Nhà máy xay đầu làng và khắc khoải ấu thơ

Nhà máy xay đầu làng và khắc khoải ấu thơ

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Chủ nhật, 15/08/2021 10:03

Và tôi mơ màng nhận ra, trong những vòng trấu tung lên hình cầu vòng tan tác ấy, người mẹ nghèo khổ của tôi vẫn đứng đó, lay lắt cuộn người vì những cơn ho…

Nhà tôi khi xưa nằm trong diện nghèo nhất vùng, dân trong xứ hay gọi “nghèo rớt mùng tơi, đói rơi sống mũi”. Tôi cũng không biết cái sự cùng cực ấy nó có nguồn cơn từ đâu, chỉ nhớ rằng, khi ba anh em tôi còn nhỏ, cha mẹ đầu tắt mặt tối mà bầy con nheo nhóc vẫn đói đến “vặn cả sống lưng”.

Lúc cha mẹ chở nhau đi làm mướn kiếm tiền công, anh em ở nhà tự trông nhau. Đứa lớn trông đứa bé, và đứa bé canh chừng đứa nhỏ hơn. Khi em út biết chạy nhảy, chỗ chúng tôi chơi hàng ngày đã không còn là hàng hiên trước nhà hay gốc sầu đâu bên mái. Mẹ vẫn dặn không được đưa em đi quá nhà bà Sáu, sợ em té xuống kênh. Nhưng mà, tôi bạo gan tự mình dẫn em lân la lên khu xóm chợ, rồi mò mẫm ra tận nhà máy xay đầu làng. Và khi tới đây, chúng tôi vô tình khám phá ra cả một bầu trời mới lạ đến kỳ diệu.

Số là, nhà máy xay luôn chất đầy lúa gạo, từng tải từng tải xếp lớp vòng trong vòng ngoài, nhiều tới nỗi chúng tôi chưa từng bao giờ dám tưởng tượng trong đời. Vì với chúng tôi, gạo là thứ được đong bằng nắm. Chỉ ngày nào cha mẹ kiếm được việc làm, có tiền công thì cái nồi gang quý giá trong góc bếp tuềnh toàng mới có cơ hội được đơm đầy những hạt cơm trắng ngần, thơm phức. Có nhiều hôm cha mẹ về tay không, cả nhà lặng lẽ chia nhau những nắm khoai khô nấu vội, ăn kèm với mấy đọt lục bình chấm mắm kho khét cạn nơi đáy nồi. Từ anh tới em, nhai đến rệu cả quai hàm, ăn dằn đầy bụng mà vẫn chực chờ mơ màng một xới cơm thơm ấm dạ.

Nhà máy xay thì luôn nhộn nhịp, từng đoàn từng tốp người bận rộn vào ra. Những gã đàn ông phơi tấm lưng trần rám nắng, vắt vẻo một chiếc khăn ướt trên vai rồi hì hục bê vác đống bao tải nguyên ngày. Mấy bà, mấy thím thì làm công việc nhẹ hơn nhưng cũng luôn tay gom cám đóng vào bao, hay đổi lúa từ cối xay sang cối giã. Họ cười nói, đùa giỡn, trò chuyện như hét vào nhau trong tiếng máy ùng ục, ầm ĩ đinh tai.

Thế nhưng, kỳ diệu nhất với chúng tôi phải là cảnh vỏ trấu theo ống máy phụt thẳng ra ngoài. Trấu bay lên thành vòng, rồi rơi xuống, chất thành đống to ngộn. Nó là cả thế giới đầy sinh động, khác hẳn với trò chơi bán hàng xén, nấu cơm niêu bình lặng dưới khóm bình bát mỗi trưa.

Cuộc sống cứ thế trôi, khi khó nghèo chưa qua thì đớn đau đã vội ập đến. Mẹ bị tai nạn, sức khỏe không còn đủ để theo cha làm những việc nặng, đành ở nhà mưu sinh bằng cách đi kiếm vỏ trấu từ nhà máy xay. Ngày ấy tôi vẫn còn bé, và mẹ có vẻ hơi ngần ngại khi cha nói tôi theo phụ mẹ đánh trấu, thế nhưng lòng tôi lại ngập tràn cảm giác háo hức vì biết sẽ được quanh quẩn suốt ngày với cái thế giới sôi động, diệu kỳ, phơi phới sự ấm no.

Tôi và mẹ không biết đã trải qua bao nhiêu tháng ngày quẩn quanh ở nhà máy xay, bụi và mày trấu trám đầy người. Nhiều khi ngạt bụi vì hứng luồng hơi từ ống máy, cả mẹ lẫn con ho sặc sụa. Tôi thì từ chỗ theo phụ mẹ đã dần trở thành một tay kiếm trấu có nghề. Mỗi ngày, mẹ con tôi hì hụi nơi đầu ống phóng, cần mẫn quét dọn, nhặt nhạnh rồi đóng bao. Cuối ngày, cha đi làm mướn xong sẽ tranh thủ tạt qua, phụ hai mẹ con chất một xe trấu độ mười mấy bao tải cồng kềnh rồi thồ thẳng về lò gốm, bán cho chủ lò.

