"Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn..."
Giới thiệu với chúng tôi, ông không giấu nổi xúc động khi nói về lớp đất mà ông cất công tìm về từ Quảng Trị - nơi chiến trường khói lửa năm xưa - để tận tay lấy được. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm cuối Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông quyết định cùng với các bạn cùng trang lứa xung phong lên đường cầm súng đi chiến đấu.
Ông được phân về Quân chủng Phòng không - Không quân đóng tại chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Trị. Thời ấy, đơn vị của ông hầu hết là sinh viên các trường đại học nhưng cho đến nay những người quay trở về chỉ lác đác.
Đến năm 2002, trong một lần quay trở lại nơi chiến trường năm xưa, ông đã tìm đến địa đạo Vĩnh Mốc (Vĩnh Linh), nơi rất nhiều đồng đội ông đã từng ngã xuống, rồi mãi mãi không quay trở về. Còn nhớ, giây phút cầm nắm đất trên tay, ông trân trọng gìn giữ chúng ở trong lọ và nâng niu nó trên suốt chặng đường về tới Hà Nội. Ông tâm sự: "Đây không chỉ là những nắm đất bình thường mà còn là xương máu của đồng đội đã ngã xuống".
Ông muốn tự tay mình đem đất về và gìn giữ để phần nào làm cho linh hồn những người đồng đội bớt cô quạnh. "Tôi cảm thấy dường như vẫn tồn tại một sự sống dưới lòng đất vậy" - ông Thành tâm sự.
Bộ sưu tập đất và cát độc đáo của nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành
Ông cho biết, công đoạn xử lý cát trước khi lưu giữ cũng tương tự như đối với đất. Khi cát nguyên thô đem về sẽ được đãi qua nhiều lần, tựa như người ta đãi gạo, nhằm loại bỏ những mảnh sò, ốc, lá cây ở biển lẫn vào. Đặc biệt, thứ cát ở Mũi Né là nơi xuất hiện hai loại cát có màu sắc khá đặc biệt. Những ai đã từng đặt chân đến khu du lịch này cũng đều biết đến thứ cát có màu hồng đỏ, nhưng muốn có được loại cát có màu hồng sáng nhìn lấp lánh hơn phải đi xa cách khu nghỉ dưỡng gần 30 km.
Nhà điêu khắc cũng gặp phải không ít tình huống gian nan hoặc dở khóc dở cười. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ cảm giác đánh đu trên đỉnh núi Sóc (Sóc Sơn - Hà Nội) để lấy cho được nắm đất nơi đây vào một buổi trưa hè nắng gắt. Cảm giác choáng váng khi lần đầu đứng trên độ cao ngất ngưởng mà không dám nhìn xuống dưới nhường cho niềm hân hoan của một người vừa chinh phục được đỉnh cao.
"Cầm được nắm đất trong tay tựa như một chiến lợi phẩm, cảm giác háo hức như thời trai trẻ vậy" - ông thật thà kể. Thậm chí, có lần cũng vì món đồ kỷ niệm có một không hai này được ông bao bọc kỹ quá khiến nhân viên hải quan ở Đà Nẵng giữ lại kiểm tra do nghi ngờ bọc đất là "vũ khí gây hại".
Không chỉ có trong tay những mẫu đất của hầu hết những miền quê dọc theo chiều dài đất nước mà tính chất công việc là những chuyến đi công tác, du lịch nước ngoài ông cũng không quên đem đất về từ Angkor Wat (Campuchia), thành Rome (Italia), Thẩm Quyến (Trung Quốc)... hay cát ở sông Ly Giang - Quế Lâm - Quảng Tây (Trung Quốc).
Mẫu cát mà ông say sưa giới thiệu cho chúng tôi thứ cát được ông mang về từ Hàn Quốc trong một lần tham gia sáng tác điêu khắc tại nước bạn vào năm 2004. Để có được mẫu cát này, ông đã được ông Chủ tịch hội điêu khắc Hàn Quốc đích thân dẫn lên ngôi mộ thờ một vị vua của đất nước này tọa lạc trên một đỉnh núi, được xây hoàn toàn bằng đá.
Trong một chuyến cùng đoàn cán bộ của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đi ký kết hợp tác với Học viện Mỹ thuật Trung Quốc. Không chỉ mang theo về một nắm đất trong khuôn viên của cung Từ Hy Thái Hậu mà ông còn lựa mang về một quả thông khô bất chợt rơi xuống. Với tâm hồn nhạy cảm của một người làm nghệ thuật, ông đã nhặt quả thông mang về và cất giữ nó trong một chiếc hộp nhựa.
