Thừa hưởng niềm say mê truyện Kiều từ người ông, người cha trong gia đình, ngay từ khi còn học phổ thông, ông đã rất hào hứng trong những giờ giảng văn về Kiều. Truyện Kiều đối với ông như một định mệnh và niềm say mê ấy cứ theo ông đi suốt cuộc đời. Vì thế, cứ nhắc đến những khám phá thú vị về tác phẩm văn học kinh điển này người ta lại nhớ ngay đến tên ông.
Nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít và tài liệu về truyện Kiều sưu tầm trong nhiều năm
Khám phá độc đáo từ một chữ “thơm”
Lê Xuân Lít sinh năm 1936, quê ở Quảng Ngãi. Ông là cháu nội của Lê Khiết, một vị quan triều Nguyễn. Dòng họ Lê của ông vốn có truyền thống làm quan và có nhiều đóng góp cho triều đình nhà Nguyễn. Lê Xuân Lít vốn là một thầy giáo dạy văn ở quê nhà, nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã có những khám phá khá đặc biệt, sâu sắc về thơ văn, đặc biệt là truyện Kiều.
Ông kể lại một kỉ niệm: Khi còn ngồi ở ghế nhà trường, giáo sư Lê Trí Viễn, lúc này là giáo viên dạy ông môn văn đọc câu thơ: “Đề huề lưng túi gió trăng”, tả con người của Kim Trọng trong truyện Kiều. Giáo sư hỏi cả lớp “đề huề” là gì? Cả lớp nhốn nháo trả lời, người bảo đề huề là đường hoàng, người lại bảo là tướng tá đường bệ của Kim Trọng. Nhưng không ai có câu trả lời đúng với nghĩa của từ này. Lúc đó, giáo sư Lê Trí Viễn mới cắt nghĩa cho mọi người hiểu, “đề huề” có nghĩa là mang theo, ý nói Kim Trong luôn mang theo trên lưng một túi gió trăng. Và túi gió trăng dùng để chỉ người học sinh, là khách văn chương.
Chính từ tình huống trên, đã dấy lên trong lòng Lê Xuân Lít một suy nghĩ không thể hiểu truyện Kiều bằng kiến thức hiện thực mà cần phải có một sự tra cứu nghiêm túc và kiên nhẫn. Sau đó, Lê Xuân Lít thường xuyên lui tới thư viện để tìm những cuốn sách thảo luận về Kiều để tra cứu. Và một dự án nghiên cứu những tác phẩm văn chương bất hủ của nền văn học Việt Nam bắt đầu nhen nhóm trong lòng người trai trẻ.
Khi lên tới đại học, ông say mê nghiên cứu truyện Kiều cũng như nhiều tác phẩm văn học dân gian khác đến đỗi bạn bè đặt cho ông biệt danh “Lê nghiên cứu”. Càng hiểu truyện Kiều bao nhiêu ông lại càng thấy nhiều cái hay cái đẹp trong đó. Ông liên hệ truyện Kiều với cuộc đời và đất nước. Đất nước mình như cuộc đời của nàng Kiều lắm nỗi gian truân, gặp nhiều tai ương sóng gió nhưng rồi cũng được đoàn tụ, yên bình vì cái thiện, cái chính nghĩa lúc nào cũng thắng, có một kết quả viên mãn.
Càng nghiên cứu sâu về truyện Kiều ông càng nhận thấy truyện Kiều còn nhiều bí ẩn cần phải giải mã. Ông trầm ngâm kể lúc trước khi nhà ông còn ở Quy Nhơn, gọi là nhà nhưng thực chất là ngôi chùa Ấn Độ có trồng một cây nguyệt quế trước sân. Mỗi lần cây nở hoa, mùi hương thơm dịu nhẹ, khiến ông ngất ngây, say đắm. Điều đặc biệt là mỗi lần ông đi xa về, cây lại ra hoa nhiều hơn. Điều đó khiến ông nghĩ bản thân mình và cây có một sự đồng cảm sâu sắc. Vì thế, ông nuôi ý định viết một bài văn về cây nguyệt quế này.
Trong lúc cao hứng ngồi viết bài văn tả về mùi hương hoa nguyệt quế, đang miên man tìm những câu chữ hay nhất để dùng thì ông chợt nhớ tới câu ca dao: “Hoa thơm, thơm lạ, thơm lùng/ thơm gốc, thơm rễ, người trồng cũng thơm”. Sao lại cho câu ca dao hay đến như vậy? Chỉ hai câu thôi mà có đến 6 chữ “thơm”, nghe thôi cũng đã cảm nhận được mùi thơm rồi. Từ câu chuyện chữ “thơm”, ông lại muốn xem thử trong truyện Kiều có bao nhiêu chữ “thơm”. Một sự trùng hợp bất ngờ làm ông vô cùng thích thú là trong truyện Kiều cũng có 6 chữ “thơm”. Rồi ông bắt đầu tìm tòi để giải thích những chữ “thơm” trong truyện Kiều có ý nghĩa gì.
