấy tờ sau đó "cao chạy xa bay". Lúc đó, cả người dân và các cơ quan chức năng có phát hiện ra cũng đã quá muộn.
Đây cũng là nguy cơ lớn khi chúng ta để các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam". Cũng theo ông Đực, việc nhiều người cho rằng các chủ đầu tư nước ngoài ồ ạt mua dự án để sau này cấu kết làm "loạn" thị trường, nâng giá bán là không đúng. Bởi vì, giá cả BĐS là do thị trường và người mua quyết định.
Tiềm ẩn những nguy cơ
Cùng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm nhận xét, việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào thị trường BĐS Việt Nam đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quản lý tốt mới tránh được các nguy cơ tiềm tàng. Chắc chắn sẽ có những hậu quả không tốt xảy ra nếu chúng ta không theo sát những dự án này. Để tránh những rủi ro, cần phải quy định những dự án do người nước ngoài đầu tư phải thành KĐT. Bởi vì, đã có những dự án sau khi hoàn thành, nhà đầu tư nước ngoài quây kín thành một khu riêng biệt. Đến khi nhiều người vào đó ở, họ làm gì người ngoài khó có thể phát hiện và kiểm soát được.
Bên cạnh đó, những dự án ở cạnh nơi trọng yếu của thành phố thì không cho chủ chủ đầu tư là người nước ngoài mua lại. Trên thế giới, những dự án gần biên giới, cạnh căn cứ quân sự... không bao giờ bán lại cho người nước ngoài làm chủ đầu tư. Vẫn biết nước ta đã gia nhập WTO, nhưng chúng ta phải đưa ra những rào cản để quản lý được các nhà đầu tư nước ngoài.
Văn Chương