Xem người nghèo như người thân
Dù làm chủ nhà trọ, ông Đề, 82 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM chỉ dành cho mình một góc nhỏ, kê chiếc ghế xếp làm chỗ ngả lưng.
Suốt 45 năm qua, ông đã dành 2 căn nhà cấp 4 của mình thành tổ ấm của những gia đình nghèo, nơi thuê trọ của học sinh, sinh viên khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Điềm, 70 tuổi, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận xác nhận, ông Đề bắt đầu cưu mang, giúp đỡ người nghèo từ năm 1985. Năm đó, căn nhà của bà Nguyễn Thị Thanh nằm trước nhà ông Đề bị gió giật sập.
Không chịu nổi cảnh vợ chồng bà Thanh cùng 3 con đứng khóc bên đường, ông Đề đưa họ vào nhà mình cho ở miễn phí suốt 30 năm.
Không nghề nghiệp, đất sản xuất, dù được ở miễn phí, 3 đứa con của bà Thanh vẫn không thể đến trường.
Thương mấy đứa nhỏ có nguy cơ thất học, ông Đề một tay lo cho các con bà Thanh đến trường. Công việc khuyến học thầm lặng của ông Đề cũng bắt đầu từ đó.
Năm năm sau ngày cưu mang gia đình bà Thanh, ông Đề tiếp tục đưa vợ chồng ông Nguyễn Thuận hành nghề bán vé số và 5 con về nhà chăm sóc. Trước đó, vợ chồng ông Thuận ngủ ở gầm cầu thang chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM.
Những người này tiếp tục ở miễn phí trong nhà ông Đề suốt 22 năm. Năm người con của ông Thuận cũng được ông Đề hỗ trợ đến trường học chữ.
Cứ thế, ông chia căn nhà cấp 4 của mình thành từng phòng nhỏ cho người nghèo, học sinh, sinh viên khó khăn thuê trọ với giá rẻ.
Ông luôn xem người nghèo như người thân của mình nên luôn dốc lòng hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, căn nhà vẫn là chỗ trọ ấm áp tình người của những mảnh đời bất hạnh.
Người thuê trọ tại đây cho biết, ông Đề luôn lấy giá thuê trọ rẻ hơn bất kỳ nơi nào. Thậm chí, ông còn lập quỹ cứu trợ để có tiền hỗ trợ cho các trường hợp thuê trọ rơi vào cảnh khốn khó.
Sáng kiến ấy của ông đã giúp chị Châu có tiền về quê nuôi mẹ bệnh, lo lộ phí cho hộ ông An hồi hương, đóng học phí cho 2 sinh viên nghèo, hỗ trợ cho gia đình chị Nguyệt trong lúc chồng bị tai nạn lao động phải nằm một chỗ…
Quyết để lại nhà chục tỷ cho người nghèo thuê trọ
Ngày chúng tôi đến thăm, ông Đề đang dạy tiếng Anh cho em Hồ Thị Như Quỳnh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp trường đại học Công nghiệp 4.
Quỳnh cho biết, từ nhiều năm trước, ông Đề đã tạo điều kiện cho sinh viên thuê trọ học thêm kỹ năng mềm như vi tính, Anh văn.
Nhận thấy kỹ năng sử dụng vi tính, tiếng Anh rất cần thiết cho sinh viên đang thuê trọ, ông Đề tự bỏ tiền túi mua máy vi tính, tài liệu Anh văn để dạy các em.
Quỳnh nói: “Nhiều sinh viên khi ra trường đã quay lại nhà trọ cảm ơn ông Đề, vì ông đã trang bị cho các anh chị kỹ năng vi tính, tiếng Anh. Nhiều anh chị nhờ học tiếng Anh với ông Đề sau khi tốt nghiệp đã xin được công việc tốt tại công ty nước ngoài”.