Ngoài những đồng tiền công làm mướn của cha, chúng tôi đã bấu víu vào nhà máy xay để duy trì nguồn sống lắt lay của cả mấy con người. Tiền bán trấu ít ỏi kiếm được hàng ngày, mẹ dành đong gạo, dè sẻn căn ke từng bữa. Và rồi tới một ngày, mẹ không còn tới nhà máy xay được nữa. Mẹ hứng nhiều bụi trấu quá nên ốm, ho dai dẳng. Một ngày tháng Chạp đầy sương lạnh, mẹ nằm xuống và mãi mãi đã không thể dậy.

Mẹ đi rồi, mấy cha con tôi tiếp tục bám víu vào nhau, chật vật xoay vần với cái đói nghèo quẩn quanh. Tôi vẫn đến nhà máy xay hàng ngày, nhưng không chỉ là kiếm trấu để bán cho chủ lò gốm mong nhận được chút tiền ít ỏi, mà còn để được… nhìn thấy những giấc mơ. Đó là giấc mơ về sự no đủ, về một viễn cảnh lúa gạo ăm ắp chất đầy tới nóc, không sợ phải ăn nay, lo mai. Đó là giấc mơ về nụ cười hềnh hệch vô tư của những gã đàn ông lưng trần, cần mẫn oằn mình đánh gạo từ kho xuống thuyền; về những tiếng rôm rả của các thím, các chị khi nói về mùa vụ hay những buổi đi làm hàng xáo đong thóc bên kia sông.

Bĩnh tĩnh sống - Nhà máy xay đầu làng và khắc khoải ấu thơ

Nhà...là nơi để về mỗi khi vấp ngã

Khi tôi lớn hơn, có một lần, cha bâng quơ: “Hai Huê sau này muốn làm nghề gì? Tôi bất giác nói: “Con muốn thành chủ vựa gạo!” Cha hỏi tại sao, tôi đáp hồn nhiên: “Tại nhà ông chủ vừa gạo thì không bao giờ bị đói đó cha!”.

Giây phút đó, cha im lặng. Nhưng, tôi cũng chợt chìm vào lặng im. Tôi nhận ra, hình như mình vừa gieo vào lòng cha một sự day dứt vô bờ, vì trót sinh các con ra mà để chúng phải khổ sở. Khổ dài, khổ lâu tới mức mà cái sự đói – no nó trở thành ám ảnh. Để rồi, ước mơ của lũ trẻ cũng đành quanh quẩn ở chuyện lấp sao cho đầy cái bụng rỗng thôi ư?

Tôi - đứa trẻ lay lắt mưu sinh ở khu nhà máy xay năm ấy giờ đã trưởng thành, có điều không phải làm chủ một vựa gạo như mong ước từng nói với cha khi xưa. Tôi chọn cho mình con đường học vấn để vào đời, bởi trong thẳm sâu tôi hiểu, chỉ con đường này mới có thể đưa tôi dứt khỏi cái đói nghèo, ám ảnh cả quãng đời con trẻ. Những năm tháng thơ ấu ấy đã khắc sâu trong tôi quá nhiều khao khát. Khát manh áo, tấm quần mỗi độ khai trường, khát những trang giấy trắng phau còn thơm mùi mực mới và khát cả những bữa cơm no. Nhưng để nuôi được con đường mình đã chọn đó, tôi phải cắn răng trải qua biết bao cực hàn. Hết năm thứ nhất đại học, nhận được học bổng, tôi lao vào làm thêm đủ thứ nghề, mong đỡ đần được phần nào cho tấm lưng cha. Tôi đã từng đạp xe gần hai mươi cây số trong cái nắng hè oi ả để đi dạy gia sư, đổi về vài chục nghìn ít ỏi, nhiều lúc cập giờ còn chẳng kịp ăn, đành ôm cái bụng đói lê lên giảng đường. Tối về nhận làm sổ sách cho mấy chị buôn bán gần nhà, rồi đi giao sổ, trả sổ. Có những lúc lầm lẫn, người ta chửi, người ta mắng như xối nước nhưng vẫn cười. Bởi tôi hiểu, đó là mưu sinh, là giá trị của đồng tiền lương thiện.

Năm tháng cứ thế trôi đi, giờ bớt cơ cực, không còn phải đau đáu nỗi lo nay ăn mai nhịn nữa. Anh chị em tôi đều đã trưởng thành, cuộc sống gia đình cũng dần khấm khá. Thế nhưng, dẫu bao năm tháng đã qua, ký ức trong tôi về những bao tải gạo xếp chồng, về nhà máy xay nơi quê nhà chưa bao giờ phai lạt. Đôi khi, ngồi trong phòng máy lạnh ù ù, tôi chợt nhớ về tôi của những ngày tháng xưa cũ đó, gầy còm, đen nhẻm, đang chui đầu vào ống máy mặc cho bụi trấu mù mịt phả rát mặt mình.

Và tôi mơ màng nhận ra, trong những vòng trấu tung lên hình cầu vòng tan tác ấy, người mẹ nghèo khổ của tôi vẫn đứng đó, lay lắt cuộn người vì những cơn ho…

Đậu

                                                                                                                            

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.