Nhà giáo Phạm Toàn - người viết sách giáo khoa Thực nghiệm qua đời

Nhà giáo Phạm Toàn - người viết sách giáo khoa Thực nghiệm qua đời

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 4, 26/06/2019 11:52

Nhà giáo, nhà văn, dịch giả nổi tiếng - ông Phạm Toàn vừa qua đời vào hồi 6h42 phút sáng nay (26/6), tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi..

Dịch giả Phạm Tuấn, người thân của cụ Phạm Toàn vừa cho biết, cụ qua đời vào hồi 6h42 phút sáng nay tại Hà Nội.

Nhà văn Trần Thị Tường cũng cho biết, con gái ông và là người học trò thân thiết của ông sáng nay cũng nhắn tin cho bà với nội dung: "Thầy vừa từ giã tất cả chúng ta".

Hiện chưa có thông tin chính thức về thời gian tổ chức lễ tang từ phía gia đình.

Giáo dục - Nhà giáo Phạm Toàn - người viết sách giáo khoa Thực nghiệm qua đời

Nhà giáo Phạm Toàn - người có nhiều cống hiến với sách giáo khoa Việt Nam

Nhà giáo Phạm Toàn sinh năm 1932, quê quán Đông Anh, Hà Nội, là một nhà giáo, nhà văn và dịch giả nổi tiếng.

Năm 1951, ông bắt đầu viết văn với bút danh Châu Diên. Về sau ông dịch tiểu thuyết, từng dịch các tác phẩm của Victor Hugo, Carlo Goldoni, Jean-Paul Sartre, A.de Saint-Exupéry, Đới Tư Kiệt… Nhưng sự nghiệp chính của ông là sư phạm.

Cách đây hơn 30 năm, ông bắt tay vào soạn sách giáo khoa (SGK) cho trường Tiểu học Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, chủ yếu ở hai môn Văn và Tiếng Việt.

Ông cũng được biết đến là vị thuyền trưởng, người sáng lập nhóm Cánh Buồm tập hợp những người làm việc hoàn toàn trên tinh thần tình nguyện để cùng nhau biên soạn một bộ SGK có khả năng phát triển năng lực tự học và tự giáo dục của người học. Không chỉ đặt mục tiêu biên soạn SGK, nhóm còn muốn tổ chức việc học thành quy trình gắn với phương châm “Làm mà học, làm thì học” (Learning by doing).

Từ năm 2010 đến nay, nhóm Cánh Buồm đã biên soạn các cuốn giáo khoa: Văn và Tiếng Việt cho bậc tiểu học và trung học cơ sở; Khoa học, Lối sống, và Tiếng Anh cho bậc tiểu học (riêng Tiếng Anh còn hai cuốn lớp 4 và lớp 5 đang làm).

Tổng cộng đã có khoảng 100.000 bản SGK Cánh Buồm, trong đó nhiều nhất là các cuốn Văn và Tiếng Việt bậc tiểu học, được xuất bản bằng các nguồn lực xã hội do nhóm quyên góp. Bộ SGK Cánh Buồm cùng phương pháp học “Learning by doing” hiện đang được sử dụng tại một số trường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Năm 2018, nhà giáo Phạm Toàn đã chuyển giao vai trò tổ chức hoạt động của nhóm Cánh Buồm cho Ban điều hành gồm năm bạn trẻ. Ông vẫn tiếp tục tham gia tư vấn, tập huấn giáo viên, và giảng dạy nhưng tất cả đều theo kế hoạch do Ban điều hành sắp xếp.

Ngoài ra, ông còn cùng với giáo sư Ngô Bảo Châu, và giáo sư toán học Vũ Hà Văn, mở một trang mạng giáo dục với tên là Học thế nào chính thức hoạt động vào ngày 1/5/2013 với kỳ vọng đóng góp vào việc tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí, ông từng có câu nói nổi tiếng: 

“Các nền giáo dục cũ nhào nặn trẻ em theo tấm gương người khác, giáo dục hiện đại không lôi cuốn trẻ em theo một mục tiêu thiển cận. Trẻ em được tự làm ra chính mình, được phát triển hết cỡ. Những cá nhân trọn vẹn đó sẽ biết cách sống hài hoà với xã hội, với cộng đồng”.

Sự nghiệp của nhà giáo Phạm Toàn

Truyện ngắn: "Mái nhà ấm" (NXB Văn học, 1959) "Con nhện vàng" (NXB Thanh niên, 1962), "Người Sông Mê" (NXB Hội Nhà Văn, 2003 – in 2 lần), tái bản 2005.

Sách giáo khoa: Phạm Toàn, Nghề dạy văn, 1991, Công nghệ dạy văn, 2000, Un bref apercu non-impartial sur l’education au Vietnam, Đại học Rennes 2 Pháp, 1967 và nhiều sách giáo khoa thực nghiệm hệ thống phương pháp mới.

Sách dịch: Châu Diên, Chín mươi ba (V. Hugo) Văn học, H. 1982, 1995, Bay đêm (St-Ex), Văn học, H. 1986, Nhà tiên tri, Con trai của người, Vẻ đẹp đời (Kh. Gibral), Văn học, H, 1992, Sư tử (J. Kessel), Văn học, H, 1987, Cô chủ quán (K. Goldoni), Văn học, H. 1983, Ruồi (J. P. Sartre), Văn học, 1985

(theo Thể thao và Văn hóa)

H.Y

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.