Nhiều năm nay, căn nhà trọ của ông Đề cũng trở thành nhà khuyến học trong hẻm nhỏ. Bởi, đến mùa thi đại học, ông Đề lại tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ các thí sinh, tân sinh viên.
Ông cũng hăng hái tham gia các công tác khuyến học như tiếp sức mùa thi, nâng bước các sinh viên đến trường đại học…
Trong 45 năm gắn bó với sự nghiệp khuyến học, ông Đề nhận được nhiều khen từ cấp phường, quận, thành phố cho đến Trung ương.
Đến bây giờ, khi tuổi già sức yếu, ông vẫn lo lắng cho người nghèo. Bởi, ông nói, ông ra đi từ quê nghèo nên thấu hiểu nỗi khó khăn của bà con.
Thế nên, từ hơn 20 năm trước, ông đã có ý định sẽ làm di chúc, để lại 2 ngôi nhà trị giá hơn 11 tỷ đồng cho người nghèo, sinh viên thuê trọ.
Ông kể: “Năm 2009, tôi đã có ý định làm di chúc dùng ngôi nhà của gia đình cho người nghèo tá túc miễn phí. Thấy vậy, vợ tôi không đồng ý vì muốn tôi chăm lo cho con cái”.
Thế nhưng, ông quyết thực hiện ý định. Ông chấp nhận việc bị vợ giận để tìm cách thuyết phục bà từ ngày này sang tháng khác.
Cuối cùng, sau hơn 20 năm “năn nỉ” thuyết phục, cụ bà cũng đồng ý cho ông làm di chúc để lại 2 căn nhà cho người nghèo thuê trọ.
Vừa giới thiệu 2 bản di chúc đã được ông chỉnh sửa hoàn chỉnh, ông Đề vừa nói: “Trong di chúc, tôi ghi rõ rồi. Một căn nhà, tôi căn dặn con cháu dùng vào việc từ thiện, cho người già neo đơn và học sinh – sinh viên nghèo ở miễn phí. Một căn trích 40% thu nhập từ tiền cho thuê trọ giá rẻ để chăm lo cho công tác khuyến học”.
Bà Điềm cho biết, việc ông Đề lập di chúc để lại nhà cho người nghèo thuê trọ miễn phí người dân ở hẻm ai cũng biết. Không chỉ vậy, ông Đề còn giúp người dân sinh sống tại con hẻm 103 Trần Kế Xương thoát cảnh ngập lụt.
Người dân nơi đây cho biết, hẻm 103 Trần Kế Xương trước đây thấp trũng. Mỗi khi mưa lớn, nước dâng lên, ngập hẻm khiến bà con đi lại hết sức khó khăn.
Không để bà con chịu cảnh lụt lội, ông đứng ra vận động người dân đóng góp tiền, góp sức nâng cấp hẻm. Đến nay, dù hẻm nhỏ nhưng không còn tình trạng ngập nước, ô nhiễm rác thải.
Được nhận nhiều giấy khen, bằng khen
Đại diện hội Khuyến học quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, gia đình ông Hồ Đề làm công tác khuyến học từ những năm đầu miền Nam được giải phóng. Năm 2007, ông giúp học phí cho 20 sinh viên trong nhà trọ đi học vi tính, mua 5 bộ máy vi tính về nhà cho sinh viên thực hành.
Năm 2008, ông mua 10 đầu đĩa, nhiều tài liệu tham khảo, 20 cuốn sách đàm thoại Anh ngữ để hỗ trợ sinh viên thuê trọ học Anh văn. Năm 2015-2016, ông được 2 lần nhận khen thưởng về “Học tập theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chính Minh” và “Người thầm lặng mà cao cả” với nội dung chính là khuyến học.
Năm 2014-2016, ông được UBMTTQVN TP.HCM tặng 2 bằng khen, UBND TP.HCM tặng 3 bằng khen về tương trợ người nghèo. Ông cũng được Trung ương hội Khuyến học Việt Nam tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học.