Nhà nghiêng ngả do xây dựng ẩu

Thứ 6, 28/12/2012 00:09

Chưa kịp hoàn hồn sau vụ sập nhà 5 tầng kinh hoàng xảy ra tại số nhà 49 Huỳnh Thúc Kháng chiều 31/3, người dân khu vực này lại được phen hú vía khi một ngôi nhà 5 tầng khác gần khu vực bị lún nghiêng rời khỏi ngôi nhà liền kề xảy ra vào sáng 5/4.

Hiểm họa “trời sụp xuống đầu”

Theo ghi nhận của PV, ngôi nhà số 14, ngõ 20 phố Huỳnh Thúc Kháng, gồm 5 tầng bị lún, nghiêng nằm ở vị trí phía sau tòa nhà M3, M4 trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ngôi nhà này thuộc sở hữu của ông Trịnh Đức Chỉnh và người được ủy quyền quản lý là ông Trịnh Công An, được xây từ năm 2002.

Ngay sau khi phát hiện nhà nghiêng, mặc dù đã được các cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường, cấm các ngả đường đi lại nhưng hàng trăm người dân hiếu kỳ vẫn bủa vây xung quanh để theo dõi sự cố. Chủ nhà đã di tản toàn bộ người và vật chất trong căn nhà.

Hiện trường ngôi nhà sập trên phố Huỳnh Thúc Kháng

Người dân xung quanh cũng được vận động di tản khỏi khu vực để đảm bảo an toàn.

Ngay sau khi xảy ra sự cố lãnh đạo UBND quận Đống Đa, phường Láng Hạ đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo.

Ông Phan Hồng Việt - Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: "Ngôi nhà này được xây 5 tầng, kết cấu khung bê tông cốt thép chịu lực khá chắc chắn. Theo quan sát ban đầu, ngôi nhà đã nghiêng về phía ngõ 91 đường Huỳnh Thúc Kháng, tường ngôi nhà tách ra khỏi tường nhà liền kề khoảng 3 - 5 cm. Càng lên cao, độ nghiêng càng lớn, cá biệt có chỗ rộng nhất lên tới 12 cm".

Sau những sự cố liên tiếp liên quan tới nhà ở riêng lẻ của người dân, UBND TP coi đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, các sự cố nghiêng, đổ nhà tại quận Đống Đa là báo động lớn về quản lý chất lượng công trình xây dựng riêng lẻ.

Ông nói: "UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các quận, huyện, thị xã tổng rà soát những công trình xây dựng từ những năm 90, trong đó, tập trung vào những công trình có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng...". Chủ tịch UBND TP Hà Nội thẳng thắn: "Đây là việc phải làm ngay bởi trách nhiệm quản lý chất lượng công trình trên địa bàn thuộc TP Hà Nội. Trường hợp xảy ra sự cố, chính quyền không thể phó thác trách nhiệm đó cho bất kỳ ai".

Hậu quả của việc xây dựng ẩu

Ông Trần Khắc Hạ, Thanh tra Xây dựng quận Đống Đa cho biết: "Theo như chủ nhà nói, căn nhà này bị nghiêng từ những năm 2005. Nguyên nhân dẫn đến nghiêng vẫn chưa xác định được, tuy nhiên có thể do nền móng yếu dẫn đến sụt lún.

Vụ lún, nghiêng xảy ra lần này cũng như vụ đổ nhà tại đường Huỳnh Thúc Kháng có thể do nằm trên nền đất yếu. Về chất lượng xây dựng xuống cấp, cũng không hoàn toàn. Hai căn nhà này đều là nhà tư, chất lượng xây dựng không đồng đều, lại trải qua quá trình sử dụng nhiều năm, có tình trạng xuống cấp nên đã xảy ra sự cố nghiêng, sập".

Ngươi dân đứng ngoài khu vực đã chăng dây lo lắng nhìn lên ngôi nhà bị nghiêng

Ông Trần Viết Ngôn Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra giả thiết tương tự: "Nhận định ban đầu có thể lún do nền móng, nguyên nhân có thể do khối cao tầng M3, M5 xây dựng bên cạnh gây ảnh hưởng. Về chất lượng xây dựng thì chúng tôi phải kiểm tra mới có thể đi đến kết luận được".

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Chủng (Trưởng Ban Chất lượng Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng) thì lại có nhận định cho rằng nguyên nhân của các sự cố nêu trên là do chất lượng công trình kém.

Theo ông Chủng, vấn đề chất lượng công trình đã không được quan tâm đúng mức, ý thức của người dân đối với chất lượng công trình không được coi trọng nên những căn nhà trên đã nghiêng, sập. "Trong xây dựng, việc tính toán vật liệu xây dựng là cực kỳ quan trọng, nhưng đôi khi người xây dựng coi thường yếu tố này nên sự cố xảy ra là đương nhiên.

Ví dụ trong vụ nhà sập tại đường Huỳnh Thúc Kháng, có thể do hệ kết cấu đã bị can thiệp một cách thô bạo trong quá trình cải tạo, sửa chữa. Người cải tạo có thể đã không nghiên cứu hệ kết cấu, chịu lực của căn nhà.", ông Chủng nói. Vị PGS này cảnh báo: "Hiện trạng công trình xây dựng tại Thủ đô Hà Nội đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, và hiện tượng sập đổ đã xảy ra.

Những ngôi nhà cũ tồn tại trong thời gian nhất định đang xuống cấp nghiêm trọng, khi thay đổi phải có giải pháp thích hợp. Việc cải tạo nâng cấp phải được thực hiện bởi những chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm".

Ông Chủng cho biết thêm, với những nhà do dân tự xây, như trường hợp nhà sập trên đường Huỳnh Thúc Kháng, hay nhà nghiêng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Nhà nước quy định họ phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng.

Nhưng về mặt kỹ thuật, cơ quan chức năng không để cho dân phó mặc tự chịu trách nhiệm vì việc xây nhà không phải là công việc muốn thì làm mà liên quan đến kỹ thuật, phải có những người am hiểu về kỹ thuật mới có thể làm được. "Tôi vẫn thiết tha đề nghị chính quyền địa phương có trách nhiệm, can thiệp đôn đốc dân xây dựng, theo đúng chuyên môn, chất lượng...", ông Chủng nói.

PGS. TS Nguyễn Xuân Chính - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) đồng tình với nhận định này. Ông Chính dẫn chứng: "Tai nạn nhà đổ tại đường Huỳnh Thúc Kháng do vấn đề kết cấu móng với kết cấu nhà. Theo như video quay lại, do kết cấu móng kém dẫn đến nhà đổ gục dần".

"Tình trạng thi công ẩu, ăn bớt nguyên vật liệu xảy ra thường xuyên khiến các công trình xây dựng bị kém chất lượng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ sập nhà.

Tốc độ phát triển đô thị của chúng ta hiện rất ồ ạt, không kiểm soát kéo theo tình trạng thi công kém chất lượng làm cho các sự cố ngày càng nhiều hơn", TS Trần Tân Văn (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản) nói.

Anh Đức - Văn Khoa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.