Một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Xây dựng đề xuất nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS) năm 2013 và để phát triển bền vững thị trường này là gắn việc gỡ khó với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Theo đó, đây là việc làm đạt được nhiều mục tiêu: nhà ở xã hội sẽ phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân hay nói cách khác người nghèo sẽ được mua nhà dưới giá thành, thậm chí rất rẻ; đồng thời đây cũng là một gói kích cầu gián tiếp của Chính phủ cho thị trường vì Nhà nước đã không thu tiền sử dụng đất đối với nhà ở xã hội, như vậy là Nhà nước đã hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp có việc làm và vẫn thu được lợi nhuận...
Xung quanh vấn đề nhà ở xã hội hiện nay, trao đổi với PV, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết, theo đúng nguyên lý hiện nay trên thế giới thì nhà ở xã hội là nhà để cho thuê với giá rẻ còn nhà giá rẻ lại là chuyện khác.
"Hiện nay theo đúng nguyên lý nhà ở xã hội không phải là nhà để bán, trên thế giới, nhà ở xã hội là nhà cho thuê với giá rẻ, còn nhà giá rẻ lại là chuyện khác.
Ở các nước, nhà giá rẻ, đối tượng chính là các đối tượng có thu nhập trung bình còn tầng lớp thu nhập thấp nếu muốn mua thì phải được nhà nước cho vay tiền. Nghĩa là có chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp chứ không có loại hình nhà ở cho người thu nhập thấp", TS Liêm nói.
Cũng theo TS Liêm cho biết thêm, ở các nước hiện nay, các đối tượng có thu nhập cao, trung bình, thấp đều có thể mua các loại nhà giá rẻ, nhà thương mại chứ không có quan niệm như ở nước ta hiện nay.
"Cách quan niệm hiện nay cho thấy, nhà thì giá rẻ nhưng người cần mua thì không có tiền còn người có khả năng tài chính để mua thì không được mua vì các tiêu chuẩn quá rườm rà. Đã là thị trường thì cứ có tiền là được mua", TS Liêm nhấn mạnh.
TS Liêm cũng cho rằng, chính sách cho vay tiền để người có thu nhập thấp vay tiền thực tế hiện nay vẫn còn quá nhiều bất cập, khiến cho thời gian vay được tiền kéo rất dài.
Một thực tế cũng được TS Liêm đề cập trong việc xây dựng nhà ở xã hội và nhiều khu nhà ở khác, đó là việc hiện nay, chúng ta mới chỉ chú trọng đến xây "khu nhà ở" chứ chưa phải là xây "khu đô thị" theo đúng nghĩa.
"Hiện nay nhiều quan điểm vẫn đang nghĩ nhà ở chỉ để ở chứ không gắn nhà ở với nguồn sống, nguồn thu nhập. Và thực tế, nhiều khu nhà ở đã như vậy. Nhưng đối với người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp thì nhà ở rất gắn với nguồn sống của họ. Cho nên việc tách chỗ ở ra khỏi cuộc sống của người ta là thất bại", TS Liêm nhấn mạnh.
Cũng một vấn đề được Tiến sĩ Liêm đưa ra đối với các doanh nghiệp khi tham gia làm nhà ở xã hội, đó là bất động sản là bất động nên phải rất cụ thể, tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường chứ không thể chung chung, chạy theo phong trào.
"Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi về đất, cho vay nhưng đắt đã không bán được, rẻ cũng chưa chắc đã bán được nếu không có người mua, không tìm hiểu nhu cầu thị trường. Bất động sản là bất động nên dù chỗ B thiếu nhưng cũng không thể mang chỗ A thừa đến để bán được.
Vì thế, phải rất cụ thể chứ không thể chung chung, phong trào trong thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp khi thấy Nhà nước có chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội đăng ký tham gia nhưng tham gia thì phải xác định là bán được chứ không phải lấy cái tên", Tiến sĩ Liêm bày tỏ.
Lấy ví dụ về mô hình nhà ở xã hội ở một số nước, Tiến sĩ Liêm chia sẻ, ở nước Pháp ngay từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đã có mô hình nhà ở cho thuê giá phải chăng.
"Tức là nhà nước bỏ tiền đầu tư sau đó cho người dân thuê với giá phải chăng. Giá phải chăng tức là giá tiền thuê nhà không quá 30% tổng thu nhập của một gia đình, còn vượt quá thì được gọi là cho thuê với giá cao. Ví dụ ở Việt Nam, một cặp vợ chồng có tổng thu nhập là 10 triệu thì giá thuê nhà không được quá 3 triệu.
Còn ở một số nước khác thì có các khu công nhân, nếu ai đủ điều kiện thì có thể vào thuê", TS Liêm cho biết.
Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, việc chia nhỏ các căn hộ trong nhà ở xã hội có thể dẫn đến tình trạng xuất hiện các khu ổ chuột, hay các "chuồng chim"... tuy nhiên, Tiến sĩ Liêm không đồng tình với ý kiến này và cho rằng:
"Quản lý nhà nước thì điều cần quan tâm là một người ở bao nhiêu m2 thì hợp vệ sinh chứ không phải là căn hộ có diện tích lớn hay nhỏ. Việc có các căn hộ 20 - 25m2 cũng là do nhu cầu và thực tế, ở các nước các căn hộ này rất nhiều", TS Liêm nói.
Theo TTVN