Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về sự việc chuỗi nhà hàng Món Huế tại TP.HCM bị hàng chục nhà cung cấp nguyên liệu tố cáo “trốn nợ” là luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, công ty Luật TNHH Chính Nghĩa Luật, đoàn Luật sư TP.HCM.
Thưa luật sư, ông có nhận định thế nào trước việc hàng chục nhà cung cấp làm đơn tố cáo nhà hàng Món Huế về dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Trước hết, đây là quan hệ giữa công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế (công ty TNHH Nhà Hàng Món Huế có các nhà hàng mở tại các địa điểm kinh doanh hoặc chi nhánh công ty) với các nhà cung cấp, người lao động… Quan hệ này là hợp đồng giữa pháp nhân với nhà cung cấp, người lao động.
Do đó, việc công ty đóng cửa hàng loạt cửa hàng, nợ tiền nhà cung cấp, nợ lương người lao động,… thì đây vẫn là quan hệ pháp luật dân sự.
Còn trong trường hợp các chủ nợ có các căn cứ để chứng minh được các cá nhân cụ thể nào liên quan vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tiền, tài sản bất hợp pháp thì các chủ nợ có thể tố cáo các đối tượng đó ra cơ quan công an để làm rõ.
Tôi nghĩ rằng việc nhận định có dấu hiệu hình sự hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu có trong vụ việc này như thế nào thì thuộc trách nhiệm của cơ quan công an có thẩm quyền.
Như vậy, giải pháp khả thi nhất để các nhà cung cấp đòi được tiền là gì, thưa ông?
Với thông tin hiện tại, pháp nhân sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế vẫn đang tồn tại và có thể vẫn còn có tài sản. Do đó, chủ nợ, nhà cung cấp, người lao động cần nhanh chóng khởi kiện, yêu cầu thanh toán nợ tại tòa án có thẩm quyền.
Trong quá trình khởi kiện, các đương sự (nhà cung cấp, người lao động, …) có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm cho khả năng thi hành án. Thậm chí người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty này khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày công ty phải trả lương, trả nợ đến hạn. Khi đó, quyền lợi của chủ nợ sẽ được giải quyết trên cơ sở pháp luật về phá sản.
Theo quy định về phá sản, việc thanh toán nợ cho từng đối tượng sẽ ra sao?
Nếu nguyên nhân các nhà hàng này đóng cửa bắt nguồn từ việc mất khả năng thanh toán do tình trạng kinh doanh sa sút thì các chủ nợ có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty bị nợ, đề nghị tuyên bố phá sản theo luật Phá sản 2014. Lúc đó, việc các chủ nợ đòi được tiền hay không, đòi được bao nhiêu... sẽ phụ thuộc vào số tài sản còn lại của công ty.
Theo luật Phá sản 2014, các tài sản còn lại của công ty bị phá sản sẽ phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Cảm ơn luật sư.
Ngăn chặn khả năng tẩu tán tài sản
Trước vụ việc công ty TNHH Nhà hàng Món Huế đóng cửa hàng loạt nhà hàng, không thanh toán tiền cho những cá nhân, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, cục Thuế TP.HCM đã chỉ đạo toàn bộ chi cục thuế trên địa bàn rà soát toàn diện nghĩa vụ thuế của công ty này.
Kết quả ban đầu cho thấy, trên địa bàn quận 1, các cửa hàng của công ty TNHH Nhà hàng Món Huế từng nợ 800 triệu đồng thuế Giá trị gia tăng (GTGT) trong quý II/2019. Chi cục Thuế quận 1 đã tiến hành cưỡng chế và thu hồi xong số nợ này.
Riêng quý III/2019, cũng trên địa bàn quận 1, công ty TNHH Nhà hàng Món Huế đang nợ thuế GTGT hàng trăm triệu đồng. Nhưng theo quy định khoản nợ thuế này chưa đến thời điểm cưỡng chế.
Riêng địa bàn quận 3, cơ quan thuế đang xem xét và sẽ nhanh chóng ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi nợ thuế công ty TNHH Nhà hàng Món Huế nhằm ngăn chặn công ty này có thể tẩu tán tài sản.