Chia sẻ với Người Đưa Tin, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, mới đây Nhà hát Cải lương Việt Nam đã miệt mài dựng vở Huyền thoại gò Rồng ấp, đây là tác phẩm sân khấu do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản, tác giả Hoàng Song Việt đã chuyển thể sang cải lương, vở diễn dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Vua Lý Công Uẩn, vị Hoàng đế khai quốc triều Lý, một trong những triều đại phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
NSND Triệu Trung Kiên cho hay: "Vở cải lương Huyền thoại gò Rồng ấp là câu chuyện phóng tác dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn – vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý. Trước đây, tôi đã dựng vở này ở phiên bản kịch nói, giờ lại chuyển sang vở cải lương. Mỗi một kịch bản đều có một sự thú vị riêng, kịch thể nghiệm của sân khấu Lệ Ngọc là 1 bản diễn trang trí lược giản tối tối đa.
Kịch bản cải lương mang lại cho tác phẩm nhiều màu sắc hơn, hướng đến một sân khấu đương đại. Cải lương khai thác nhiều hơn khía cạnh biểu diễn tâm lý, kịch đang từ hiện thực sang biểu hiện, còn cải lương lại từ biểu hiện sang tâm lý. Nhưng quá trình tâm lý phải gần với sự thật để câu chuyện dẫu huyền thoại phải rất gần gũi, để khán giả hiện tại cảm nhận, chứng kiến như 1 sự hiện hữu theo cách tự nhiên, nhất, gần với đời sống đương đại".
Nói về cái mới của vở diễn, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho hay, đây là câu chuyện thần thoại có yếu tố mới mẻ nên việc xử lý trang trí, âm nhạc cũng rất hiện đại, cách xây dựng hình tượng nhân vật, lý giải nhân vật, xây dựng tuyến nhân vật khá mới. Đó là sự phối hợp giữa phương pháp biểu hiện và thể nghiệm, kết hợp giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây.
"Trong vở diễn có 2 tuyến nhân vật, có nhiều câu thoại đặc trưng, đạo diễn sân khấu phải làm sao làm nổi bật các hình tượng nhân vật, vừa mang tinh dân gian, vừa có cả hiện đại trong đó. Vở diễn này cũng có sự giao thoa với các nhân vật ở sân khấu chèo. Những nhân vật như bà cố, vợ chồng địa chủ thấp thoáng dâu đó các nhân vật trong sân khấu chèo, vở diễn khai thác gốc gác của của một vị vua lớn nên sự kết hợp này là đương nhiên. Bởi cải lương có thể chuyển hoá, tiếp cận mạnh các môn nghệ thuật khác" - NSND Triệu Trung Kiên bộc bạch.
Theo đó, vở cải lương Huyền thoại gò Rồng ấp sẽ có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Quang Khải, Minh Nguyệt, Đức Hảo, Việt Anh, Xuân Thông, Thiên Kiều, Lệ Hằng, Ngọc Linh, Tuấn Thịnh, Minh Hải...
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đánh giá cao kịch bản cải lương Huyền thoại gò Rồng ấp, ông cho biết, mình đã xem cả kịch bản kịch nói và cải lương và thấy 2 vở diễn đều có sự sáng tạo, khác biệt. Ở vở cải lương này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi những sáng tạo của các nghệ sĩ, đạo diễn của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Nhận xét về vở diễn, NSƯT Lê Chức – thành viên hội đồng thẩm định cho hay: "Vở diễn về đức vua Lý Công Uẩn là một đề tài hay, đạo diễn sẽ làm thế nào để vừa kêu gọi lòng tự hào dân tộc, vừa hướng về lịch sử. Nếu học sinh đi xem vở này sẽ co 1 trữ liệu lịch sử. Hiểu về vua Lý Công Uẩn sẽ làm thế hệ trẻ yêu lịch sử hơn, nhờ đó mà sống tốt hơn".
NSƯT Quang Khải - người được giao đảm vai Thiền sư Vạn Hạnh chia sẻ: "Đây là một vở kịch hay, làm cho khán giả thêm hiểu, thêm yêu hơn về lịch sử truyền thống nước nhà. Khi vào vai này, tôi đã rất cố gắng để thể hiện cho nhân vật có diễn xuất tự nhiên. Hơn nữa, phải luôn giữ được phong thái đĩnh đạc, nhân từ của một thiền sư nhưng cũng toát ra trách nhiệm lớn của một người đã hiểu rõ chân mệnh của bào thai trong bụng thiếu phụ".
Theo NSND Triệu Trung Kiên, sau khi đưa vở cải lương này đi Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021, Nhà hát sẽ bắt đầu diễn phục vụ cho mùa lễ hội đầu năm 2023, đặc biệt sẽ lưu diễn ở tỉnh Bắc Ninh vì đây là vùng văn hoá là nguồn gốc triều Lý ở đó. Tuy nhiên, khi mang vở diễn đi lưu động, sân khấu sẽ phải tối giản, phù hợp với các không gian nhỏ hơn ở các tỉnh.