Với ông, điều đó không mang ý nghĩa như những đồ lưu niệm được sản xuất và bày bán hàng loạt tại mỗi điểm tham quan du lịch mà đó là những kỷ niệm sống về địa danh ấy, thời khắc ấy... nơi ông từng lưu bước chân.
Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành
Độc đáo những lớp đất "lịch sử"
Gọi đó là những trang nhật ký vẽ lên lịch sử quả là không sai, bởi bản thân nó là những nắm đất có lẽ hàng ngàn năm tuổi lấy lên từ tận đáy hồ Gươm, hay các lớp đất của "Hoàng thành Thăng Long" với đủ các tầng: Tiền Đại La, Đại La, đời nhà Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, Pháp thuộc…
Mẫu đất ở Hồ Gươm ông xin được trong một lần đi dạo quanh hồ vào năm 2009, khi bắt gặp người ta đang tiến hành nạo vét lòng hồ. Đây không phải thứ đất được khai thác bằng phương pháp tát nước thông thường mà được một loại máy xúc công nghệ hiện đại của Úc sục sâu xuống lòng hồ để nạo vét. Trươc khi đưa lên bờ, đất đã được sấy và vắt khô.
Còn với lần đi xin đất? Hoàng Thành Thăng Long thì bất kỳ ai chứng kiến sự kỳ công đó của ông cũng lầm tưởng ông là một nhà khảo cổ và nghiên cứu địa chất thứ thiệt. Theo chân một người bạn làm khảo cổ, ông đã trực tiếp tham gia vào công cuộc đào đất ở đây. Cứ đào đến lớp đất nào, tương đương với mỗi triều đại, ông đều được thông báo trước rồi cẩn thận gói gém và đánh dấu thành từng bọc nhỏ.
Những mẫu đất ở Hồ Gươm hay trong Hoàng Thành gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc. Tính thiêng của đất cũng như hàng nghìn năm lịch sử của một Hà Nội linh thiêng và hào hoa đã trường tồn qua thời gian mà chưa một hoạt động khai thác nào của con người đụng đến. Đó mới chính là giá trị đích thực của đất mà ông luôn trân trọng và giữ gìn như một phần hồn thiêng của non sông đất nước.
Kỳ công cho bảo tàng đất và cát
Đến giờ, sau 12 năm, bộ sưu tập đất của ông đã tựa như một bảo tàng nho nhỏ, với hàng chục loại đất và cát, được cất giữ cẩn thận trong các hộp thủy tinh không màu. Những lớp đất, cát được rải chồng lên nhau như những triền sóng mềm mại, đa sắc. Người xem sẽ phải ngạc nhiên vì không ngờ, đất và cát xứ Việt lại đẹp và phong phú đến vậy... Mỗi lớp đất, cát ông đổ lên dày khoảng 5 - 7 cm, bên ngoài được ghi chép cẩn thận ngày tháng đưa chúng về. Có khoảng 7 - 10 lớp được đổ chồng lên nhau một cách tự nhiên, chứ không được ngăn cách bởi bất cứ một vật nào.
Vì thế, việc di chuyển chúng gần như được hạn chế nhất có thể. Bởi, mỗi lần di chuyển nếu không may bình bị vỡ thì sẽ khiến các lớp cát trộn lẫn vào nhau thì việc phân chia lại chúng theo thực trạng ban đầu không khác nào "đếm sao trên trời". "Điều đó khiến tôi liên tưởng tới những trang nhật ký bị nhòe ướt rất đáng tiếc"- ông Thành nói.
Ông Thành còn là người tự tay thiết kế mẫu bình thủy tinh nắp đậy hoàn toàn phẳng, không có núm để dễ bề cầm nắm lúc mở như những chiếc bình thông thường rồi đặt thợ làm đúng theo ý tưởng của mình.
Ông cho biết, dụng ý sâu xa là muốn biến chính những chiếc bình đất, cát đó làm bệ đỡ cho những tác phẩm điêu khắc của mình trong mỗi dịp triển lãm. Ông thường nói vui: "Nhiều người đến xem triển lãm lại say sưa ngắm các loại giá đỡ có một không hai của tôi mà quên mất nhân vật chính là những bức tượng điêu khắc đầy nghệ thuật phía bên trên".
Tuy thế, ông vẫn không lấy điều đó làm buồn, vì ông quan niệm: "Những trang nhật ký cuộc sống được vẽ lên bằng đất và cát cũng là một góc nhỏ nghệ thuật tôi muốn chia sẻ đến những ai yêu nghệ thuật vị nhân sinh".
Tuệ Linh