Sau một thời gian nghiên cứu, cuối cùng ông kết luận chữ “thơm” trong truyện Kiều, mùi thơm tìm đến với Kiều lúc gặp Kim Trọng đã được chuyển qua Thúy Vân khi Kiều nhờ em thay mình thực hiện lời hứa với người yêu. Và mùi thơm đó lại trở về với Kiều khi gặp lại Kim Trọng. Với sự phát hiện trên, Lê Xuân Lít đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu phải ngỡ ngàng, khâm phục.
Lê Xuân Lít cho biết phương pháp nghiên cứu của ông là lúc đọc Kiều phải để thêm cuốn Kim Vân Kiều truyện nguyên tác của Trung Quốc để so sánh, tìm hiểu Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân, giống nhau và khác nhau ở điểm nào. Vì sao Nguyễn Du lại lựa chọn tình huống, câu chữ đó để thay thế Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã sáng tạo ra những gì.
Những cuốn sách được xuất bản dưới tên tác giả Lê Xuân Lít
Và công trình 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều
Theo ông Lít, hiện nay các nhà nghiên cứu cũng như độc giả không còn mấy mặn mà với nhiều tác phẩm văn học cổ. Đó là sự mất mát rất lớn với một nền văn học nhiều truyền thống như của nước ta. Đối với ông, hiểu được truyện Kiều một cách thấu đáo có ý nghĩa rất đặc biệt với người yêu thơ nói chung và những giáo viên giảng dạy môn văn nói riêng. Người giáo viên hiểu được truyện Kiều thì mới dạy cho học sinh những hay cái đặc biệt của nó, mới chỉ ra được cái hay nào của Nguyễn Du, cái hay nào của Thanh Tâm Tài Nhân. Nếu giáo viên chỉ nói chung chung, học sinh sẽ rất dễ mất phương hướng cho rằng Nguyễn Du chỉ nói những điều mà Thanh Tâm Tài Nhân đã nói. Bản thân ông không chịu được những suy nghĩ và kết luận hời hợt. Ai cũng nói truyện Kiều có giá trị nhân đạo sâu sắc, bảo vệ con người, lên án chế độ phong kiến, điều này Lê Xuân Lít không phủ nhận nhưng ông không muốn dùng lại ở đó mà muốn khai thác thêm nhiều giá trị khác của tác phẩm.
Lê Xuân Lít được giới nghiên cứu về Kiều mệnh danh là “Người hiểu truyện Kiều số 1 Việt Nam”, tuy bản thân ông chưa một lần thừa nhận biệt hiệu này. Hiện, ông đang giữ chức Phó chủ tịch kiêm Thư kí của Hội Kiều học Việt Nam được thành lập năm 2011. Với sự kì công của mình, ông đã khiến nhiều nhà nghiên cứu Kiều khác phải giật mình, kính phục.
Năm 2004, sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, bản thảo cuốn sách “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” được ông viết tay dày 5.000 trang và nặng 12,5 kg đã hoàn thành. Cuốn sách này được ông mang trình UBND tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp kỉ niệm 240 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Du. Sau 5 năm nghiên cứu, mỗi ngày làm việc liên tục 8 đến 10 tiếng, có những hôm không ngủ vì đang theo dở một vấn đề hay, Lê Xuân Lít đã có một công trình nghiên cứu vĩ đại gây sửng sốt.
Ông Lê Xuân Lít hạnh phúc bên cháu nội
Lê Xuân Lít còn nổi tiếng là người đã xử lại 10 vụ án trong truyện Kiều. Ông đã lật lại những vấn đề còn đang gây tranh cãi của các nhà nghiên cứu khác. Điển hình như vụ: xử bọn sai nha, viên đạn bọc đường của Tú bà, màn kịch của Sở Khanh… Lê Xuân Lít cho rằng, trong quá trình sáng tác của nhà văn, nhà thơ thường có hai bộ phận tham gia đó là ý thức và vô ý thức. Bộ phận vô ý thức vô hình tạo nên cái hay của tác phẩm. Người đời sau nghiên cứu, tìm hiểu cùng với tư tưởng của tác giả, bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ mới hiểu được cái hay đó.
Tâm sự về những trăn trở của mình trong giai đoạn hiện nay, nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít cho biết, ông rất buồn vì bạn đọc không mấy quan tâm đến văn chương cổ, cho nên các nhà xuất bản cũng không mấy mặn mà với những cuốn sách hay công trình nghiên cứu văn học cổ. Bản thân người viết sách cũng không có tiền để in, chỉ biết trông chờ vào những mạnh thường quân có tâm huyết với nền văn học trung đại.
Giáo sư Cao Xuân Hạo, người nổi tiếng khó tính phải phê vào sau cuốn sách “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” như sau: “Là một giảng viên tiếng Việt đã suốt đời yêu mến truyện Kiều, một kiệt tác có một không hai của đất nước, tôi xin trân trọng giới thiệu công trình sưu tầm hết sức công phu mà ông Lê Xuân Lít đã phải dồn hết tâm lực trong nhiều năm mới nghiên cứu được…Tôi tin rằng độc giả sẽ tìm thấy trong tập sách này tất cả những kết quả tiêu biểu nhất mà giới nghiên cứu và phê bình văn học đã thu được trong thời gian 200 năm kể từ khi truyện Kiều ra đời”. |
Nguyên Việt