'Nhà ngoại cảm' Năm Nghĩa đẩy liệt sĩ vào cảnh trớ trêu

'Nhà ngoại cảm' Năm Nghĩa đẩy liệt sĩ vào cảnh trớ trêu

Thứ 3, 24/12/2013 15:45

Điều tra đặc biệt vạch trần sự thật về khả năng ngoại cảm của Vũ Thị Minh Nghĩa hay còn nổi danh với tên gọi 'nhà ngoại cảm' Năm Nghĩa.

Lâu nay, nhiều người vẫn nghe về người phụ nữ tên là Vũ Thị Minh Nghĩa - Năm Nghĩa - Năm “khùng”, 57 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình, đang sinh sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu, là con nhà nông, học hết lớp 7 thì ra phố sống bằng nghề làm đậu phụ và nuôi lợn (bà con quen gọi là Nghĩa Đậu) có khả năng ngoại cảm tìm được gần 5000 bộ hài cốt liệt sĩ.

Tuy nhiên, bằng những chứng cứ và phân tích dựa trên khoa học hiện đại, đại tá - tiến sĩ Đỗ Kiên Cường đã vạch mặt việc tìm mộ của “cô” Năm Nghĩa chỉ là sự lừa đảo tinh vi.

Thương nhớ đồng đội, khóc tới đổ bệnh

Nghe câu chuyện kể về “cơ duyên” khiến cho người đàn bà Vũ Thị Minh Nghĩa tự nhiên trở thành “nhà ngoại cảm”, chắc hẳn ai cũng phải nhớ đến câu chuyện trở thành “nhà ngoại cảm” của bà Phan Thị Bích Hằng. Trong câu chuyện bà Năm Nghĩa kể về bước ngoặt của đời mình tuy không có thầy lang Rồng chữa bệnh chó dại cắn, bắn bảy viên đạn đưa “linh hồn trở về với xác” giống như bà Bích Hằng, nhưng lại có hình ảnh của “Đức Ông” đưa bà Năm Nghĩa đến chùa Hương Tích, có “tiếng gọi của đồng đội” cũng ly kỳ, chẳng kém phần huyền bí.

Theo đó, trong nhiều cuộc trò chuyện với giới truyền thông, bà Năm Nghĩa đều nói rằng khả năng ngoại cảm của mình bắt nguồn từ tình cảm rất mực yêu quý và nhớ thương những đồng đội đã hy sinh vì dân, vì nước ở chiến trường khốc liệt. Bà Năm Nghĩa còn nói rằng, hiện nay bà có thể dễ dàng giao tiếp được với các vong linh qua hình bóng và tiếng nói để biết phần mộ của họ ở đâu cũng như danh tính và thân nhân còn sống...

Hồi nhỏ, Vũ Thị Minh Nghĩa chỉ biết làm đậu và nuôi lợn nên mọi người thường gọi là Nghĩa “đậu”. Năm 1970, bà Nghĩa vào bộ đội, sau mấy năm lên đến quân hàm thiếu úy, xuất ngũ sau năm 1975. Chồng bà cũng từng là lính lái xe Trường Sơn. Vợ chồng bà Nghĩa có bốn con, hai trai hai gái, đều được học hành.

Xã hội - 'Nhà ngoại cảm' Năm Nghĩa đẩy liệt sĩ vào cảnh trớ trêu

Căn nhà của Năm Nghĩa ở quê.

Theo lời bà Năm Nghĩa kể, sau khi việc gia đình tạm ổn thì trong lòng bà tự nhiên thấy dấy lên nỗi nhớ thương đồng đội khôn nguôi. Đêm đêm, bà rơi vào giấc ngủ một cách chập chờn. Lúc nào trong đầu bà cũng hiện ra những gì mà mình đã từng giáp mặt trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt: cảnh anh em bị thương cụt tay, cụt chân, lòi ruột... cảnh các tử sĩ máu me đầy người, chân tay co quắp, không người vuốt mắt khi chôn cất...

Bà Năm Nghĩa giải tỏa “cơn khát” đồng đội lúc bấy giờ bằng cách thức khuya để xem các tiết mục “Nhắn tìm đồng đội”, rồi sau đó lên sân thượng ngồi hướng về phía Nam thương cảm và khóc. Khóc nhiều quá, bà lâm bệnh trọng. “Một ngày, bình thường như mọi ngày, sau khi lao động về, tôi bỗng cảm thấy mệt mỏi và ra chiếc giường tre định nghỉ một lúc.

Dè đâu, tôi chìm vào trong giấc ngủ miên man gần 29 tiếng đồng hồ. Người nhà thấy tôi không thở, kêu mãi chẳng chịu dậy, tưởng là tôi trúng gió chết nên khóc vang cả nhà. Mãi sau, mọi người tưởng tôi chết thật mới bàn nhau đi mua đồ về tẩm liệm.

