Nhà hát Lớn Hà Nội, chuyện bây giờ mới kể

Nhà hát Lớn Hà Nội, chuyện bây giờ mới kể

Lê Thị Ánh Tuyết

Lê Thị Ánh Tuyết

Thứ 6, 22/12/2017 06:00

Theo KTS Hoàng Đạo Kính, mặc dù khánh thành sau Nhà hát Lớn ở Sài Gòn và Nhà hát Lớn ở Hải Phòng, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất được xếp vào danh sách 20 nhà hát đẹp nhất thế giới.

Tại sao công trình đồ sộ?

Năm 1899, Hội đồng thành phố nhóm họp dưới quyền chủ tọa của Richard, Công sứ Pháp tại Hà Nội đã  đề nghị lên toàn quyền Đông Dương Fourer cho xây một  nhà hát làm nơi biểu diễn: Opéra, nhạc thính phòng, kịch nói... phục vụ cho quan chức và người Pháp cùng giới  thượng lưu  người Việt.

Theo thiết kế nhà hát có  870 chỗ, ghế ngồi bọc da, một số bọc bằng nhung. Tầng giữa có nhiều khoang riêng  dành cho gia đình hay những vị khách đặc biệt. Phía sau nhà hát là một phòng quản trị, có 18 buồng cho diễn viên hóa trang, 2 phòng tập hát, 1 thư viện và phòng họp. Phía mặt trước trên tầng 2 là phòng gương  lộng lẫy. Kinh phí xây dựng Nhà hát được duyệt  là 2.000.000 Franc Pháp, đây là một khoản  tiền rất lớn vào thời đó. Không chỉ báo chí, nhiều  quan chức  trong Chính phủ Pháp đã đặt câu hỏi: Tại sao lại bỏ khoản tiền lớn như vậy để xây một nhà hát bề  thế trong khi  dân số ở  thành phố  thuộc địa này ít hơn rất nhiều so với Paris? Phải chăng có sự  cấu kết ngầm giữa quan chức có quyền duyệt chi với  các công ty thầu? Hay để   người An Nam quên đi  những  công trình văn hóa  nhỏ bé mang dấu ấn  Trung Hoa? Hay  cho tương lai của Hà Nội? Đó là  những tồn nghi cho đến hôm nay. 

Văn hoá - Nhà hát Lớn Hà Nội, chuyện bây giờ mới kể

Nhà hát Lớn Hà Nội.

Không phải là phiên bản của Opéra Garnier

Cho đến nay không ít người cho rằng Nhà hát Lớn Hà Nội giống Nhà hát Opéra Garnier (xây dựng nửa cuối thế kỷ 18) của Pháp. Thực tế không phải như vậy. GS.KTS Hoàng Đạo Kính, người chủ trì công cuộc trùng tu Nhà hát Lớn những năm 90 của thế kỷ trước chia sẻ: “Tôi từng nhiều lần đến thăm nhà hát đó ở Paris và thấy rằng Nhà hát Lớn Hà Nội không phải là phiên bản của Garnier. Opéra Garnier rất đồ sộ, nguy nga với 2.600 chỗ, trong khi Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ có 870 chỗ. Nếu giống có chăng là về chức năng, cấu trúc, không gian mặt bằng. Còn về kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội là sự phát triển đặc trưng của lối kiến trúc Pháp ở một nước thuộc địa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong đó có sự biểu hiện, tiếp nối của kiến trúc tân cổ điển, kiến trúc tân Baroque và những nhân tố bản địa hóa rất đặc biệt, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ tự thân”. Nếu đặt Nhà hát Lớn Hà Nội bên cạnh các nhà hát tiêu biểu trên thế giới thì nó rất độc lập, không giống nhà hát nào về mặt kiến trúc.

Tổng công trình sư là ai?

Tác giả đồ án thiết kế là hai kiến trúc sư Harlay và Broyer. Bản thiết kế này phải sửa đổi nhiều lần do nhận được sự góp ý của nhiều kiến trúc sư. Công trình được khởi công vào ngày 7/6/1901, dưới sự giám sát kỹ thuật của thanh tra đô thị, kiến trúc sư Harlay, một trong hai tác giả thiết kế. Người phụ trách thi công là hai ông: Travary và Savelon. Những người thiết kế công trình đã tìm tòi tham khảo kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhtơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuylơry và Nhà hát Opera Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt.

