Nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, từng ngồi trong hội đồng bảo vệ luận án hoặc phản biện luận án tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế kiến nghị báo Người đưa tin chuyển những thông tin này tới bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Các tài liệu mà chuyên gia gửi bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Văn bản xác nhận và đề nghị của tập thể giáo viên hướng dẫn NCS Hoàng Xuân Quế:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BẢN XÁC NHẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
Kính gửi: Bộ Giáo dục & Đào tạo
Chúng tôi là: 1. PGS.,TS. Lê Văn Hưng, nguyên Vụ trưởng, Kho bạc NN, Bộ TC.Hiện là Chủ nhiệm Khoa Tài chính, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội;
2. PGS.,TS. Nguyễn Hữu Tài, nguyên chủ nhiệm Khoa Ngân hàng - Tài chính, hiện là giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, xin kính trình Bộ một việc như sau:
Năm học 1998-1999, chúng tôi được Bộ GD&ĐT phân công hướng dẫn NCS Hoàng Xuân Quế thực hiện Luận án Tiến sỹ với đề tài: “Hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam “. Luận án đã được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước ngày 26/10/ 2003 do GS.,TS. Nguyễn Văn Nam làm chủ tịch. Luận án đã được hôi đồng đánh giá cao và kết quả bảo vệ xếp loại xuất sắc.
Vừa qua chúng tôi nhận được thông tin về việc Luận án TS của Anh Hoàng Xuân Quế có sao chép một phần luận án của TS. Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng đã bảo vệ tháng 1 năm 2003 .
Với tư cách tập thể hướng dẫn, chúng tôi xin có ý kiến như sau:
Trong quá trình hướng dẫn NCS Hoàng Xuân Quế, chúng tôi đã thực hiện đúng các quy định của Bộ GD&ĐT về nội dung khoa học của luận án và tiến độ thực hiện. NCS Hoàng Xuân Quế đã tiếp thu và sữa chữa nghiêm túc những vấn đề đã được tập thể hướng dẫn khoa học yêu cầu bổ sung và chỉnh sửa. Những tài liệu này, đặc biệt là bản thảo gần cuối có bút tích sửa chữa của Giáo viên hướng dẫn và bản thảo lần cuối cùng có ý kiến đồng ý của GVHD cho đóng quyển để bảo vệ của NCS vẫn còn được lưu giữ, vì vậy, thông tin cho rằng bản luận án chính thức của Anh Hoàng Xuân Quế được bảo vệ tại hội đồng đánh giá luận án cấp nhà nước có sự sao chép y nguyên một phần luận án của Mai Thanh Quế là không có cơ sở.
Một công trình khoa học, dù là của tập thể hay cá nhân, đều có tính kế thừa và bổ sung, sáng tạo. Việc NCS Hoàng Xuân Quế có tham khảo các công trình khoa học thuộc một lĩnh vực nghiên cứu cũng là điều bình thường.
Mặt khác, Luận án đã được thực hiện qua nhiều bước, từ sinh hoạt khoa học, bảo vệ 3 chuyên đề, bảo vệ cấp cơ sở, gửi xin ý kiến nhận xét của phản biện kín. Trước khi bảo vệ, bản tóm tắt luận án còn được gửi đi xin ý kiến nhận xét của hàng chục nhà khoa học và hàng chục cơ sở đào tạo và nghiên cứu thuộc lĩnh vực này. Thông tin về buổi bảo vệ được đăng báo Nhân dân trước ngày bảo vệ 2 tuần, sau khi bảo vệ còn có thêm 3 tháng để tiếp nhận các thông tin về luận án. Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước, bao gồm những nhà khoa học đầu ngành, đánh giá kết quả xuất sắc là điều không thể phủ nhận.
Luận án TS của Hoàng Xuân Quế là công sức không chỉ của NCS, mà còn là công sức của tập thể Giáo viên hướng dẫn, của các nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến, của Bộ môn, Hội đồng đánh giá chuyên đề, hội đồng đánh giá cấp cơ sở, Hội đồng đánh giá cấp nhà nước. và của cơ sở đào tạo. Hơn nữa, luận án tiến sỹ của Anh Hoàng Xuân Quế không làm ảnh hưởng hay phương hại đến một ai, dù là tập thể hay cá nhân. Nếu vì một lý do phi khoa học, làm rối loạn vấn đề này, theo chúng tôi là hoàn toàn không nên.
Vì những lý do nói trên, trước hết để bảo vệ uy tín của Hội đồng chấm Luận án cấp Nhà nước, do GS.,TS Nguyễn Văn Nam làm chủ tịch, thứ đến là bảo vệ danh dự và sự đóng góp của NCS Hoàng Xuân Quế (nay là PGS.TS) cho sự nghiệp đào tạo của Viện Ngân hàng Tài chính nói riêng và của Trường Đại học KTQD và của Ngành nói chung, chúng tôi kính đề nghị lãnh đạo Bộ GD&ĐT xem xét một cách khách quan và giải quyết vấn đề đúng đắn,thấu tình, đạt lý.