Qua thời gian 29 tiếng đồng hồ đó, tay tôi tự nhiên cử động và mẹ già thấy vậy liền mắng con cháu không chịu nhốt mèo lại, nghĩ rằng có con mèo nhảy qua làm cho “ma xó” nhập vào thể xác của tôi. Mọi người vội lấy dây thừng trói chặt chân tay của tôi lại. Một lúc sau tỉnh dậy, tôi bảo với mọi người sự thực là mình chưa chết. Lúc đó, mọi người mới tin là sự thực, liền vội vàng cởi trói cho tôi và đưa đi tắm rửa, thay đồ”, bà Nghĩa kể say sưa.

Cũng theo bà Nghĩa cho biết, trong lúc mê man bất tỉnh như thế, bà đã trải qua nhiều giấc mơ và đã được tiếp xúc với một hình bóng tâm linh mà bà gọi một cách tôn kính là “Đức Ông” (Ông Thánh). Trong mơ, bà đã đề đạt yêu cầu với “Đức Ông” nhằm cầu xin giúp đỡ: Một là cho bà khả năng nhìn thấy hài cốt liệt sĩ dưới mặt đất và cho phép bà trở lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội.

“Đức Ông” đã đồng ý và để bà chết lâm sàng 12 giờ liền (có lẽ trong thời gian đó, “Đức Ông” thực hiện sự thanh lọc cơ thể của Năm Nghĩa cho phù hợp với khả năng ngoại cảm sau này). Sau trận ốm, bà Năm Nghĩa như người ngớ ngẩn.

Từ đó, bà Năm Nghĩa có biệt danh mới là Nghĩa “điên”. Rồi ngày ngày, bà Nghĩa khoác ba lô, cơm nắm, đi vào rừng tìm kiếm, đào bới để tìm hài cốt đồng đội. Mọi người khắp trong Nam ngoài Bắc bắt đầu xôn xao với cái tên “ngoại cảm Năm Nghĩa”. 

Cái chết lâm sàng của Năm Nghĩa vẫn còn là một dấu hỏi

Theo như lời bà Năm Nghĩa kể thì có thể hiểu được cái chết của bà diễn ra ở quê nhà ở huyện Thái Thụy, Thái Bình, khi bà đang ở với người chồng và các con của mình. Ngày 19.12, phóng viên đã về quê của bà Nghĩa ở thôn Kim Thành, xã Thái Sơn (Thái Thụy – Thái Bình) để tìm hiểu về chuyện này.

Nhiều người ở khu vực xã Thái Sơn tỏ ra không lạ lẫm gì khi được hỏi về bà Năm Nghĩa vì với họ thì người phụ nữ này đã quá “nổi tiếng” khi có cuộc sống gia đình khổ cực nhưng bù lại, bỗng nhiên có một thế lực siêu nhiên trợ giúp để có một cuộc sống sung sướng, khiến bất cứ ai cũng phải mơ ước.

Được một người đàn ông ở xã Thái Sơn chỉ đường một cách rành mạch, chúng tôi tìm đến nhà bà Năm Nghĩa chẳng quá khó khăn. Trong nhà lúc này chỉ có người phụ nữ tên Huệ - em dâu của bà Năm Nghĩa đang ở nhà. Thấy khách đến, bà Huệ đã đoán ngay ra có người đến “nhờ vả” tìm mộ nên đon đả mời vào nhà.

Trong câu chuyện mở đầu của mình, bà Huệ cho biết: “Hiện tại, ở ngôi nhà trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chị Nghĩa đang xây một ngôi nhà thờ to lắm. Đó là tiền người ta từ thiện đấy, chứ chị ấy lấy đâu ra tiền mà xây nhà thờ to như vậy. Để xây ngôi nhà thờ này, chị ấy phải bảo chồng tôi (em trai bà Năm Nghĩa), cùng một tốp thợ ở ngoài này đi vào trong đấy xây dựng. Khéo phải đến tháng 7 sang năm mới xong được”.

Theo lời kể của bà Huệ thì bà Năm Nghĩa có tất cả 2 đời chồng và 5 người con, nhưng rồi không hiểu vì cơ duyên gì mà cả hai người chồng của bà đều bỏ vào trong miền Nam và lập nghiệp ở trong đó.

“Thời gian khi chị Nghĩa còn đang thời con gái thì có làm người trông coi trẻ ở Bệnh viện Thái Bình. Tại đây, chị đã nên duyên với người đàn ông làm công nhân tên Lâm, vốn là bạn học cùng lớp cấp 1 và cấp 2 ngày trước. Nhưng khi có với nhau được 2 người con thì không hiểu vì sao hai người chia tay".

