Nói về sự việc bà Phan Thị Bích Hằng tìm phần hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên, lật lại cuộc tìm kiếm, sự "ly kì" cho thấy "nhà ngoại cảm" này đã lợi dụng tâm lý của người thân, gia đình cũng như cả đoàn tìm kiếm để "hành nghề" hay đây chỉ là trường hợp nhầm lẫn hy hữu?
Nhiều tài liệu khẳng định, Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ T.Ư Đảng khóa I (1935). Như vậy, Phùng Chí Kiên được coi như bậc khai quốc công thần và cũng chính Phùng Chí Kiên là người đầu tiên chính thức được phong hàm Tướng bằng Sắc lệnh 89/SL do Hồ Chủ tịch ký ngày 23.9.1947.
Tướng Kiên đã bị giặc Pháp bắt và chặt đầu treo để thị uy. Năm 1990, phần thân thể của vị tướng tài đã được vào nghĩa trang liệt sĩ. Còn phần thủ cấp thì vẫn chưa tìm ra. Bộ quốc phòng và gia đình đã nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chỉ giúp.
Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên được tiến hành vào ngày 7/5/2008. Điều đặc biệt ở đây là bà Phan Thị Bích Hằng lại hướng dẫn đoàn tìm kiếm tìm phần hài cốt qua điện thoại.
Bà Phan Thị Bích Hằng.
Phần mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên được bà Hằng xác định nằm tại cánh đồng hoang của huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn. Để khẳng định niềm tin của gia đình cũng như đoàn tìm kiếm, bà Bích Hằng còn cho biết, người đàn ông tên Vẹo, làm thợ cắt tóc ở huyện Ngân Sơn – Cao Bằng (nay là huyện Ngân Sơn – Bắc Kạn) đã lấy cắp thủ cấp của Tướng Phùng Chí Kiên trước sự canh chừng cẩn mật để đem đi chôn cất. Khi đoàn tìm kiếm đến gặp người đàn ông này thì đã mất, con gái của cụ Vẹo cũng khẳng định rằng cha mình nhiều lần kể về khu mộ chôn cất phần thủ cấp của liệt sĩ Kiên ở đúng hướng mà bà Bích Hằng tìm thấy. Thêm tình tiết này, bà Hằng đã làm cho những người trong đoàn tin tưởng tuyệt đối vào mình.
Theo lời người cháu của liệt sĩ kể lại thì trong lúc khấn vái bà Bích Hằng nhận được cuộc điện thoại không rõ từ đâu gọi đến. Sau khi nghe xong cuộc điện thoại, bà Bích Hằng bất ngờ cho đoàn tìm kiếm biết mình có việc phải về gấp, không ở lại tham gia cất bốc cùng đoàn được. Tất cả những điều liên quan đến việc cất bốc, bà Bích Hằng hứa sẽ hướng dẫn qua…điện thoại..
Việc bà Bích Hằng bỗng nhiên ra về vì “có việc gấp” khiến cho cả đoàn vô cùng ngỡ ngàng, nhưng lịch cất bốc đã lên, không thể hoãn. Chính vì thế, cuộc khai quật nơi bà Bích Hằng chỉ dẫn vẫn được diễn ra, với sự tham gia chứng kiến của đầy đủ ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bắc Kạn. Vị trí khai quật thuộc địa bàn Tiểu khu 1, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn. 1h30 ngày 8/5, việc khai quật chính thức bắt đầu.
“Khi làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn, họ đã nói rõ tìm thấy đầu mà không thấy răng thì không phải đầu người. Vì thế, đến 4h sáng, việc tìm kiếm chưa thể kết thúc vì không thấy chiếc răng nào. Khi cuộc khai quật khu đất đang diễn ra trong đêm khuya thì đèn bất ngờ phụt tắt, điện mất khiến cho công cuộc tìm kiếm vô cùng khó khăn và lâm vào bế tắc
Trong quá trình đi tìm thì đường đi như thế nào, bà Hằng miêu tả chính xác luôn. Tất cả các chi tiết, từ đường sá, địa hình và đặc điểm phần hài cốt đựng trong cái gì đều rất chuẩn xác...”, bà Đông nhớ lại và cho biết: “Chính tôi là người chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc tìm kiếm, không những thế, tôi là người tận tay đào từng hòn đất, thu từng nắm bùn được cho là phần hài cốt còn lại của chú Vỹ, những mảnh xương được cho là răng và nhiều mảnh sành ở xung quanh cho vào túi cẩn thận. Một mình tôi đảm nhiệm việc bốc những phần được cho là liên quan tới chú Vỹ, mà không có ai khác tham gia cả”.
Sau đó, biên bản đào bới, khai quật mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn lập, các cơ quan chức năng và đoàn thể địa phương cùng đại diện gia đình là bà Trương Thị Đông, đại diện cho người thân của liệt sĩ ký vào biên bản.
Cùng ngày, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, thay mặt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn, Trung tá Hoàng Bình Tĩnh bàn giao bọc đỏ được niêm phong cho ông Đào Tất Vinh - đại diện Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Hoàng Thị Tảo, đại diện gia đình và đoàn tìm kiếm. Phần tìm kiếm đã được giao cho Viện Pháp y Quân đội tiến hành xét nghiệm ADN để xác định lần cuối cùng xem đó có phải là phần hài cốt còn lại của Tướng Phùng Chí Kiên hay không.
Và kết quả của Viện Pháp y Quân đội – Bộ Quốc phòng nêu rõ: “Những mẫu vật mà Viện này nhận được, sau khi giám định đã xác định gồm: Đất lẫn đá vụn, 13 mảnh sành và 3 mảnh đá nhỏ, 1 răng lợn rừng. Theo kết quả đó, công văn này kết luận: Mẫu vật gửi tại Khoa giải phẫu Bệnh viện 108 không phải là một phần hài cốt của đồng chí Phùng Chí Kiên”.
Sự việc đặt ra nghi vấn rằng liệu những bộ hài cốt mà "nhà ngoại cảm" này "giúp" gia đình các liệt sĩ tìm được mang về thờ cúng bao nhiêu phần trăm là thật? hay chỉ là đất với xương động vật?
Thoa Nguyễn