Chúng tôi xin trân trọng cám ơn !
Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2013
Người hướng dẫn KH 2 Người hướng dẫn KH 1
PGS.TS. Nguyễn Hữu Tài PGS.TS. Lê Văn Hưng
* Bản Nhận xét của GS.TS Cao Cự Bội, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên trưởng khoa Ngân hàng – Tài chính, Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội, một trong những Giáo sư đầu tiên của ngành ngân hàng – tài chính VN, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực này, là phản biện 1 của NCS Hoàng Xuân Quế (bảo vệ tháng 10/2003) đồng thời là chủ tịch Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước của NCS Mai Thanh Quế( bảo vệ tháng 1/2003):
“Sau khi đọc toàn văn luận án, đối chiếu với các tài liệu liên quan, tôi có nhận xét phản biện sau đây:
I.1 – Ý nghĩa của đề tài:
Nói đến kinh tế thị trường thì ai cũng biết chính sách tiền tệ là cực kỳ quan trọng trong hệ thống các chính sách vĩ mô. Ấy vậy mà để có được một chính sách tiền tệ khôn ngoan thì lại là vấn đề không phải đơn giản. Nội hàm của nó đòi hỏi là trí tuệ của những bộ óc ưu tú trong vạch và điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời với nó còn đòi hỏi công cụ nào? Có sắc bén hay không trong ứng phó với thời cuộc để đạt tới mục tiêu định giá trị tiền tệ. Tất cả những vấn đề đó luôn luôn được bàn cãi ở mỗi quốc gia trong giới học thuật và cả trong các nhà quản lý vĩ mô.
Riêng với Việt Nam, việc sử dụng và hoàn thiện các công cụ của chính sách tiền tệ lại càng bức xúc cả về thực tiễn và nhận thức lý thuyết. Vậy là đề tài tự nó đã mang tầm cỡ khoa học rất đáng ghi nhận ở bậc luận án tiến sỹ.
II.2 - Xét về tính trùng lặp của đề tài: Lâu nay không ít công trình nghiên cứu khoa học dưới dạng các đề tài cấp bộ, cấp nhà nước nghiên cứu vấn đề này. Tuy nhiên với tên đề tài luận án tiến sỹ thì đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp. Vả lại như trên đã nêu bản thân đề tài luận án vẫn còn tiếp tục đòi hỏi tranh luận ở nhiều nội dung ứng dụng và cả nội dung tiếp thu lý thuyết tiền tệ đến mức nào là cận chân lý. Vậy là về căn bản đề tài không thể hiện sự sao chép các công trình nghiên cứu khác đã có sẵn trong và ngoài nước.
III.3 Tên đề tài và nội dung thể hiện của luận án hoàn toàn thuộc lĩnh vực tài chính – tiền tệ - tín dụng và phù hợp với mã số chuyên ngành 5.02.09”
* Trong văn bản gửi bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 19/09/2013, TS Dương Thu Hương, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Ngân sách Quốc hội, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyên vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã viết:
“ Tháng 08/2003, tôi nhận được đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phản biện kín 01 luận án tiến sỹ với đề tài: “ Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt nam”. Sau này, khi anh Hoàng Xuân Quế( Đại học KTQD) đã bảo vệ cấp nhà nước một thời gian, tôi mới biết đó là luận án tiến sỹ của anh Hoàng Xuân Quế. Với tư cách phản biện kín, vả lại đây là lĩnh vực thuộc chuyên môn sâu của tôi( tôi nguyên là phó thống đốc NHNN VN, nguyên là vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ NHNN VN) nên tôi đã đọc rất kỹ bản luận án này và đã có nhận xét đánh giá tốt về chất lượng của luận án. Bản nhận xét của phản biện kín tôi đã gửi cho Bộ GD & ĐT, đề nghị Bộ xem lại bản nhận xét này. Tôi là giáo viên hướng dân 1 của NCS Mai Thanh Quế vừa bảo vệ trước đó mấy tháng. Sau đó lại được Bộ đề nghị là phản biện kín Luận án của NCS Hoàng Xuân Quế. Sau khi đọc kỹ bản luận án của Anh Hoàng Xuân Quế để phản biện, tôi không thấy có sự trùng lặp, sao chép giữa hai luận án vì đề tài của hai luận án đi hai hướng khác nhau của chính sách tiền tệ.
Do vậy có thông tin cho rằng, luận án tiến sỹ của anh Hoàng Xuân Quế trùng lặp nguyên văn một số phần luận án tiến sỹ của Mai Thanh Quế là không có cơ sở”.
> Loạt bài 'Những tranh cãi xung quanh luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế'
Nhóm phóng viên Ban Giáo dục (tổng hợp)