"Lúc chia tay anh này, chị Nghĩa có ốm đau thất thường, nhiều lúc điên điên khùng khùng nên nhiều người thời bấy giờ hay gọi chị là Năm khùng.

Rồi nỗi đau cũng qua đi, chị Nghĩa có vào trong miền Nam làm ăn. Ở đây, chị có quen với một người đàn ông làm nghề lái xe. Sau thời gian tìm hiểu, hai người lại nên duyên vợ chồng và có với nhau 3 đứa con… Bây giờ, mỗi năm chị Năm cố định về nhà hai lần vào dịp giỗ mẹ và giỗ bố”.

Khi được hỏi về câu chuyện ốm đau dẫn đến giấc ngủ 29 tiếng khiến người nhà tưởng đã chết mà than khóc của người chị chồng, bà Huệ cho biết: “Ừ, trước chị ấy (bà Năm Nghĩa) đang ở Thái Bình đây thôi. Cũng chăn nuôi lợn, nấu đậu, làm đậu phụ. Trải qua trận ốm là chị ấy cứ ăn cháo loãng hoặc uống sữa…”.

Tuy nhiên, một lúc sau, bà Huệ lại nói rằng, thời gian sống với người chồng đầu tiên ở xã Thái Sơn, Thái Thụy, Thái Bình thì bà Vũ Thị Minh Nghĩa chưa có khả năng ngoại cảm, chỉ đến khi lấy người chồng thứ hai trong miền Nam thì lúc đó mới xuất hiện khả năng nói chuyện được với những người liệt sĩ đã hy sinh.

Phóng viên đã mang câu chuyện ốm thập tử nhất sinh rồi gặp được “Đức Ông” ban cho “phép lạ” để có thể nói chuyện được với những người đã khuất của bà Năm hỏi nhiều người trong làng Kim Thành, xã Thái Sơn để xác nhận. Tuy nhiên, tất cả những người được hỏi đều nói rằng: Có nghe thấy câu chuyện đó của bà Năm Nghĩa, nhưng lại không có ai biết được cụ thể địa điểm xảy ra sự việc đó ở xã Thái Sơn hay ở trong miền Nam hay ở thị xã Thái Bình. Câu chuyện ốm đau này cũng chỉ được bà Năm kể lại chứ không ai được chứng kiến cụ thể như thế nào.

Bà Phạm Thị Khương, 65 tuổi, Trưởng thôn Kim Thành nói: “Thời gian chị Nghĩa làm việc trông trẻ ở thị xã Thái Bình thì đúng là có ốm đau liên tục. Lúc ấy, người làng chúng tôi còn tập hợp nhau lên thăm cơ mà. Nhưng đấy chỉ là ốm đau thông thường, cảm sốt thì ai chẳng có lúc như thế, chứ không đến nỗi chết lâm sàng, nên tôi không biết sự việc chị Năm nằm bất tỉnh 29 tiếng tưởng chết xảy ra lúc nào và địa điểm cụ thể là ở đâu".

"Chắc chắn không phải là ở thôn Kim Thành vì nếu như thế chúng tôi đã biết, vì nhà chị Nghĩa cách đây có vài bước chân, lại là người làng với nhau thì dù có chuyện to nhỏ gì, chúng tôi cũng sẽ sang xem có giúp được điều gì không. Còn nếu trong miền Nam thì chúng tôi cũng không được nghe người thân của chị Năm nói tới bao giờ. Tôi chỉ biết rằng, chị Năm nói có khả năng ngoại cảm sau một trận ốm chứ không biết cụ thể thời gian và địa điểm khi nào, đặc biệt là về việc ngất đi trong 29 tiếng tưởng chết”.

Tiếp tục tìm hiểu về quá trình hình thành nên khả năng ngoại cảm của người đàn bà Năm Nghĩa, phóng viên tìm đến nhà ông Vũ Mạnh Thắng, 65 tuổi là hàng xóm của bà Nghĩa, đồng thời cũng là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Kim Chung.

Ông Thắng cho biết: “Tôi không biết về việc chị Nghĩa bị bất tỉnh 29 tiếng tưởng chết. Có thể chuyện đó xảy ra vào thời chị ấy ở trong Nam, nhưng không thấy người thân của chị Nghĩa nói lại. Khả năng ngoại cảm của chị Nghĩa có thật hay không, tôi cũng không dám khẳng định vì chưa có cơ quan chức năng nào công nhận điều này. Trong thôn, chị Nghĩa cũng có tìm mộ cho một số nhà, nhưng không biết kết quả xác thực thế nào, vì chẳng nhà nào xét nghiệm ADN, mà chỉ mang về chôn cất".

