Qua quá trình nghiên cứu các khu quảng trường thời Maya, Takeshi Inomata, một nghiên cứu sinh tại trường Đại học Arizona nhận định, việc thiết kế quảng trường lớn là mối quan tâm đặc biệt trong kế hoạch phát triển thành phố của người Maya. Không gian của khu quảng trường phải chứa được một lượng lớn người dân của vương quốc. Tuy nhiên, không giống các khu quảng trường khác, Nhà hát cổ mới khai quật này chỉ có sức chứa tối đa 120 người và dường như các hoạt động của nhà hát không dành cho văn hóa nghệ thuật. Thay vào đó, người Maya sử dụng Nhà hát để hợp pháp hóa quyền lực và nô dịch hóa các nhóm dân tộc thiểu số ở địa phương.
Một góc Nhà hát cổ Maya 1.200 tuổi mới được khai quật.
Ông Luis Alberto Martos Lopez, giám đốc Dự án nghiên cứu về người Maya tiết lộ: "Đây là một nhà hát độc đáo, nằm phía Bắc thành Acropolis. Nhà hát có chiều dài khoảng 42m, nằm riêng biệt trên trục đường chạy qua các quảng trường. Khu vực sân khấu chính được đặt trong một khu liên hợp các cung điện và kiến trúc đặc biệt này làm nhà hát nổi bật hơn các nhà hát đã từng được nghiên cứu trước đây. Những nhà hát khác thường được đặt trong các quảng trường và được xây dựng để giải trí, còn nhà hát cổ này lại mang mục đích chính trị".
Chủ đề nô dịch hóa còn được thấy rõ qua các thiết kế xuyên suốt trong nhà hát. Theo ông Martos Lopez, vào khoảng năm 850 sau Công Nguyên, các vở kịch diễn ra tại Nhà hát cổ này chủ yếu để áp đặt tư tưởng bị trị lên các nhóm dân tộc thiểu số và nâng cao quyền lực thống trị ở Plan de Ayutla. Nghiên cứu sinh Inomata cho biết: "Vào dịp lễ lớn, các vị vua thường mặc trang phục cầu kỳ, lộng lẫy và nhảy múa trong khu quảng trường. Đây cũng là cách để các nhà lãnh đạo có cơ hội áp đặt tư tưởng và giá trị văn hóa của người Maya vào một bộ phận dân tộc thiểu số".
Các nhà khảo cổ còn phát hiện, nhà hát ban đầu có một thánh đường nằm ở phía Bắc sân khấu nhưng người ta đã dỡ bỏ và thay vào đó là một bục nhỏ dành cho người diễn thuyết. Điều này càng nhấn mạnh thêm cho giả thiết, Nhà hát chính là nơi để các nhà chính trị tổ chức các cuộc họp mang tính chất nhà nước.
Bên cạnh đó, những hình ảnh điêu khắc trên tường nhà hát còn thể hiện các hoạt động nghệ thuật của người Maya cổ, tiết lộ vai trò của văn hóa nghệ thuật trong nền chính trị thời Maya.
Trước khi phát hiện ra nhà hát cổ này, các nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều công trình khác của người Maya, mỗi công trình có một kiến trúc rất riêng, thể hiện rõ nét văn hóa đặc sắc của người Maya. Qua nghiên cứu của các nhà sử học, nền văn minh Maya đạt một trình độ cao không những về lĩnh vực xây dựng nhà nước mà còn phát triển rực rỡ cả lĩnh vực kiến trúc, toán học, thiên văn học và tính toán thời gian. |
Khánh Đăng (Theo Discovery/Sciencedaily)