Theo VOV, tại kỳ họp bất thường khóa 9, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách thành phố. Quyết định này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội.
Theo nhạc sĩ Trần Mùi, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thì việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế ở TP.HCM là cần thiết nhằm nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố, cũng như đáp ứng nhu cầu giải trí của hàng triệu du khách các nước đến TP mỗi năm. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trần Mùi cũng cho rằng việc xây dựng nhà hát này phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhạc sĩ Trần Mùi nói: “Rõ ràng là TP.HCM vẫn chưa có một không gian biểu diễn nhạc giao hưởng đúng tầm bác học. Anh em văn nghệ sĩ cũng đề xuất lâu rồi. Việc xây dựng công trình này tôi thấy rất cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, ở khu vực Thủ Thiêm vẫn đang có những vấn đề tế nhị, có lẽ chúng ta nên lùi lại một thời gian”.
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, với vị thế của mình, TP.HCM cần một công trình văn hóa xứng tầm.
Ông Cương đồng ý với chủ trương của thành phố là xây dựng một công trình nghệ thuật tầm cỡ để nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân. Tuy nhiên, ông Cương cũng băn khoăn với quyết định đầu tư của thành phố trong điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo ông Cương, việc chi tới 1.500 tỷ đồng để xây nhà hát là chưa cần thiết và nên dành nguồn vốn để thực hiện các công trình chống ngập, chống kẹt xe.
Trả lời cho câu hỏi của báo Thanh Niên về lý do thông qua dự án xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm tại thời điểm Thanh tra Chính phủ có kết luận sai phạm khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết: “Kết luận của Thanh tra Chính phủ là thanh tra về phương pháp quy hoạch, đất đó nằm trong hay ngoài ranh, vấn đề đền bù thỏa đáng chưa… Những cái này TP.HCM vẫn đang giải quyết và không làm ảnh hưởng quá trình đầu tư ở Thủ Thiêm. Dự án nhà hát đã có trong quy hoạch của Thủ Thiêm trước đó và kinh phí thực hiện nhà hát này để dành từ lâu rồi. Số tiền này được lấy từ đấu giá ở địa chỉ 23 Lê Duẩn (Q.1). Khi đưa miếng đất này ra đấu giá, Ban Thường vụ Thành ủy những nhiệm kỳ trước đã chỉ định số tiền đấu giá sẽ chỉ xây dựng nhà hát giao hưởng chứ không được làm việc gì khác. Chứ không phải bây giờ TP.HCM lấy ngân sách ra để đầu tư nhà hát”.
“Người dân cũng điện đến hỏi tôi là làm nhà hát cho ai, cho người giàu hay người nghèo? Tôi trả lời với cô bác rằng giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức được. Nhà hát đó sẽ có tiền sảnh lớn phục vụ miễn phí nhiều chương trình nghệ thuật đại chúng để ai muốn coi thì tới coi. Nhưng nhà hát cũng sẽ có những chương trình hàn lâm dành cho những người có đủ trình độ hiểu, nghe về nghệ thuật mua vé vào xem. Những điều này trong dự án nói rất rõ”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết thêm.
Bàn luận về bão dư luận trái chiều xung quanh dự án xây dựng, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho hay: “Tôi nghĩ trước dư luận, mình phải giải thích rõ để họ hiểu chứ không thể chạy theo dư luận được. Tôi làm HĐND TP có trách nhiệm phải lắng nghe. Nhưng mình cứ như vậy rồi sẽ không bao giờ làm được bởi mỗi thời điểm sẽ có những trái chiều, phát sinh của nó. Thời điểm này hội đủ những điều kiện thì mình cứ làm thôi. Nếu đọc lại nghị quyết mấy kỳ đại hội Đảng bộ TP vừa qua thì kỳ nào cũng đánh giá đầu tư cho phát triển văn hóa của TP không tương xứng với tăng trưởng, phát triển kinh tế. Lúc nào đại hội cũng có câu đó. Hơn 40 năm rồi, ngoài Nhà hát Hòa Bình, TP không có thêm nhà hát nào nữa. Mà Nhà hát Hòa Bình thì không thể đưa Opera vào đó được. Muốn hội nhập thì mình phải tạo ra hạ tầng để nâng mức độ hưởng thụ, trình độ của người dân lên cao”.
Đào Vũ (Tổng hợp)