Công trình xây dựng Nhà hát Lớn  là  rất lớn, vì thế cuối thế kỷ 19 nó lại càng lớn hơn. Với một công trình xây dựng đồ sộ bao giờ cũng phải có một tổng công trình sư để bao quát mọi công việc từ cung cấp vật liệu đến tiến độ thi công, giám sát bản vẽ và kiểm tra chất lượng. Thế nhưng đến nay ai là tổng công trình sư vẫn là ẩn số. Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Chúng tôi đã tìm rất nhiều hồ sơ cả Việt Nam và Pháp nhưng đến nay vẫn chưa biết ai là tổng công trình sư của công trình này”.

Vì sao phải hạ thấp sàn diễn?

Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc công ty Lữ hành Tầm nhìn Viễn Á cho biết, Nhà hát Lớn Hà Nội được thiết kế để trình diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như: Opéra, nhạc thính phòng, kịch nói... nhưng thời đó chưa có các thiết bị hỗ trợ như amply, loa... như hiện nay và các ca sĩ phải hát cùng với các loại nhạc cụ. Khi công trình hoàn thành, các ca sĩ bắt đầu thử giọng thì cường độ âm thanh  không đủ cho khán giả  nghe rõ, vì vậy, người ta phải xin ý kiến kỹ sư trưởng công trình. Ông kỹ sư trưởng đã mời một chuyên gia âm thanh từ Pháp sang. Sau khi đo đạc, nghiên cứu kỹ lưỡng, chuyên gia này  đã quyết định cho hạ thấp sàn diễn xuống 50cm. Sau khi hạ thấp sàn diễn  thì giọng hát của các ca sĩ vang lên với âm thanh chuẩn như các nhà hát châu Âu khác.

21 năm mới có tấm màn nhung

Dự kiến nhà hát sẽ khai trương ngày 9/12/1911 bằng vở hài kịch Chuyến đi của ông Perrichon (Le voyage de M.Perrichon) do các nghệ sĩ nghiệp dư người Pháp sống và làm việc ở Bắc kỳ biểu diễn. Tuy nhiên gần đến ngày khai trương, sân khấu vẫn trống trơn, không màn kéo, không thiết bị phục vụ trang trí phông cảnh vì kinh phí cho dự án không còn.

Để khắc phục, một diễn viên trong nhóm kịch vốn là bác sĩ thú y ở Hà Nội đã nghĩ cách mua một tấm vải thô may lại đủ rộng rồi cho vẽ cảnh Hồ Gươm có hình tháp rùa làm màn. Vì thế, đêm khai trương diễn ra theo đúng dự kiến. 16 năm sau, năm 1927, tấm màn kéo bằng vải thô có hình tháp rùa được thay thế bằng vải sa tanh và đến năm 1932 tiếp tục thay bằng tấm màn nhung theo kiểu của sân khấu Ý.

Gợi ý của bà bán nước chè

Sau nhiều năm sử dụng lại không được trùng tu nên Nhà hát Lớn Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra chủ trương tu bổ và nâng cấp nhà hát, trước mắt phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ diễn ra vào năm 1997, và lâu dài đưa nhà hát trở thành một công trình biểu diễn nghệ thuật hàng đầu ở Việt Nam. GS.KTS Hoàng Đạo Kính được giao chủ trì công việc này.

Trong phương án tu bổ, phần mái của nhà hát phải được lợp bằng ngói chẻ (đá vùng Ardoise, Pháp). KTS Hồ Thiệu Trị, một Việt kiều ở Pháp, được Hoàng Đạo Kính mời tham gia trùng tu công trình đau đầu, nếu nhập ngói từ Pháp thì chi phí rất cao và thời gian chờ đợi gia công cũng rất lâu vì  loại vật liệu này từ lâu không được sản xuất ở Pháp. Một lần ngồi uống trà đá ở quán cóc gần Hồ Gươm, KTS Hồ Thiệu Trị nghe bà cụ bán nước chè nói chuyện, nhà của đồng bào dân tộc ở Lai Châu lợp loại ngói này. Bán tín bán nghi, ông cho người lên thăm dò thì đúng như bà cụ nói. Kết quả kiểm tra cho thấy, loại ngói của đồng bào dân tộc Lai Châu chất lượng rất tốt. Ngay lập tức một xưởng sản xuất ngói ra đời làm ra những viên ngói chẻ đúng như ngói lợp nhà hát ngày xưa. 

Nguyễn Ngọc Tiến

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.