"Nhà tôi có một người anh con bác cũng bị mất mộ được chị Nghĩa nói rằng tìm thấy từ 3 năm nay, nhưng người đứng đầu trong gia tộc yêu cầu phải giám định ADN nếu đúng mới làm lễ đưa về quy tập vào khu mộ của gia đình. Thế nhưng, bây giờ không có ai đứng ra lấy mẫu ADN đi xét nghiệm để đối chứng nên hiện tại, di vật được cho là hài cốt đó đang được chị Nghĩa lưu giữ tại Bà Rịa – Vũng Tàu để thờ cúng”.

Cũng theo ông Thắng cho biết, thời thơ ấu ông Thắng và bà Nghĩa cũng chơi thân với nhau. Khi đó bà Nghĩa cũng chỉ là đứa trẻ bình thường, nô đùa nghịch ngợm như bao đứa trẻ thông thường khác trong thôn. Khi lớn lên thì bà Nghĩa cũng không có bất kỳ biểu hiện gì khác lạ, cho thấy có dấu hiệu không bình thường về mặt thần kinh.

“Chúng tôi hồi bé vẫn thường chơi những trò chơi của trẻ con cùng với nhau, cùng đi mò cua bắt tép… Chị Nghĩa chỉ có biểu hiện không bình thường trong một thời gian khi ly dị người chồng đầu tiên. Thời gian sau khi ly dị ấy, chị Nghĩa cứ điên điên khùng khùng, nói lăng lẩm bẩm rồi đi lại trong thôn vật vờ như một người điên dại. Cũng từ đó, chị ấy có biệt danh là Năm khùng”, ông Thắng nói.

Trong hành trình tìm hiểu về nguồn gốc hình thành nên “nhà ngoại cảm” Vũ Thị Minh Nghĩa, chúng tôi còn vô tình gặp chị Nguyễn Thị Hương - chủ nhà nghỉ Thiên Hương tại đầu xã Thái Giang (Thái Thụy - Thái Bình).

Chị Hương bất ngờ cung cấp cho chúng tôi một câu chuyện liên quan đến người chú tên Nguyễn Văn Chung (quê xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình), là liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường miền Nam, được bà Năm Nghĩa tìm hài cốt 3 năm về trước.

Chị Hương kể: “Người chú của tôi hy sinh đã lâu nên gia đình luôn khát khao tìm kiếm để đưa về quy tập tại nghĩa trang cho ấm áp tình thương. 3 năm về trước, một người anh của tôi ở gần nhà bà Năm Nghĩa trong miền Nam đã tìm đến nhờ bà tìm giúp. Sau quãng thời gian tìm kiếm, bà Năm Nghĩa có xác định một bộ hài cốt được cho là của chú Chung".

"Điều này đã khiến cho gia đình rất cảm động. Bộ hài cốt do bà Năm Nghĩa hướng dẫn tìm đã được cơ quan đoàn thể huyện Đông Hưng cùng gia đình tôi tổ chức long trọng đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Có ai ngờ đó lại là hài cốt của người khác, khiến cho gia đình tôi hết sức đau lòng, khi 3 năm qua thờ một người không phải là cha, là chú mình".

"Tôi còn nhớ, ngày đưa hài cốt về, anh chị em trong gia đình vì quá cảm động, thương tiếc người đã mất mà khóc hết nước mắt, gào thét gọi tên cha chú. Thật không ngờ… Cách đây mấy tháng, một người bạn thân trong chiến trường của chú tôi khi vào thăm lại chiến trường xưa đã vô tình phát hiện thấy một ngôi mộ đã được chôn cất, dựng bia tại nghĩa trang từ lâu có đề họ và tên Nguyễn Văn Chung, năm sinh, năm mất, quê quán y như địa chỉ của chú tôi khi đăng ký tham gia quân ngũ".

"Điều làm cho mọi người tin tưởng nhất là trên bia còn ghi đúng đến cả địa chỉ thôn nơi chú tôi sinh ra. Người đồng đội này đã khẳng định đây mới chính là ngôi mộ của chú tôi, chứ không phải là bộ hài cốt mà bà Năm Nghĩa đã tìm cho 3 năm về trước. Lúc nhận được thông tin từ người đồng đội của người chú đã ngã xuống, cả gia đình tôi như chết lặng và không tin vào mắt mình. Kiểm tra các chứng cứ mà người đồng đội của chú Chung cung cấp thì chính xác hoàn toàn, chính quyền trong đó cũng đã xác nhận về ngôi mộ này".

"Lúc này, gia đình tôi mới thấy trước đó đã quá vội vàng tin bà Năm Nghĩa, không đem bộ hài cốt bà ấy tìm cho đi xét nghiệm ADN, để đến bây giờ xảy ra tình cảnh trớ trêu, không biết phải làm thế nào với người đã khuất. Ngôi mộ đang thờ thì nỡ lòng nào mà bỏ đi, còn người chú thật của mình thì mãi ở xa tít tắp, nếu không đón về thì không được, lương tâm cắn rứt…”.

Theo Chuyện đời

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.