Nhà hát Hoa Sen Hà Nội: Công trình có hợp tình, hợp cảnh?

Nhà hát Hoa Sen Hà Nội: Công trình có hợp tình, hợp cảnh?

Trịnh Thị Bảo Trang

Trịnh Thị Bảo Trang

Thứ 6, 04/08/2017 06:26

Dưới con mắt của một người đã quá quen với những trận lụt ở Hà Nội thì công trình nhà hát Hanoi Lotus lại vô cùng... hợp tình, hợp cảnh.

Những ngày gần đây, hàng loạt diễn đàn về kiến trúc lại được dịp tranh luận sôi nổi, những nhà kiến trúc sư lại được dịp khoe tài hùng biện khi bản thiết kế công trình nhà hát Hanoi Lotus (Hoa Sen) được ra mắt, giới thiệu. Và đương nhiên, giống như hàng loạt công trình trăm, ngàn tỷ khác, công trình này cũng vướng phải không ít ý kiến trái chiều.

Và có lẽ chúng ta không cần bàn tới những bất cập của thiết kế cũng như sự lãng phí liên quan đến vấn đề kinh tế, công năng bởi những vấn đề đó đã được dư luận “mổ xẻ” quá nhiều. Hầu hết những ý kiến của giới chuyên gia, những bình luận của độc giả đã đăng tải trên phương tiện truyền thông đều đề cập sự bất cập của công trình; bất cập từ bản thiết kế cho đến mục đích sử dụng.  

Đa chiều - Nhà hát Hoa Sen Hà Nội: Công trình có hợp tình, hợp cảnh?

Phối cảnh nhà hát Hanoi Lotus. (Ảnh: Dân trí)

 Tuy nhiên, dưới con mắt của một người đã quá quen với những trận lụt ở Hà Nội mỗi khi mưa về, tôi lại thấy được sự hợp tình, hợp cảnh của công trình nhà hát Hanoi Lotus.

Những năm gần đây, Hà Nội cứ mưa là lụt và sau mỗi trận lụt lại có hàng trăm giải pháp, hàng ngàn cao kiến được đưa ra để chống ngập cho những trận mưa tiếp theo. Tuy nhiên, “ngập vẫn hoàn lụt”, người dân vẫn phải “sống chung với lũ” hay nói theo “tiếng lóng” của các bạn trẻ bây giờ thì đúng là sau mỗi trận mưa, ai cũng trở thành “người trong ao hồ”.

Mỗi cơn mưa, Hà Nội ngập trong nước. Những ngôi nhà, công trình bồng bềnh trong nước có khác chi những hoa sen trong hồ. Vậy sao phải có một công trình hoa sen nữa?

Nhiều người lo lắng rằng nhà hát này khi xây dựng lên sẽ “đi theo vết xe đổ” của nhiều công trình trăm, ngàn tỷ khác như Tòa nhà hành chính tại Đà Nẵng – vừa đi vào hoạt động đã bộc lộ ra những yếu điểm trong khâu thiết kế để rồi trở thành “gánh nặng” khi mỗi tháng, thành phố Đà Nẵng phải chi hơn 1 tỷ để vận hành, bơm khí tươi, chống nóng cho tòa nhà. Hay như công trình nhạc nước hơn 200 tỷ ở Hải Phòng, vừa khai sinh đã phải khai tử khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Nhưng riêng đối với công trình nhà hát này, tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng nếu nó không thực hiện đúng với mục đích đã được vạch ra thì chắc chắn nó cũng sẽ không vô dụng. Bởi công trình đó là tổ hợp của khu văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí chứ không chỉ riêng nhà hát. Hoặc “bất đắc dĩ” lắm thì công trình đó có thể “học tập” cách làm của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cắt một phần không gian để cho thuê, làm nhà hàng hay trung tâm tiệc cưới.

Tuy nhiên, trong thâm tâm của tôi vẫn gợn một chút băn khoăn. Công trình nhà hát đó, hoành tráng thật, đẹp thật, tạo được hiệu ứng du lịch thật… nhưng tôi vẫn muốn thoát khỏi cảnh sống trong “đầm” hơn là được vừa ngắm “sen” lại vừa phải xắn quần tát nước mỗi mùa mưa đến. Và nếu số giường cho bệnh nhân cũng nhiều như số ghế cho khán giả xem hát thì tốt biết bao! 

Bảo Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.