Chiều 13/4, bộ Tài chính công bố dự thảo luật Thuế tài sản đang được Bộ này trình Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, nội dung của đề án là đề xuất một số phương án đánh thuế đối với việc sở hữu nhà, đất, ô tô, phi thuyền...
Đối với nhà ở, bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Điều đó có nghĩa là nhà ở từ 700 triệu trở lên sẽ bị đánh thuế mức 0,4% và không bị đánh thuế đối với căn nhà thứ hai trở đi.
"Người có nhiều nhà sẽ cộng giá trị tất cả các nhà lại, đối chiếu theo ngưỡng chịu thuế", ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng vụ Chính sách Thuế, bộ Tài chính cho biết.
Với đề xuất này, Bộ dự kiến số thu thuế tài sản đối với nhà là 31.000 tỷ đồng - con số lớn nhất trong tất cả các phương án thuế suất đề ra (theo các ngưỡng chịu thuế 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng, thuế suất 0,3% hoặc 0,4%).
Bên cạnh đó, dự thảo của bộ Tài chính cũng đưa ra phương án đánh thuế tài sản đổi với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện có 3 nước đánh thuế tài sản đối với động sản gồm máy móc thiết bị, phương tiện, trong đó có ô tô, tàu bay, du thuyền là Hàn Quốc, Kazakhstan, Bolivia. Hiện 100% tàu bay, du thuyền đăng ký ở Việt Nam thuộc sở hữu của tổ chức. Không có chiếc nào đăng ký thuộc sở hữu tư nhân" - Đại diện bộ Tài chính chia sẻ.
Theo bộ Tài chính, cần thiết phải có luật Thuế tài sản là để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách tài chính đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Đồng thời thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, bao quát nguồn thu, tạo nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý Nhà nước đối với tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.